Sinh năm 1995, Hà Văn Huy đang là Giám đốc điều hành, người đồng sáng lập Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ in 3D Việt Nam. Huy là một thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, dám tự tin khởi nghiệp trong thời đại 4.0 từ một lĩnh vực còn mới ở Việt Nam chỉ với niềm đam mê công nghệ và mong muốn những sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt được ra đời.

Những năm tháng vun đắp ước mơ

Hà Văn Huy sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Ngay từ khi học lớp 2, Huy đã yêu thích khoa học kỹ thuật, hay đi thu nhặt những đồ cũ, đồ bỏ đi của các quán sửa chữa điện tử, điện lạnh hay cơ khí…, đem về lắp ráp mô hình robot, oto điều khiển từ đồ tái chế.

Việc yêu thích chế tạo lắp ráp đó luôn được Huy duy trì suốt quãng thời gian học phổ thông. Mỗi năm em đều cho ra các mô hình đồ chơi khác nhau, căn phòng của Huy ở quê giờ vẫn lưu giữ rất nhiều mô hình từ đồ tái chế thuở xưa làm kỷ niệm. Chính niềm đam mê khoa học kỹ thuật và tinh thần ham học hỏi để sáng tạo trở thành chiếc la bàn định hướng Huy đến với thành công sau này.

Năm 2013, Huy đỗ vào trường Đại học Điện Lực (Hà Nội). Em luôn tích cực năng nổ trong các hoạt động, tham gia CLB tình nguyện, phụ trách mảng truyền thông của Đoàn trường. Thông qua công tác, Huy đã phối hợp kêu gọi bạn bè cùng khôi phục lại CLB Robocon EPU (CLB này đã bị tan rã từ năm 2004). Đây cũng là ước mơ của Huy, mong một ngày được mặc lên mình chiếc áo thi đấu, khi theo dõi từ năm đầu tiên có chương trình robocon trên truyền hình.

Từ năm 2016-2018, Hà Văn Huy làm Đội trưởng CLB robocon EPU của trường Đại học Điện lực, khi đó CLB có 20 người. Huy đã dẫn dắt đội của mình đại diện cho trường tham dự 2 cuộc thi: Robocon Việt Nam năm 2016 vượt qua vòng loại miền Bắc; Robocon Việt Nam năm 2017, vượt qua hơn 70 đội thi để tham gia vòng loại toàn quốc. Mặc dù không đạt được thành tích như mong muốn nhưng qua đó Huy cũng đã rút ra được nhiều bài học quý giá.

“Qua 2 năm tham gia robocon, em nhận thấy team của mình có những bạn rất nhiệt huyết, năng động và nắm vững kiến thức. Đây thực sự là một nguồn nhân lực tốt, vậy mình phải làm điều gì đó phát huy được nguồn nhân lực này, có thể cùng khởi nghiệp để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Em ấp ủ ước mơ khởi nghiệp về lĩnh vực tự động hóa từ đó”- Hà Văn Huy  tâm sự.

Nhiều kiến thức được tích luỹ từ công việc làm thuê

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Đại học, Hà Văn Huy được tuyển về làm kỹ thuật viên lập trình và vận hành máy CNC – gia công đá tự nhiên cho một công ty tại Hà Nội. Huy cũng là người đầu tiên phụ trách lĩnh vực CNC của công ty này, một mình Huy tìm hiểu các thông số gia công cho phù hợp và vận hành được 4 chiếc máy CNC cùng lúc. Trong quá trình làm tại đây, chính việc được tiếp cận với các loại máy gia công CNC, máy WaterJet (các máy này đều có hệ chuyển động tương tự như máy in 3D) đã giúp ích cho Huy rất nhiều về kỹ thuật khi chế tạo máy in 3D sau này.

Cuối năm 2018, Huy quyết định xin vào làm tại một trong những công ty tự động hoá lớn nhất Việt Nam, chuyên sản xuất các giải pháp và dây chuyền tự động hóa. Sang công ty mới, Huy được tiếp cận với những công nghệ hoàn toàn mới lạ, và những cách làm việc hoàn toàn khác. Sau khi tan ca làm, Huy hay ngồi lại công ty đến tối muộn, để học hỏi thêm từ các bạn đồng nghiệp. Cũng từ đây Huy đã có được những kinh nghiệm làm việc, cách tổ chức và quản lý công việc, biết được nhiều hơn về một doanh nghiệp vận hành như thế nào, các quy trình làm việc ra sao,…

Bước ngoặt cuộc đời mở ra cơ hội khởi nghiệp

Đầu năm 2019, Huy có một cuộc trò chuyện với một người bạn về công nghệ in 3D – một công nghệ được nhắc đến trong nền công nghiệp 4.0. Khi đó Huy đã dần nung nấu ý tưởng tạo ra những chiếc máy in 3D mang thương hiệu Việt Nam.

