Doanh nghiệp startup vẫn khó vay vốn
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh chia sẻ với Thời báo Tài chính, một trong những nguyên tắc của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam là phải bảo toàn nguồn vốn.
Điều này khiến cho DN muốn vay phải đáp ứng rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt, thậm chí còn khó khăn hơn cả vay ngân hàng.
* PV: Việt Nam nằm trong top 3 Đông Nam Á về số lượng startup (khởi nghiệp), nhưng không nhiều DN có đủ năng lực phát triển mô hình kinh doanh bền vững và đủ khả năng kết nối với hệ sinh thái khu vực cũng như thế giới, đồng thời cũng rất nhiều DN khởi nghiệp “chết yểu”. Theo ông yếu tố quan trọng nhất đối với DN khởi nghiệp là gì và muốn khởi nghiệp thành công – bền vững thì startup cần phải có sự chuẩn bị như thế nào?
– Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đối với một DN khởi nghiệp, mọi yếu tố từ ý tưởng, thị trường, sản phẩm, môi trường… đều quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của DN chính là vốn. DN không có vốn cũng như cơ thể con người không có máu, không thể có sự sống.
Kinh nghiệm ở Việt Nam, ở Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới đều cho thấy, DN khởi nghiệp luôn luôn thiếu vốn. Trên thực tế, tôi đã nhìn thấy một số DN bán hàng rất tốt, doanh thu trên sổ sách rất cao nhưng khách hàng trả tiền chậm, dòng tiền không vào DN và DN không thể tồn tại ngay khi khởi nghiệp và có những thành công khởi đầu.
Để khởi đầu, thì DN buộc phải có một nguồn vốn tự có, tức là vốn trong sổ tiết kiệm và vốn có thể huy động được khi cần thiết. Nếu không có nền tảng vốn khởi đầu mà đi vay, hoặc xin đầu tư thì sẽ nhận được cái lắc đầu từ nhà đầu tư.
Ở Việt Nam đang có kênh dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending), là mô hình kinh doanh mới, một loại hình dịch vụ sáng tạo, được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với nhà đầu tư mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, đây là một kênh rất nhiều rủi ro cho cả nhà đầu tư và DN, nên nếu chọn giải pháp này, DN nên tìm đến dịch vụ có chức năng thẩm định khả năng trả nợ của các DN. – Ông Nguyễn Trí Hiếu.
* PV: Bàn câu chuyện về vốn cho DN khởi nghiệp, hiện tại có rất nhiều quỹ đầu tư của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, song không nhiều DN tiếp cận được với dòng vốn này. Theo ông nguyên nhân từ đâu?
– Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thời gian vừa qua, có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam và họ rất mặn mà trong việc tiếp xúc, hỗ trợ cho DN khởi nghiệp. Lý do bởi họ nghĩ Việt Nam có nhiều tiềm năng từ số dân đông, lao động trẻ, kinh tế vĩ mô đang ở trong mức tăng trưởng rất tốt, kiểm soát lạm phát tốt… tức là tất cả điều kiện về vĩ mô rất thuận lợi để DN có một môi trường thuận lợi phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các quỹ đầu tư này cũng gặp không ít trở ngại, trong đó lớn nhất vẫn là trở ngại từ DN.
Chúng ta thấy rằng, để kêu gọi được nguồn vốn đầu tư thì trước hết bản thân DN phải có một phương án kinh doanh khả khi. Đây là thiếu sót, là điểm yếu của rất nhiều DNNVV ở Việt Nam hiện nay bởi họ không có phương án kinh doanh một cách bài bản. Thường thì họ chỉ vẽ ra một “bức tranh đẹp” về khả năng, thị trường trong tương lại một cách chung chung, mà không cân đo đong đếm được bằng con số, không tính đến rủi ro…
Thứ hai, quỹ đầu tư sẵn sàng bỏ vốn nếu DN có nền tảng về nguồn vốn tự có. Trong khi đó, nguồn vốn này của các DN nước ta rất èo uột, thậm chí không có; trông cậy hoàn toàn vào quỹ đầu tư.
