Chuỗi bài viết khởi nghiệp Farmstay: 7 bước để thiết lập kế hoạch kinh doanh (phần 1)
Không giống như trang trại thuần sản xuất, farmstay là một hoạt động kinh doanh đúng nghĩa khi bao gồm rất nhiều yếu tố phức tạp. Để farmstay hoạt động ổn định và lâu dài thì việc thiết lập một kế hoạch kinh doanh đúng đắn và được nguyên cứu kỹ lưỡng rất quan trọng. Hãy cùng tôi tìm hiểu 7 bước để thiết lập kế hoạch kinh doanh farmstay chuyên nghiệp qua bài viết dưới nhé.
Chúng ta nghĩ rằng với mô hình kinh doanh nhỏ hay là một farmstay thì không cần phải thiết lập một chiến lược. Nhưng chiến lược là một thứ không không hề khó khăn và không chỉ dành cho những tập đoàn lớn. Chiến lược giúp chúng ta xác định được điểm khởi đầu và điểm đến của farmstay.
Kế hoạch kinh doanh là gì?
Một kế hoạch kinh doanh là một kế hoạch cho lộ trình hoạt động của farmstay. Nó bao gồm cả quá trình thực hiện và kết quả của nó. Có một kế hoạch kinh doanh tốt giúp bạn hình dung được mình phải làm những gì và làm như thế nào để đạt được những mục tiêu về farmstay của mình.
Trong quá trình viết nên kế hoạch kinh doanh của farmstay, bạn sẽ cần phải làm rõ về tầm nhìn và sứ mệnh chung của thương hiệu farmstay. Bạn sẽ phải nghĩ về những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và trung hạn của mình cùng những bước và nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Farmstay của bạn phát triển như thế nào trong nhiều năm tới tùy thuộc rất nhiều vào kế hoạch kinh doanh này.
Một kế hoạch kinh doanh tốt nên:
- Thực tế
- Đơn giản
- Cụ thể
- Khả thi
BƯỚC 1: Thực hiện lời tuyên bố sứ mệnh
Sứ mệnh – nói một cách dễ hiểu đây là lý do farmstay sinh ra – tồn tại – phát triển, farmstay này hướng đến điều gì? Nó quyết định đến tất cả các hoạt động và việc làm trong farmstay. Đây là điều tối quan trọng quyết định farmstay của bạn sẽ thành công hay thất bại, sẽ phát triển rực rỡ hay lụi tàn. Nên hãy suy nghĩ thật kỹ lưỡng về sứ mệnh của farmstay của bạn trước khi đặt bút viết nên kế hoạch kinh doanh.
Lời tuyên bố sứ mệnh farmstay của bạn phải trả lời được những câu hỏi dưới đây:
- Farmstay của bạn phục vụ mục đích gì?
- Tại sao farmstay của bạn tồn tại?
- Farmstay của bạn sẽ trở thành điều gì trong suy nghĩ của mọi người?
Tin tôi đi, lời tuyên bố sứ mệnh cực kỳ quan trọng, quan trọng hơn cả việc farmstay của bạn đem lại thu nhập bao nhiêu nữa bởi vì lý do tồn tại của 1 farmstay quyết định: giá trị, văn hóa, sự phát triển của farmstay… Chính vì thế hãy dành nhiều thời gian để suy nghĩ và xác định sứ mệnh farmstay của bạn.
BƯỚC 2: Đánh giá nguồn lực hiện tại của farmstay
Đánh giá nguồn lực hiện tại của farmstay chính xác giúp bạn hiểu rõ mình đang ở đâu trong cuộc hành trình kinh doanh này, từ đó đưa ra những mục tiêu, giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn của farmstay. Thông tin càng chi tiết, cụ thể thì việc đưa ra quyết định quản trị và chiến thuật kinh doanh càng dễ dàng.
Trong kế hoạch kinh doanh của bạn, hãy liệt kê tất cả những thông tin bạn đang có dựa theo những mục dưới đây:
- Tài chính
- Thị trường
- Nhân sự
- Sản phẩm hiện có
- Khả năng quản trị
- Khả năng nghiên cứu và phát triển
Hãy sử dụng mọi công cụ, mối quan hệ có thể để thống kê thông tin càng chi tiết càng tốt, tin tôi đi, việc chuẩn bị kỹ càng từ giai đoạn đầu sẽ giúp bạn rất nhiều trong những công việc sau này đấy.
BƯỚC 3: Tuyên bố mục tiêu
Các mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh của bạn là những thứ cụ thể, chi tiết, rõ ràng mà bạn sẽ đạt được với farmstay của mình. Mục tiêu ngắn hạn là mục tiêu bạn sẽ mất khoảng một năm hay ít thời gian hơn để hoàn thành. Những mục tiêu trung hạn thì cần thời gian dài hơn, từ hơn một năm đến ba, năm năm để đạt được. Còn những mục tiêu dài hạn thì cần trên 3 năm để đạt được.
Việc tuyên bố mục tiêu rõ ràng giúp bạn không bị mơ hồ, lúng túng trong việc vận hành farmstay của mình. Bạn hiểu được trong năm tiếp theo, tháng tiếp theo, tuần tiếp theo hay chi tiết hơn nữa là ngày tiếp theo mình phải làm gì để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Ngoài ra, việc tuyên bố mục tiêu rõ ràng cũng giúp bạn hạn chế, hay ít nhất là giảm bớt hậu quả từ những rủi ro xảy ra trong quá trình farmstay hoạt động.
Những mục tiêu cần tuyên bố nên đạt được những yếu tố sau:
- Cụ thể
- Có thể đo lường được
- Nằm trong khả năng của bạn
- Có giá trị thực tiễn
- Có kế hoạch rõ ràng
Kiến Trúc sư Phạm Thanh Tùng