Khởi nghiệp từ nghề streamer trên Youtube cần những gì?
“Bản tính gần gũi, thân tình, khả năng tạo ra và nuôi dưỡng cộng đồng hâm mộ, xu hướng mang đến quan điểm mới, đa dạng”. Robert Kyncl – Giám đốc kinh doanh của Youtube đã mô tả về điểm chung của các Youtuber thành công và nổi tiếng như vậy.
Ra đời vào năm 2005, ngày nay Youtube có 2 tỷ người dùng hàng tháng, 5 tỷ video được xem mỗi ngày, phổ biến trên 80 ngôn ngữ và 91 quốc gia… Không ai có thể nghi ngờ về sức ảnh hưởng của nền tảng này đến toàn bộ ngành truyền thông giải trí.
Sau một thập kỷ hoạt động, Youtube đã thay đổi quyền lực phân phối nội dung của cơ quan, doanh nghiệp độc quyền; định nghĩa lại thế nào là người nổi tiếng và ai có thể trở thành người nổi tiếng; thay đổi cách chúng ta xem tin tức, đem đến những đề tài phong phú dường như nằm ngoài tầm hiểu biết của bất cứ giám đốc sản xuất chương trình nào.
Trong cuốn sách Streampunks “Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông” là bức tranh khái quát về một thế hệ Youtuber truyền cảm hứng cho những ai muốn đi theo con đường streamer.
Năm 2007, cậu sinh viên Tyler Oakley nhập học tại trường Đại học Michigan. Từ ký túc xá, Tyler bắt đầu ghi hình bằng chiếc webcam độ phân giải thấp với chiếc giường ngay sau lưng. Anh chia sẻ những câu chuyện về tuần đầu tiên vào đại học, chỗ ở trong ký túc xá… trên Youtube và gửi tới một vài người bạn.
Điều đặc biệt là một vài năm sau, Tyler Oakley được tạp chí Time bình chọn là “Người có ảnh hưởng nhất Internet”. Kênh Youtube của Tyler có 7,9 triệu fan, thu hút 620 triệu lượt xem. Tyler cũng từng được diện kiến vợ chồng cựu Tổng thống Obama. Cuốn hồi ký của anh là một trong những cuốn sách bán chạy nhất về đề tài LGBT.
Tyler là một “vlogger” thành công điển hình từ Youtube và có sức ảnh hưởng, thu hút lớn với xã hội.
Một thế hệ những nghệ sĩ và nhà sáng tạo đã tạo dựng sự thành công của mình trên Youtube. Qua những buổi họp mặt cộng đồng, Robert Kyncl nhận xét họ giống nhau, hơn là khác nhau – cả về tính cách lẫn ngoại hình. Robert Kyncl gọi họ là Streampunks (những kẻ nổi loạn) – những người làm những điều mình thích để kiếm sống và không phải trả lời cho bất cứ ai ngoài bản thân họ.
Robert Kyncl – Giám đốc kinh doanh của Youtube
Khác với danh xưng “kẻ nổi loạn” có vẻ xa cách, trong cuốn sách này, chân dung của những “Streampunk” sau hậu trường được Robert mô tả chân thật đến không ngờ. Các YouTuber không đơn thuần là những người gặt hái thành công sau một đêm, họ đã xây dựng nền móng cho sự nghiệp YouTuber của mình khá nhiều năm bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ.
“Bản tính gần gũi, thân tình, khả năng tạo ra và nuôi dưỡng cộng đồng hâm mộ, xu hướng mang đến quan điểm mới, đa dạng”. Robert đã mô tả về điểm chung của các Youtuber thành công và nổi tiếng như vậy.
Khái niệm “Streampunks” có lẽ không chỉ đề cập đến những nhà sản xuất nội dung cá nhân. Sự xuất hiện của Youtube đã mở ra rất nhiều cơ hội và mô hình kinh doanh mới cho cả những đội ngũ và tổ chức chuyên nghiệp: Patreon ra đời với mô hình “1.000 người hâm mộ đích thực” để ủng hộ những nghệ sĩ, nhà sáng tạo tự do; Vice, Storyful và the New Business với mô hình tin tức video; ông bầu “mát tay” của Justin Bieber – Scooter Braun xây dựng lại mô hình “lăng-xê” các nghệ sĩ trẻ bằng mạng xã hội mà không cần hãng đĩa; K-pop đã tận dụng Youtube để thúc đẩy làn sóng Hàn lưu (Hallyu)…
“Khi làm video, chúng ta phải làm mọi thứ tốt hơn bản thân mình đang có: Kiểm soát giọng nói của mình, quyết định nói như thế nào, sau đó biên tập lại hình ảnh vào chọn góc đặt các camera làm sao mà không cần đọc hết một đống sách vở về đạo diễn hình ảnh.” – Trong khuôn viên trường Đại học Virginia Commonwealth, Tyler Oakley chia sẻ với các thế hệ đàn em của mình về cách trở thành một Youtuber. Anh nhấn mạnh: “Các bạn không cần phải trở thành người sành điệu, chỉ cần tốt hơn chính bản thân mình thôi”.
Tyler Oakley phần nào khắc họa chân dung của “những kẻ nổi loạn”– Những nhà sáng tạo nội dung thành công. Ngày nay, Youtube mang đến một cánh cửa sổ nhìn ra thế giới rộng hơn cho hàng triệu người. “Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông” là cơ hội hiếm hoi để chúng ta có được cái nhìn trọn vẹn về “bức tranh” Youtube từ góc nhìn của những người đã tạo nên sự dịch chuyển đó.
PV