Vì sao startup không thể lớn?
Thiếu hành lang pháp lí khiến nhà đầu tư và startup không thể gặp nhau một cách thuận lợi. Thực tế này đang làm thui chột sức sáng tạo của startup.
Nhà đầu tư và startup đến với nhau không chỉ bằng niềm tin mà cần có những cơ sở pháp lí để ràng buộc quyền cũng như trách nhiệm hai bện một cách vững trắc. Startup Lâm Trần (kiều bào Pháp về quê hương lập nghiệp) là một trong những thành viên sáng lập “Nhóm mua”, trang mua chung đình đám thời điểm cách đây 8-9 năm chia sẻ, thời điểm năm 2015, “Nhóm mua” đã gọi được 60 triệu USD. Nhà đầu tư này mỗi tháng trả cả trăm ngàn USD cho quảng cáo, truyền thông. Thế nhưng, gọi được nhiều tiền nhưng nhà sáng lập cũng mất hết quyền điều hành.
“Nhà đầu tư bỏ vốn đã lấy 100% quyền điều hành, để rồi mâu thuẫn nội bộ xảy ra khiến “Nhóm mua” ngày càng đi xuống. Sau đó chúng tôi thành lập WisePass là ứng dụng ẩm thực, phong cách sống kết nối du lịch, chúng tôi không dám gọi vốn lớn nữa. Khi dự án thành công, nhóm WisePass mới gọi được nửa triệu USD từ Singapore, và chúng tôi vẫn giữ được quyền điều hành” – ông Lâm Trần cho hay.
Nhìn dưới góc độ nhà đầu tư, việc đầu tư vào các dự án của startup cũng gặp không ít rủi ro. Đây là lĩnh vực đâu tư mạo hiểm. Một nhà đầu tư có thể đầu tư 10 dự án nhưng chỉ có một dự án thành công.
Theo bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Việt Nam Sillicon Valley, để chắp cánh giấc mơ cho các startup rất cần một thị trường vốn hoàn chỉnh. Để tạo lập thị trường này, chúng ta cần một khung pháp lý đảm bảo yên tâm cho các quỹ và nhà đầu tư. Ở đây chúng ta cần một Luật Đầu tư mạo hiểm đầy đủ. Khi có luật này, ngay Nhà nước cũng có thể đầu tư mạo hiểm thông qua những quỹ đầu tư nhà nước, không lo có làm thất thoát tiền của nhà nước hay không. Những nguồn vốn hiện tại từ ngân sách phần lớn là dành cho nghiên cứu với các thủ tục giấy tờ rất rườm rà.
Bởi vì, đầu tư vào startup là đầu tư vào con người cùng ý tưởng của họ. Những giải pháp này là chưa từng có, nó chỉ là một sự hứa hẹn trong tương lai. Khi không thể thực hiện thành công, trong khi tiền đầu tư đã tiêu rồi, trong chừng mực nào đó, các Start up còn có thể bị xem là lừa đảo. Nếu có luật về đầu tư mạo hiểm, có quy định, tiến trình, có tiêu chí cụ thể và nhà đầu tư chịu trách nhiệm về quyết định của mình sẽ dễ dàng huy động vốn hơn.
“Các thị trường vốn vay thông thường không dành cho các startup vì họ chưa chứng minh được khả năng sinh lời, nên không thể huy động vốn, đặc biệt là từ ngân hàng thương mại. Còn với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm thì nhà đầu tư có trách nhiệm với đồng tiền của mình, không có chuyện sau này khi không thành công lại đi kiện lại startup. Do đó, hiện startup chỉ còn biết trông chờ vào nguồn vốn này” – bà Anh chia sẻ.
Thúy Anh – DDDN