Với khát vọng mảnh vườn của gia đình đẻ ra tiền tỷ, ông Cung quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp trong đầu tư. Và rồi, sau nhiều năm, sự “liều lĩnh” của ông được đền đáp xứng đáng khi mảnh vườn công nghệ đưa ông thành tỷ phú.

Kẻ cầm tiền “ném” ra đồng

Ông Bùi Ngọc Cung sinh năm 1971 ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Hiện tại, ông được mệnh danh là người đi đầu trong việc thực hiện nông nghiệp thông minh ở xã Lạc Lâm. Vậy mà có thời gian, ông từng bị người dân trong vùng hoài nghi về năng lực, hoài nghi về chiến lược phát triển. Cũng có người bàn tán rằng ông mù quáng nên mới cầm cả đống tiền “ném” ra đồng, làm những việc điên rồ.

Bước đi giữa những hàng ớt chuông cao quá đầu người, lâu lâu, người nông dân 48 tuổi lại với tay nâng niu quả chín đỏ ngắm nghía với vẻ mãn nguyện.

“Người ta mới đến lấy hàng xong nên chỉ còn ít trái chín vầy thôi. Hôm rồi, từ gốc đến ngọn đầy trái đỏ, nhìn thích lắm”, ông tâm sự và cho biết thêm, bản thân gắn với nghề trồng cây, hái trái từ lúc còn trai trẻ và đã không ít lần nếm trải sự thất bại.


Ông Bùi Ngọc Cung áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh và công nghệ 4.0 vào sản xuất ớt chuông, cà chua beef, dưa baby…

Được cha mẹ cho thừa hưởng 2ha đất nông nghiệp, vợ chồng ông bắt tay vào trồng rau ăn lá nhưng rồi, cách làm truyền thống chỉ cho thu nhập đủ ăn nên ông quyết tìm hướng đi mới.

Năm 2013, khi nông dân trong vùng vẫn chủ yếu sản xuất ngoài trời thì ông quyết định bỏ gần 100 triệu đồng xây dựng nhà lưới. Chỉ một năm sau đó, ông nhận thấy việc đầu tư của mình đúng hướng, cây trồng bớt sâu bệnh, phát triển tốt nên tiếp tục mở rộng nhà lưới.

Đang yên lành, ông đi dự hội thảo về nông nghiệp ở Đà Lạt và biết mô hình nhà kính công nghệ cao có thể mang lại hiệu quả trong trồng trọt nên một lần nữa ông liều mình. Năm 2015, sau khi bỏ ra gần nửa tỷ đồng xây dựng nhà kính, bắt tay vào trồng ớt, cà chua và kết quả đạt được là sự thua lỗ.

Bà Đinh Thị Nhu, vợ ông Cung kể lại: “Cây trồng nhà kính phải thực hiện quy trình khác nhưng hồi đó ổng vẫn làm kiểu truyền thống nên cây không phát triển được. Có nhiều luống, cây bị héo úa, chết hàng loạt. Không muốn chồng buồn phiền, tôi lại động viên để ổng tiếp tục với nghề”.

Cũng theo bà Nhu, vì không cam chịu sự thất bại nên chồng bà đã biến sự buồn phiền thành động lực. Đang làm việc ở vườn nhưng nghe người ta nói về sự kiện liên quan đến giống cây trồng, vật tư nông nghiệp hay các cuộc hội thảo nông nghiệp là ông thay đồ để đi dự. Cũng chính từ đó, người nông dân tiếp thu được kinh nghiệm và khu vườn công nghệ cao đã sống lại, mang đến cho ông tiền tài.

Chạm vào 4.0

Nhà kính công nghệ cao cho gia đình “hái” ra tiền nhưng để tăng hiệu suất lao động, ông tiếp tục tìm hiểu các hình thức sản xuất mới. Năm 2016, khi đang làm vườn, ông được một đơn vị đến mời tham dự hội thảo về công nghệ tưới thông minh. Cũng như lần trước, ông vẫn đến hội trường và vẫn ngồi, chăm chú nghe diễn thuyết.

“Tôi về nhà và nhân viên của đơn vị đó gọi điện mời lắp thiết bị. Thế là tôi lại gật đầu, bỏ hàng chục triệu đồng để lắp máy, dùng thử. Có điều đặc biệt là lần đầu tư này, tôi ít bị người khác bàn tán hơn. Chắc người ta hết hoài nghi tôi rồi”, ông Bùi Ngọc Cung cười, thổ lộ.

