Gần đây Startup làm theo mô hình này nhiều nhưng chủ yếu là chết yểu, số ít thì thoi thóp và đếm trên đầu Startup thành công. Hướng đi nào cho mô hình này ở Việt Nam?

Nôm na “Sharing Economy – SE” là hình thức “Dư xài thì cho người khác thuê”. Uber, AirBnB… là ông cố của hình thức này. Mô hình kinh doanh này là tạo ra nền tảng có người cung cấp dịch vụ (nhà, phòng, xe…), rồi kết nối với người có nhu cầu sử dụng dịch vụ đó. Bên cung cấp nền tảng sẽ ăn phần trăm trên giá trị dịch vụ.

Cách đây gần chục năm, khi Uber nổi lên như ngôi sao nhạc rock thì Trào lưu Startup theo trường phái SE cũng bắt đầu rộ lên như hoa nở mùa Xuân (sau khi trào lưu Mạng xã hội thoái trào). Điều này dễ hiểu vì SE là mô hình cực kỳ tiềm năng, thực tế đã có rất nhiều disrupter làm mưa làm gió với mô hình này.

Việt Nam gần đây cũng có Now, GHN, AhaMove… định giá tới vài chục triệu đô nhưng mô hình này rất khó xuất ngoại vì phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố cục bộ nội địa (nhiều xe máy, hay kẹt xe, nhân công giá rẻ…).

Ngoài mảng giao hàng nói trên, các Startup xe ôm, xe tải, taxi công nghệ và thuê nhà thuê phòng cũng loay hoay tìm đường cạnh tranh với các ông lớn. Startup SE các mảng còn lại như: giúp việc nhà, tìm việc, thợ, gia sư, bác sỹ…dù chưa có nhiều đối thủ nước ngoài cạnh tranh nhưng cũng mới dám thở nhẹ chờ vốn.

Nghĩ cũng cay, Việt Nam dân số đông, tỉ lệ người dùng điện thoại với Internet là hàng đầu thế giới, trình độ lập trình viên giá rẻ tay nghề cao, mấy chục trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm của chính phủ, đoàn thể, doanh nghiệp đến tư nhân mà vẫn trắng tay.

Tại sao?

Tôi thấy một số rào cản sau:

Về hỗ trợ của chính phủ: rõ ràng chính phủ cũng muốn hỗ trợ nên kêu gọi công nghiệp 4.0, chính phủ kiến tạo, hành lang pháp lý rồi sandbox…nhưng hiện thực hóa thì tốc độ 0.4. Một câu chuyện có thật: muốn có cổng thanh toán (cực kỳ quan trọng đối với SE) thì phải thông báo Bộ công thương. Mà thông báo bộ Công Thương thì người duyệt bảo “anh chị thông cảm, em dùng điện thoại kém thông minh nên không cài và test ứng dụng của anh/chị được”

Về công nghệ: SE là mô hình lấy công nghệ làm cốt lõi. Nghe ngóng được đôi ba thứ về Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, blockchain…tưởng đã hiểu rồi về áp dụng là hỏng. Lí do: SE là nền tảng kết nối, nếu không yêu cầu xử lý thời gian thực thì cũng yêu cầu xử lý dữ liệu nhiều. Mấy vụ này làm không đến nơi đến chốn là trải nghiệm người dùng không tốt, mà đến nơi đến chốn thì rất tốn. Tiếc cho nhiều Startup có mô hình tốt nhưng không rành về công nghệ, không tuyển dụng được ngũ kỹ thuật có trình độ đáp ứng, không thể phát triển sản phẩm nên bỏ cuộc sau khi cạn tiền hoặc cạn thời gian.

Về mô hình: cái nào ngon ăn (chia sẻ vật chất) thì thiên hạ làm hết rồi, mấy cái khó nhai (sức lao động, chất xám) thì lại vướng đủ thứ (luật pháp, thanh toán, thuế, đào tạo người dùng…).

Đợi viết tiếp: phân tích một vài mô hình tiêu biểu và hướng đi nào cho mô hình này?

Chúc các bạn startup SE gặp nhiều may mắn!

Nam Nguyễn