Ngày nhiều startup Đông Nam Á sử dụng công nghệ sáng tạo để giảm thiểu và ngăn chặn lãng phí thực phẩm.

Khoảng một phần ba tổng số thực phẩm được sản xuất cho tiêu dùng của con người bị lãng phí mỗi năm, gây thiệt hại 940 tỷ USD, theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc. Ước tính, năm 2030 tổn thất thực phẩm và chất thải sẽ đạt 2,1 tỷ tấn, trị giá 1.500 tỷ USD (báo cáo của tập đoàn tư vấn Boston – BGC). Trong đó, dựa trên số liệu của viện nghiên cứu chiến lược phi lợi nhuận – FDI khu vực Nam và Đông Nam Á chiếm đến 25% chất thải thực phẩm của thế giới.

Là nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, thực phẩm bỏ đi nếu không xử lý kịp thời sẽ gây hôi thối, phát triển vi khuẩn không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí, nước, đất, làm mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới đời sống mọi người. Việc xử lý chất thải bằng các biện pháp đưa vào bãi chôn lấp hoặc để tự phân hủy tạo ra khí mê tan gây hại gấp 21 lần so với khí CO2.

Điều này đòi hỏi các quốc gia và toàn thế giới cần có biện pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng lãng phí. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết từ phía các cơ quan ban ngành mà còn là bài toán đưa ra cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ hoạt động trên thị trường kinh tế hiện nay.

Khởi nghiệp giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm

Hiện nay, nhiều sáng kiến cải thiện tình hình đang xuất hiện trên nhiều khu vực trên thế giới để hạn chế khủng hoảng chất thải thực phẩm. Điển hình có thể kể đến công ty Tesco Malaysia đang hoạt động bằng cách chuyển 610 tấn dự trữ lương thực dư thừa đến hơn 130 nhà từ thiện địa phương, các nhóm cộng đồng và trường học với số tiền tương đương hơn 1,45 triệu bữa ăn. Trong một báo cáo của hãng, từ năm 2018 đến 2019, công ty đã tạo ra 7.048 tấn thực phẩm dư thừa với hơn 70% sản phẩm tươi sống.

Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện ngày càng nhiều startup tham gia với các ứng dụng phù hợp tại khu vực ASEAN. Các công ty khởi nghiệp công nghệ, doanh nghiệp xã hội đang tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giảm thiểu và ngăn chặn lãng phí thực phẩm trên khắp Đông Nam Á. Một trong những giải pháp được ứng dụng là Farm-to-table (từ trang trại đến bàn ăn) dựa theo chuỗi cung ứng theo chiều dọc để tránh thất thoát lương thực. Trong đó, hình thức chuỗi cung ứng theo chiều dọc là mô hình kinh doanh có một thành viên nắm giữ vai trò lãnh đạo và điều khiển các hoạt động của các thành viên trong kênh phân phối.

Những cái tên đáng chú ý trong hệ sinh thái khởi nghiệp liên quan đến vấn đề này có thể kế đến là Garda Pangan, Grub Cycle, Good For Food, UglyFood, Sayurbox…

Sayurbox, startup công nghệ thành lập năm 2016 tại Indonesia hỗ trợ nông dân phân phối sản phẩm tươi sống thông qua ứng dụng di động là một trong những nhà khởi nghiệp đi đầu của mô hình Farm-to-table. Mục đích của Sayurbox là cắt giảm chuỗi cung ứng giữa nông dân và người tiêu dùng, với các sản phẩm không có thuốc trừ sâu đi từ các trang trại địa phương đến bàn trong vòng một ngày. Điều này giúp người nông dân có thể chắc chắn số lượng họ có thể được bán, cân chỉnh theo yêu cầu, từ đó giảm chất thải và đảm bảo sản phẩm được thu hoạch đúng thời điểm.

Phát triển dựa theo sáng kiến quyên góp, Garda Pangan, một công ty khởi nghiệp ở Indonesia giúp nước này tiết kiệm thực phẩm thừa từ ngành khách sạn bằng cách phân phối chúng cho người nghèo hoặc các trang trại để chế biến thành phân hữu cơ. Xây dựng mô hình kinh doanh như một ngân hàng thực phẩm, startup không chỉ giải quyết vấn đề lãng phí mà còn đặt mục tiêu truyền tải kiến thức về những thiệt hại kinh tế, rủi ro môi trường do chất thải thực phẩm gây ra đến người tiêu dùng.

Grub Cycle là startup giúp nhóm khách hàng siêu thị, trang trại và nhà hàng nâng cao nhận thức về lãng phí thực phẩm có trụ sở tại Malaysia, phát triển dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Thông qua ứng dụng Grub Bites, người dùng có thể mua thực phẩm dư thừa từ các nhà hàng và quán cà phê với giá rẻ. Các nền tảng của startup bao gồm Grub Groceries (bán các sản phẩm gần hết hạn), Grub Mobile (thu thập sản phẩm và phân phối lại cho các cộng đồng thu nhập thấp) và Grub Homemade (tăng tuổi thọ sản phẩm) đã giúp tiết kiệm được 7.000 kg thực phẩm tại quốc gia này.

Một đại diện nổi bật ứng dụng công nghệ vào ngành có thể kế đến Good For Food, công ty khởi nghiệp theo dõi chất thải thực phẩm thông qua “thùng thông minh” có tên là Insight, trao quyền cho nhà bếp giảm chất thải và quản lý tốt kho thực phẩm của họ. Insight sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) để phân tích các loại và số lượng thực phẩm được xử lý.

Rayner Lợi, người đồng sáng lập startup chia sẻ rằng, ứng dụng có thể giúp các nhà hàng cân bằng lại kế hoạch dịch vụ tốt hơn. Ví dụ, thông qua ứng dụng Insight, một nhà hàng buffet sẽ biết họ đang thải ra 10kg thịt gà cà ri trung bình cho mỗi bữa ăn trưa, từ đó cân chỉnh kế hoạch cho các mảng dịch vụ ăn trưa trong tương lai. Điều này giúp các nhà hàng đã giảm gần 1/3 chất thải thực phẩm trong 4-5 tháng.

Xây dựng công ty khởi nghiệp dựa trên văn hóa chụp ảnh sống ảo trên ứng dụng Instagram, nơi thực phẩm không được bắt mắt, hấp dẫn bị thải đi đang ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng lương thực, UglyFood đến từ Singapore đang phá vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm tại đây. Để giảm lãng phí thực phẩm, startup xây dựng nhận thức rằng thực phẩm có vẻ ngoài “xấu xí” vừa có vị ngon như thực phẩm có vẻ ngoài hoàn hảo lại vừa bổ dưỡng. Theo đó, công ty tiếp cận các nhà bán buôn, nhà phân phối và chủ gian hàng để thu thập sản phẩm tươi sống sẽ bị lãng phí và biến chúng thành các sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Hệ sinh thái khởi nghiệp giải quyết vấn đề chất thải thực phẩm tại Đông Nam Á vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên đây vẫn được xem là “mảnh đất vàng” cần có sự góp mặt của nhiều startup, đặc biệt là startup ứng dụng công nghệ để dẫn đầu cuộc chiến khủng hoảng lương thực toàn cầu.

“Khi chúng ta chống lại sự mất mát và lãng phí lương thực, chúng ta cũng chống lại nạn đói nghèo và sử nóng lên toàn cầu”, Esben Hegnsholt, Giám đốc điều hành của BGC cho biết về tác động của việc chống lãng phí thực phẩm.

Trang Anh