Thứ ba, qua khảo sát của các quỹ đầu tư thì mức độ uy tín, tin cậy của các DN Việt chưa cao. Có một số ý kiến cho rằng, các DN rất nhanh chóng hứa hẹn, cam kết khi ký kết hợp đồng nhưng khi triển khai thực tế thì không thực hiện được cam kết. Đây là yếu tố rất quan trọng, góp phần không nhỏ vào quyết định khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp xúc và hợp tác với DN Việt Nam.
Cuối cùng, mặc dù các quỹ này sẵn sàng đầu tư cho các DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, song lại với điều kiện là chia lãi cho họ rất lớn, lên tới 50 – 80% hoặc bán cổ phiếu cho họ ít nhất 50%. Điều này khiến nhiều DN Việt e ngại và không sẵn sàng đáp ứng.
Theo thống kê tại Việt Nam, có tới hơn 80% Startup không thể duy trì quá 2 năm và chỉ 3% là có các thành công trong thực tế.
* PV: Vậy theo ông, trong hoàn cảnh đó, để có được dòng vốn đầu tư, DN nước ta cần phải có bước đi như thế nào?
– Ông Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết, DN cần tìm đến sự hỗ trợ từ phía các bộ, ngành chức năng và các hiệp hội, ngành hàng để được giới thiệu, được trao đổi, tiếp cận với những quỹ đầu tư này.
Sau khi được giới thiệu, tiếp cận, để vay vốn thành công, DN cần trình bày cụ thể về sản phẩm của mình, về thị trường tiềm năng, về sự cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, cần có phương án kinh doanh, cách thức tổ chức, phân phối và cuối cùng là dự báo tài chính. Lưu ý, ít nhất DN phải dự báo tài chính trong 3 – 5 năm, về doanh thu, dòng tiền, tài sản có, tài sản nợ… Thường thì các DN khởi nghiệp nên tìm đến các nhà chuyên môn, công ty tư vấn để họ có thể chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính chuẩn mực, đủ độ tin cậy.
* PV: Nhằm hỗ trợ vốn cho các DNNVV, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, giải pháp về chính sách tài chính, điển hình như Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của quỹ này trong thời gian vừa qua?
– Ông Nguyễn Trí Hiếu: Các DNNVV của Việt Nam thường có quy mô rất nhỏ và không chỉ hạn chế về nguồn vốn chủ sở hữu mà năng lực tài chính, trình độ quản trị kinh doanh cũng còn thấp. Đó là chưa kể đến, đa số DN thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi… Do đó, họ cần đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV.
Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV của Việt Nam là phải bảo toàn nguồn vốn. Như vậy rõ ràng là không ổn, chúng ta sinh ra một quỹ để hỗ trợ cho DNNVV và biết rằng, khả năng DN vỡ nợ là hoàn toàn có thể xảy ra, mà lại yêu cầu các quỹ phải bảo đảm đồng vốn, không được để mất. Do đó, nếu có bảo lãnh thì quỹ bắt buộc DN phải đáp ứng rất nhiều điều kiện nghiêm ngặt, thậm chí khó khăn hơn cả ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, các DNNVV đi đâu vay vốn cũng bị “đóng cửa”, từ chối, đến ngân hàng thì ngân hàng đòi thế chấp, quay sang Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV thì không đáp ứng được những tiêu chuẩn ngặt nghèo.
* PV: Vậy theo ông, nước ta cần có giải pháp như thế nào để khơi thông dòng vốn thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV đến với DN?
– Ông Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, điều quan trọng đầu tiên là Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV phải là mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, chứ không nên để cho địa phương tự lập quỹ, bởi nguồn ngân sách địa phương còn ít ỏi. Nước ta nên hình thành một Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV đặt trung tâm tại Hà Nội, được Quốc hội phê chuẩn ngân sách hàng năm và từ quỹ này, hình thành những chi nhánh tại các địa phương.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Tú Uyên – TBTC