Trở về nhà, với ý tưởng luôn thôi thúc trong đầu. Sau 2 ngày suy nghĩ, Huy đi đến quyết định khởi nghiệp và kết hợp với 2 người bạn đã từng tham gia CLB robocon trước đây. Tháng 3/2019, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ in 3D Việt Nam chính thức được thành lập và hoạt động về lĩnh vực sản xuất thương mại máy in 3D và các dịch vụ in 3D.

Trong công ty, vừa ở vị trí Giám đốc điều hành, Huy vừa là người đảm nhận nhiệm vụ thiết kế toàn bộ một chiếc máy in 3D. Công việc thiết kế chế tạo máy bao gồm rất nhiều công đoạn và sự tính toán chuẩn xác cao, phải thiết kế sao cho các kết cấu được tối ưu nhất hoạt động tốt nhất.

Thời gian đầu khởi nghiệp luôn là thời điểm khó khăn và nhiều gian nan nhất. Huy vẫn tiếp tục làm việc tại công ty tự động hoá kia, sau khi tan ca làm, Huy trở về công ty khởi nghiệp và tiếp tục lên thiết kế cho mẫu máy in 3D. Ngày nào cũng vậy, Huy đều làm việc hết mình từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm.

Tháng 4/2019, Huy quyết định xin nghỉ việc tại công ty tự động hoá, để dồn toàn bộ thời gian cho việc khởi nghiệp của mình, và xác định rằng, thời gian đầu khởi nghiệp sẽ không có nguồn thu nhập nào cả.

Những nỗ lực không mệt mỏi  dần được đền đáp

Sau 4 tháng mày mò với không biết bao nhiêu lần chạy thử rồi lại sửa chữa, cải tiến tối ưu, Huy như vỡ òa trong niềm vui khi những chiếc máy in 3D đầu tiên ra đời có những khách hàng đầu tiên đặt mua sản phẩm.

Máy in 3D là công nghệ sản xuất đắp dần, với một chuỗi kết hợp các công đoạn khác nhau để tạo ra một vật thể ba chiều. Trong in 3D, các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể. Không chỉ quan tâm đến thiết kế hay kỹ thuật, Huy còn chú trọng tới công nghệ in 3D phải thân thiện với môi trường, bằng nguồn nguyên vật liệu sử dụng là sợi nhựa PLA (polylactic axit) là một loại nhựa nhiệt dẻo phân hủy sinh học có nguồn gốc từ các nguồn tái tạo như bột ngô, mía, củ sắn hoặc thậm chí tinh bột khoai tây.

Sau 6 tháng sản xuất và đưa các sản phẩm ra thị trường, công ty đã đạt được doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng, cung cấp máy in 3D cho các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất. Sản phẩm máy in 3D đã được công ty đăng ký bảo hộ thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ mang tên 3DCube vào đầu năm 2020. Điều đặc biệt nhất, máy in 3DCube đã cung cấp được giải pháp thay thế cho các ngành gia công truyền thống. Sản phẩm cũng hỗ trợ nhiều ngành nghề khác nhau như: Làm vật mẫu để tạo khuôn đúc đồng, khuôn đúc bê tông, mô hình phụ trợ cho các ngành, hay tạo ra các nhân vật game nổi tiếng, các tượng trang trí đặc biệt mà con người không thể làm được.

Công ty đã nhận được lời mời tham dự nhiều triển lãm, nhằm lan tỏa công nghệ in 3D đến với các doanh nghiệp, cá nhân và ứng dụng của in 3D vào các ngành công nghiệp Việt Nam. Điển hình là triển lãm “ Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành xây dựng TP Hà Nội năm 2019 và ngành Điện, điện tử TP Hà Nội năm 2019″.

Những chiếc máy in 3DCube đã nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, được các khách hàng tin dùng giới thiệu rộng rãi khắp nơi trên cả nước. Một số khách hàng ở nước ngoài cũng đã đặt mua sản phẩm.  Có thời điểm, khách hàng đặt máy số lượng nhiều, công ty cần phải tuyển thêm nhân viên lắp ráp, nhờ đó đã tạo công việc thời vụ cho hàng chục bạn sinh viên với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Huy chia sẻ: “Cuộc cách mạng 4.0 đã giúp các doanh nghiệp trẻ như em ở Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực. Đồng thời, với xu hướng hiện đại, người khởi nghiệp không chỉ tìm kiếm cơ hội thành công từ phát triển sản phẩm, các dịch vụ thông minh mà còn cần thân thiện với môi trường. Vì thế là một chủ doanh nghiệp, bên cạnh lợi ích cá nhân, em còn muốn chung tay vì cộng đồng bằng những việc làm nhỏ nhất như nguồn nguyên liệu và sản phẩm làm ra phải thân thiện môi trường. Thời gian tới em sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa nguyên liệu thiên nhiên (bột gỗ, bột hữu cơ nghiền nhỏ từ thân cây, bột giấy tái chế, …) vào sản xuất để bảo vệ môi trường và vì sức khoẻ cộng đồng”.

 

Hiền Anh/Báo Tin tức