Công cuộc làm vườn của ông cứ thế phát triển với nguồn tiền lãi đều đặn đổ về hàng năm. Đến khoảng đầu năm 2019, hay tin về công nghệ tưới thông minh có thể kết nối Internet vạn vật IoT để tối ưu hóa sản xuất nên ông Cung lại lần mò, tìm hiểu. Nguồn vốn đầu tư toàn hệ thống khoảng 100 triệu đồng và được nhà nước hỗ trợ 50% vốn nên sau đó ông quyết định lắp đặt ngay.

Ở khu nhà chứa vật tư nông nghiệp, những bồn nhựa có dung tích hàng nghìn khối dùng để chứa nước sạch được kết nối với hệ thống máy bơm, bồn nhỏ và đường ống dẫn dung dịch qua hệ cảm biến tự động.

Ông Bùi Ngọc Cung chia sẻ, nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất nên gia đình tiết kiệm được chi phí sản xuất, tiết kiệm được thời gian và công sức. Công nghệ giúp gia đình ông làm vườn một cách khoa học, bài bản. Đối với những người mới làm nông nghiệp, người ít kinh nghiệm trong trồng trọt, mô hình sản xuất thông minh 4.0 sẽ giúp ích rất nhiều và dễ đạt năng suất, hiệu quả cao.

Sau khi kiểm tra độ EC và pH ở vườn, ông Cung bắt tay vào thiết lập công thức pha chế và cho các khoáng chất vào bồn nhỏ để máy tự động vận hành, pha trộn. Khi việc tạo dung dịch đã hoàn thành thì cầm điện thoại lên mở phần mềm, kích hoạt hệ thống tưới.

Ở tủ điện, các đèn báo nhấp nháy liên tục và nguồn dung dịch đi qua 5 đường ống nhỏ để đến bộ cảm biến tự động đo các thông số về EC, pH. Tiếp đó, dung dịch hợp lại ở ống nguồn rồi theo các mạch nhỏ hơn đến gốc cây trồng ở vườn.

“Hệ thống đo độ EC, pH liên tục để khi thiếu hoặc thừa thì sẽ tự động thêm hoặc bớt lượng tưới. Mỗi loại cây, mình có thể thiết lập công thức tưới riêng biệt”, nông dân Bùi Ngọc Cung chia sẻ và cho biết thêm, việc áp dụng công nghệ giúp ông kiểm soát triệt để lượng nước và chất dinh dưỡng cho cây. Chính vì vậy mà ông tránh được tình trạng lãng phí nước, phân bón.

“Ngày trước cứ phải có mặt ở vườn để tưới, bón phân nên rất vất vả. Giờ chỉ cần có sóng điện thoại, Internet là ở xa vẫn có thể quản lý được tình trạng vườn, điều khiển máy tưới.

Hơn nữa, không còn phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê người phụ trách tưới tiêu như trước đây”, ông Cung chia sẻ.

Theo nông dân Bùi Ngọc Cung, nhờ máy móc phân tích và đưa ra các chỉ số phù hợp nên cây trồng phát triển rất mạnh. Ở khu vườn 2ha, từ đầu năm 2019 đến nay, gia đình ông thu hoạch trên 200 tấn nông sản gồm cà chua beef, ớt chuông, dưa baby, dưa leo Nhật. Được sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng công nghệ 4.0 nên chất lượng nông sản cao và được một công ty chuyên về rau, củ quả ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ. Trừ các loại chi phí, gia đình ông Cung thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng.

Thay bộ quần áo tinh tươm hơn, ông Cung đến gần bảng điều khiển hệ thống điện lấy bút điện tử dùng để đo độ EC (chỉ số diễn tả nồng độ ion hòa tan trong dung dịch) rồi bước ra vườn.

Vừa đi, ông vừa cầm bút điện tử lên ngang ngực rồi lắc qua, lắc lại và chia sẻ: “Nhờ những thiết bị như thế này mà mình có thể nắm bắt một cách khoa học về lượng chất dinh dưỡng trong dung dịch.

Nếu nó ở chỉ số quá cao hoặc quá thấp thì đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Căn cứ vào các chỉ số để áp dụng công thức bón, tưới phù hợp nhất cho cây”.

Theo Nông nghiệp