Không ít startup tìm cách thích nghi với dịch bệnh bằng cách ra sản phẩm mang tính thời điểm, đáp ứng nhu cầu người dùng.

Ứng dụng phòng dịch

Sức khỏe, sự an toàn là mối quan tâm hàng đầu khi dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến khó lường. Dựa trên các biện pháp phát hiện, cách ly, khoanh vùng, phân loại từ Bộ Y tế, nhiều startup đã phát triển ứng dụng hỗ trợ phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, trong đó có Covid-19 Check.

Được phát triển bởi Got It, Covid-19 Check cho phép người dùng kiểm tra khả năng bị lây nhiễm với Covid -19 theo phân loại từ F0 tới F5 của Bộ Y tế Việt Nam. Ứng dụng ghi lại các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong vòng 14 ngày. Dữ liệu do người dùng cung cấp và được cập nhật hàng ngày. Nếu phát hiện cá nhân đó ở trạng thái bị rủi ro do đã tiếp xúc với người mới được xác nhận là nhiễm bệnh, hệ thống sẽ cảnh báo ngay. Người dùng có liên quan cũng tự động chuyển trạng thái theo hệ thống phân loại F0 tới F5 và được thông báo ngay lập tức.

Ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa

Sợ lây nhiễm Covid-19, nhiều người có tâm lý e ngại, trì hoãn đến các cơ sở y tế, bệnh viện lớn, đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa là một giải pháp được nhiều người tìm đến mùa dịch, điển hình như Doctor Anywhere, eDoctor, Bookcarer, Dr.Oh, YouMed…

Chỉ cần smartphone kết nối Internet, ngồi nhà, người dùng có thể được thăm khám, tư vấn về tình hình sức khỏe qua video, điện thoại từ đội ngũ bác sỹ. Điều này vừa đảm bảo giải quyết các vấn đề mà bệnh nhân gặp, vừa xóa nỗi lo ngại phải đến các cơ sở y tế đông người, mất thời gian làm thủ tục, chờ đợi. Lĩnh vực y tế, sức khoẻ cũng là một trong những xu hướng của khởi nghiệp Việt Nam những năm gần đây.

Các nền tảng này tích hợp nhiều tính năng, giống như mô hình thu nhỏ của một trung tâm chăm sóc sức khỏe. Đơn cử, với ứng dụng Doctor Anywhere, người dùng có thể kết nối, nhận tư vấn từ đội ngũ y bác sĩ qua video. Ngay khi kết thúc phiên tư vấn trực tuyến, bệnh án kèm chẩn đoán của bác sĩ, đơn thuốc và các giấy tờ liên quan khác sẽ được gửi đến email. Người bệnh có thể chọn mua thuốc trực tiếp tại bất kỳ nhà thuốc nào thuộc hệ thống Doctor Anywhere Việt Nam, thuốc giao tận tay trong vòng 3 giờ đồng hồ kể từ khi xác nhận đơn thuốc.

Đi chợ trực tuyến

Mua sắm, thanh toán online đang là phương thức nhiều người lựa chọn khi Covid-19 bùng phát. Thay vì chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… các trang thương mại điện tử, shop bán hàng online… trở thành “chợ” tối ưu của nhiều người. Nhiều startup tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh, bổ sung tiện ích đi chợ online, giao hàng tận nhà.

Be Group vừa bổ sung tính năng “Đi chợ” vào đầu tháng 3, bên cạnh tính năng giao hàng, gọi xe quen thuộc. Khách hàng chỉ cần nhập điểm mua, món đồ cần mua trên ứng dụng Be. Cước phí thanh toán cho tài xế gồm phí giao hàng, phụ phí mua hộ, giá trị theo hóa đơn.

Dịch vụ giao đồ ăn Grabfood thậm chí còn thêm phương thức giao hàng gián tiếp, hạn chế tiếp xúc giữa shipper và người nhận. Theo đó, tài xế Grabfood đến địa chỉ nhận hàng sẽ đặt túi thức ăn, đồ uống lên túi, lùi lại khoảng cách an toàn, ra hiệu cho khách hàng tới nhận và để lại tiền mặt trong phong bì.

Làm việc online

Dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu học, làm việc online tăng đột biến, kéo theo sự tăng trưởng của các ứng dụng tổ chức cuộc họp, học tập online. Ứng dụng cuộc gọi video Zoom mới đây tiết lộ kết quả kinh doanh tăng phi mã, khi dịch bệnh khiến hàng triệu người trên thế giới phải làm việc tại nhà. Số người hoạt động hằng ngày trên ứng dụng tăng gần 70% kể từ đầu tháng 1.

Giữa tháng 3, Tập đoàn Nexttech mới giới thiệu ứng dụng Lên Lớp (Lenlop.vn), nền tảng lớp học trực tuyến đa phương tiện “Made in Vietnam”, mục tiêu hỗ trợ thầy cô giáo trên toàn quốc tổ chức các lớp học trực tuyến. Nền tảng tạo tương tác giữa người dạy với học sinh, sinh viên, thông qua truyền hình trực tuyến, trình chiếu tài liệu và bảng điện tử. Đại diện Lenlop.vn cho biết, nền tảng này hiện hỗ trợ miễn phí 900 lớp học ảo mỗi ngày, với thời lượng 2 giờ mỗi lớp trong đợt cao điểm Covid-19.

Phong Vân