Các nhà đầu tư của Mobike và Ofo đang đàm phán để sớm sáp nhập 2 startup chia sẻ xe đạp lớn nhất Trung Quốc này nhằm chấm dứt một cuộc chiến giá cả khốc liệt và tạo thế thống trị của một thị trường chung duy nhất.

Nếu được sáp nhập, giá trị của “cuộc hôn nhân” này sẽ lên tới hơn 4 tỷ USD. Các cuộc thảo luận đang trong giai đoạn sơ bộ, khả năng thành công còn chưa thể khẳng định trước.

Ofo và Mobike lần lượt được đầu tư bởi hai tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Tencent. Hai tập đoàn này đã có lịch sử ủng hộ các công ty khởi nghiệp là đối thủ với nhau và sau đó kết hợp thành một để tiết kiệm chi phí điều hành.

Tuy nhiên, không giống như dịch vụ chia sẻ ô tô, startup chia sẻ xe đạp của Trung Quốc là loại hình tiên phong trên toàn cầu và đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài. Một hiệp ước đình chiến ở quê nhà sẽ tạo cho họ nhiều nguồn lực hơn nữa để có mặt tại Mỹ, châu Âu và các vùng khác của châu Á. Ưu điểm tiện lợi của dịch vụ này nằm ở chỗ: thay vì sử dụng bến đỗ, người dùng có thể sử dụng ngay Ofo hoặc Mobike bằng một lần đăng nhập trên điện thoại thông minh và ví điện tử, đạp xe đến nơi mình muốn và để đó.

Vào tháng 6, Tencent, Sequoia Capital, TPG và Hillhouse đã rót 600 triệu USD cho Mobike. Một tháng sau đó, Ofo nhận được hơn 700 triệu USD từ Alibaba, Hony Capital và Citic Private Equity. Nhờ sự hỗ trợ của Tencent cho Mobike và Alibaba cho Ofo, dịch vụ của 2 startup này đã đổ bộ vào các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải chỉ vài năm sau khi thành lập. Thông qua Ofo và Mobike, Alibaba và Tencent đang tiến hành một trận chiến khốc liệt trong lĩnh vực thanh toán di động, điện toán đám mây và dữ liệu người dùng.

Hợp nhất Ofo và Mobike không phải là vụ làm ăn mới mẻ đối với Alibaba và Tencent. Dịch vụ chia sẻ ô tô mà 2 tập đoàn này từng đầu tư để đối đầu nhau cuối cùng đã sáp nhập thành Didi Chuxing, startup đã hất cẳng Uber ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, những vụ sáp nhập như vậy không phải lúc nào cũng giải quyết được trong hòa bình. Website bán lẻ Meituan của Alibaba sau khi đồng ý sáp nhập đã khiến tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ này phải thành lập nhiều trang bán lẻ hơn để cạnh tranh lại. Việc sáp nhập cũng thường dẫn đến sự ra đi của người sáng lập với phần cổ phần nhỏ hơn và gây nên lục đục trong nội bộ công ty.

Minh Thu – ICTNews