10 lời khuyên khởi nghiệp quý giá mà không ai nói cho bạn (Phần 1)
Đây là những điều bạn chỉ học được khi bạn tích lũy đủ kinh nghiệm từ lĩnh vực đó và bỏ ra nhiều thời gian cả ngày lẫn đêm để cố gắng hoàn thiện kĩ năng của mình.
Tôi hi vọng rằng qua việc tiết lộ những điều này, các bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức, sự hối hận và những xung đột ngoài ý muốn.
Dù bạn đang là một doanh nhân hay có ý định khởi nghiệp, bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những lời khuyên bổ ích.
1. Việc kinh doanh cũng chỉ là lẽ thường…
“…nhưng lẽ thường không phải lúc nào cũng là lệ thường”. Một đồng nghiệp cũ của tôi đã nói với tôi như vậy khi tôi đảm nhận vị trí cố vấn kinh doanh.
Lời khuyên đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục này luôn ở trong tâm trí tôi, và tôi vẫn hay nghĩ về nó cho đến tận hôm nay.
Dù vậy, câu hỏi thực sự là: Lẽ thông thường là gì và làm thể nào để tôi biết là tôi có nó?
Lẽ thông thường chẳng là gì khác ngoài tư duy tốt và phán đoán hợp lí trong những tình huống thực tiễn. Sau đây là một vài ví dụ:
- Bạn không thể thuê một người chỉ vì bạn biết người đó. Lẽ thường ở đây là bạn cần đánh giá lai lịch và xác định liệu người này có phù hợp với loại sản phẩm bạn bán.
- Diện mạo và cách ứng xử của bạn không thể thiếu chuyên nghiệp. Lẽ thường ở đây là nếu bạn có bề ngoài và cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp thì sẽ chẳng có ai tin bạn.
- Bạn không thể trông chờ vào khả năng ứng biến của nhân viên bán hàng của bạn để quảng bá sản phẩm. Lẽ thường ở đây là bạn phải đào tạo họ và cung cấp cho họ những tài liệu cần thiết.
- Bạn cần phải tạo ra hình ảnh chính xác về khách hàng lí tưởng của bạn. Lẽ thường ở đây là bạn cần phải biết khách hàng của bạn để tìm kiếm họ, thấu hiểu nhu cầu của họ, qua đó xác định được đối tượng khách hàng.
Thêm vào đó, bạn xác định lẽ thường bằng cách đặt mình vào vị trí khách hàng thay vì tập trung vào cái tôi của mình.
Khi bạn bắt đầu khởi nghiệp, cái tôi của bạn làm bạn mù quáng. Cảm giác cũng giống như khi bạn có đứa con đầu lòng. Công việc của bạn cũng giống như con của bạn. Bạn có ý tưởng phát triển nó, nhưng vì nó thuộc “sở hữu” của bạn, bạn sẽ không nhìn mọi thứ một cách khách quan và thường sẽ đi theo những hướng và cách hành xử khác thường. Hầu hết chủ kinh doanh rơi vào tình trạng này và phải trả giá khá đắt.
2. Ý tưởng của bạn không là gì cả, sức hút mới quan trọng
Hai năm trước, tôi đã tham dự một hội nghị doanh nhân đáng ngạc nhiên có tên là Lễ hội Những người Tiên phong (Pioneers Festival). Một trong số các diễn giả là Philipp Moehring từ Angelist, người đã mang đến một bài diễn văn tuyệt vời về việc các nhà đầu tư tìm kiếm điều gì khi họ đánh giá công ti của bạn. Anh ta đề cập đến một bảng xếp hạng trong một slide của bài diễn văn như sau:
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn:
Sức hút: 1000 điểm
Một sản phẩm tuyệt vời: 100 điểm
Công nghệ tốt: 10 điểm
Bạn là một người tử tế: 5 điểm
Sao chép: 2 điểm
Một ý tưởng: -1 điểm
Đây là bảng xếp hạng các yếu tố liên quan đến việc đánh giá sản phẩm. Như bạn có thể thấy, ý tưởng chỉ có -1 điểm.
Đó là một điều cực kì đáng lưu ý. Ý tưởng của bạn, bất kể bạn nghĩ nó sáng tạo hay hấp dẫn đến đâu, hay bất kể bạn nghiên cứu nó nhiều đến mức nào, đều không là gì cả. Nếu nhóm của bạn không xuất sắc, nếu việc thực hiện không đạt gần đến mức hoàn hảo, nếu bạn chưa tìm được khách hàng thích hợp, nếu bạn không thấu hiểu nhu cầu khác hàng, ý tưởng của bạn chỉ là con số không.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá sản phẩm và doanh nghiệp chính là sức hút. Nếu sản phẩm của bạn thay đổi, tạo ra lợi nhuận hay thu lãi về cho doanh nghiệp của bạn, đó là một sản phẩm tuyệt vời.
Hãy xem phim Shark Tank. Bạn sẽ nhận thấy đôi mắt của những con ‘cá mập’ sáng lên khi người doanh nhân đề cập những con số khả quan về lượng người sử dụng hay doanh số đạt được trong năm qua, bất kể ngành nào hay loại sản phầm nào.
Những nhà đầu tư vĩ đại đều biết rằng một khi sản phẩm của bạn tạo ra sức hút và phù hợp với thị trường, sản phẩm đó sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng.
Lí do tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố này là vì những người muốn trở thành doanh nhân có hai thói quen xấu sau đây:
- Họ giữ bí mật ý tưởng của họ.
- Họ đưa ra những đánh giá điên rồ về công ti của họ trong khi các công ti này thực ra chẳng đáng là bao.
Vì thế, quy tắc chính ở đây là ngay từ lúc đầu, bạn phải tự nhủ rằng bạn chẳng biết gì và rằng ý tưởng của bạn không là gì cả. Lúc đó bạn sẽ khiêm tốn hơn và chắc chắn hơn về việc sẽ tập trung vào những yếu tố cơ bản cho doanh nghiệp của mình.
Quốc Huy (Theo Medium)