Giao hàng là bộ phận không thể tách rời khỏi thương mại điện tử và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hoàn tất đơn hàng. Kể từ khi buôn bán online nở rộ tại Việt Nam từ năm 2012, các công ty khởi nghiệp đã ra đời và từng bước trưởng thành lên cùng với lĩnh vực kinh tế mới.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng hơn bao giờ hết. Theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 4,6 tỷ USD và dự kiến tăng lên 23 tỷ vào năm 2025. Năm 2019, quy mô thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn Thái Lan (5 tỷ USD) nhưng dự báo 2025 sẽ vượt quốc gia này để đứng thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Cùng với sự tăng trưởng nóng của thương mại điện tử, ngành giao nhận cũng buộc phải phát triển theo để kịp với đà này. Bên cạnh các doanh nghiệp truyền thống có quy mô lớn như VNPost và Viettel Post, thị trường giao nhận thương mại điện tử hiện nay ghi nhận nhiều tên tuổi khác như Giao Hàng Nhanh (GHN), Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK), Ahamove là các công ty khởi nghiệp Việt đã khá trưởng thành. Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh như DHL e-Commerce, Grab (GrabExpress) hay Go-Viet (Go-Send), Lalamove. Đó là chưa kể đội ngũ giao hàng rất mạnh do các trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki tự xây dựng.

Để làm hài lòng khách mua hàng online, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là thời gian giao hàng. Người Việt đã được hưởng tốc độ giao hàng kỷ lục hiếm quốc gia nào có như giao trong vòng 30 phút, 1 giờ đồng hồ từ các doanh nghiệp bán lẻ hàng công nghệ như Thế Giới Di Động và FPT Shop, do đó yêu cầu rất cao trong thương mại điện tử là tốc độ giao hàng.

Khởi nghiệp tạo nền móng cho giao hàng thương mại điện tử

Năm 2012, đúng thời điểm Lazada có mặt tại Việt Nam và Sendo ra đời, một công ty khởi nghiệp trong ngành giao nhận là Giao Hàng Nhanh (GHN) cũng bắt đầu khởi sự. Nhiều người trong số 7 sáng lập GHN đang giữ vị trí cao tại Thế Giới Di Động thời điểm đó nên thấy được nhu cầu sắp tới của một công ty giao hàng độc lập, phát triển trên cốt lõi công nghệ, và làm sao để đáp ứng nhu cầu giao nhanh của khách mua hàng.

Sau một năm hoạt động, GHN có được mạng lưới khắp 15 tỉnh thành, hơn 300 nhân viên. Năm sau đó, công ty tăng lên 1.000 nhân viên và 2 triệu đơn hàng – gấp đôi năm trước.

Năm 2014, Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) ra đời, cạnh tranh trực tiếp với GHN. Kể từ đó, nhiều công ty khởi nghiệp với nhiều mô hình khác nhau ra đời, tuy nhiên vì hạn chế mô hình hoạt động, nền tảng quản trị chưa tốt, thiếu vốn… khiến chưa có doanh nghiệp nào thực sự nổi bật đủ để so sánh với hai start-up kể trên.

Cả GHN và GHTK đều tập trung vào mảng giao hàng thương mại điện tử, tức khách hàng là các cửa hàng bán hàng trên mạng. Cả hai công ty này sẽ nhận hàng từ shop, đưa đến các trung tâm vận chuyển của mình, sau đó giao hàng đến tay người mua cuối.

Hiện nay mỗi ngày GHN phục vụ được hơn 300.000 đơn hàng trên khắp cả nước – là con số rất lớn trong các đơn vị giao hàng. Trong khi đó, GHTK là đối tác giao hàng chính của nền tảng Shopee, vốn đang có lượng khách truy cập website lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, Viettel Post, VN Post, EMS là các doanh nghiệp được các đơn vị bán hàng trực tuyến chọn để vận chuyển nhiều nhất. Đứng ngay sau đó là hai công ty tư nhân GHN và GHTK.

Mặc dù đã được đầu tư mạnh mẽ nhưng nhiều ý kiến cho rằng khâu giao nhận vẫn chưa phát triển kịp với đà tăng của thương mại điện tử tại Việt Nam. Chi phí cho khâu logistics hiện chiếm khoảng 25% trên giá sản phẩm, tức người mua phải trả đến 1/4 tiền giao hàng trên giá sản phẩm – thuộc hàng cao trên thế giới. Do đó, một số nền tảng thương mại điện tử đang phải bù tiền cho chi phí này để lôi kéo khách hàng. Vì lẽ đó, áp lực lên các công ty giao nhận như GHN hay GHTK rất cao, phải tối ưu công nghệ lẫn đầu tư nguồn lực để chi phí giao giảm, thời gian giao hàng rút ngắn.

“Bít cửa” cho các công ty khởi nghiệp mới?

Ở mảng thương mại điện tử, sau khi Adayroi (của Vingroup) và Lotte.vn rút lui gần đây, thị trường còn lại 4 cái tên Lazada, Tiki, Sendo, Shopee. Một số chuyên gia cho rằng, đây sẽ là những gương mặt cuối cùng định hình nền thương mại điện tử Việt Nam ít nhất vài năm tới, bởi sẽ khó có doanh nghiệp mới nào nhảy vào cuộc đua “đốt tiền” ở mảng này.

Tương tự, mảng giao hàng thương mại điện tử tại Việt Nam sau 7 năm hình thành (tính từ mốc GHN ra đời) cũng đã có những nét ổn định nhất định. VNPost và Viettel Post đã có được độ phủ rộng lớn; các doanh nghiệp nước ngoài như DHL, UPS, FedEx có lợi thế vận chuyển xuyên biên giới; GHN, GHTK đang phục vụ nhóm khách hàng thương mại điện tử; các công ty, dịch vụ như GrabExpress, Ahamove, Go-Send đang nắm mảng giao hàng tức thời. Mỗi doanh nghiệp nói trên đều có lợi thế riêng và những hạn chế trước mắt, nhưng vẫn tạo được một chuỗi cung cấp dịch vụ tốt cho toàn ngành giao nhận tại Việt Nam.

Như GHN mới đây mở hai trung tâm phân loại thuộc hàng hiện đại nhất Việt Nam, có kế hoạch mở đến 100 ngàn mét vuông kho bãi, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hoá, fulfillment, warehouse cho công ty lẫn đối tác, và muốn đứng vị trí số 1 ở mảng logistics tại Việt Nam. Để có được quy mô này, mới đây công ty đã nhận được nguồn vốn được cho là khoảng 100 triệu USD từ Temasek (Singapore).

Trong khi đó, kể từ năm 2017, GHTK đã được mua lại bởi SEA – công ty đang có cổ phần chi phối tại Foody, Shopee, Airpay. Các công ty cùng mẹ này tạo nên hệ sinh thái để gia tăng tính cạnh tranh tại Việt Nam.

Mặc dù thị trường khá lớn, đứng thứ hai tại Đông Nam Á về dân số, nhưng rõ ràng các tên tuổi nội địa lẫn quốc tế đang cùng nhau khai thác khá tốt trong lĩnh vực giao nhận thương mại điện tử tại Việt Nam. Những công ty nổi bật đều đang được hậu thuẫn bởi các nguồn lực lớn để tham gia cuộc chơi lâu dài, sẽ rất khó để có một công ty nào đó không được trợ vốn lại đủ lực để nhảy vào cuộc chơi đầu tư đầy tốn kém này.

Hải Đăng

Nguồn