WeWork: Từ gã khổng lồ 47 tỷ đô đến bờ vực phá sản trong vỏn vẹn 6 tuần
Bài viết gốc được đăng tải trên Business Insider, bởi tác giả Dakin Campbell. Bài viết được dịch sang tiếng Việt bởi Tuệ Lâm — General Manager @ Nextrans.
7:12 sáng buổi cuối hè tại New York, trang web của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chấn động bởi thông tin đăng ký IPO của WeWork được đăng tải. Việc nộp đơn đăng ký IPO (gọi là S-1) này của Wework cũng không có gì quá ngạc nhiên. Đó là bước đi chiến lược cuối được chuẩn bị kỹ càng hướng tới việc IPO của startup công nghệ có giá trị cao nhất thế giới này.
Với định giá 47 tỷ USD và tham vọng của founder kiêm CEO Adam Neumann, mục tiêu của WeWork không chỉ là kiếm tiền, hay cho thuê văn phòng, mà là “thay đổi thế giới”. WeWork đã trở thành một biểu tượng sáng chói của thung lũng Silicon với sự táo bạo vô biên và không tuân theo quy luật kinh tế nào.
Trong ánh bình minh sáng sớm, hàng ngàn nhà đầu tư và nhà báo sẽ có cái nhìn trực quan đầu tiên về tình hình tài chính của công ty để có thể tự đánh giá xem WeWork có thực sự, như Founder tuyên bố, đang trên con đường thống trị thị trường với lợi nhuận ở mức “không tưởng” hay không.
Vậy mà mọi thứ phúc chốc bỗng rơi xuống địa ngục. Hàng loạt những dòng tiêu đề tiêu cực bao phủ các mặt báo với tốc độ chóng mặt về việc lạm dụng quyền lực cá nhân, cách quản lý sai lầm và hành vi kỳ quái của Neumann. Trong vòng 33 ngày, những lời đề nghị đầu tư bị hủy bỏ, định giá của WeWork đã giảm mạnh hơn 70%. Và Neumann, người tin rằng mình sẽ trở thành người đầu tiên trên thế giới với tài sản ngàn tỷ đô, mất chiếc ghế CEO. Điều gì khiến ‘màn đăng quang’ của Neumann với tư cách một người có tầm nhìn xuất chúng, trở thành một trong những lần IPO thất bại thảm khốc nhất trong lịch sử?
Câu chuyện đáng nhẽ đã không xảy ra như vậy. WeWork là start-up kỳ lân, một đế chế gần như bất khả chiến bại với số vốn đầu tư mạo hiểm khổng lồ. Những bộ óc thông minh nhất ở Thung lũng Silicon và các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã rót hàng tỷ USD vào đây — nếu không chắc thắng liệu họ có đốt tiền nhiều như thế? Tuy vậy nhận định từ các nhà đầu tư trên thị trường cũng đơn giản là nhận định thôi.
Nhưng hai điều đã thay đổi trong chín năm kể từ khi Neumann bắt đầu xây dựng huyền thoại về WeWork với sự giúp đỡ của các nhà báo tò mò và các nhà đầu tư tham vọng: Theranos và Uber. Với sự lụi bại của Theranos, công chúng và giới đầu tư đã thấy một vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ USD xảy ra ngay giữa Thung lũng Silicon, và hình ảnh của một founder bí ẩn (Elizabeth Holmes) đã truyền cảm hứng cho sự sùng bái cô ta như một Steve Jobs thứ hai, hóa ra lại là kẻ bịp bợm. Còn với Uber, họ đã thấy thái độ đắc thắng và các thủ thuật kế toán có thể che mờ những ẩn khuất kinh doanh cơ bản.
Thật không may cho Neumann, đây là thời điểm sai lầm để trở thành nhà lãnh đạo của một công ty với những giấc mơ thống trị trong khi tình hình tài chính lại đáng ngờ. Không còn ai có thể kiên nhẫn thêm được nữa.
Chủ nghĩa huyền bí của chàng trai công nghệ, những giờ phút mệt mỏi và những shot Don Julio Tequila
Neumann, một cựu binh Hải quân Israel 40 tuổi, được biết đến với vẻ ngoài đặc trưng: mái tóc dài xù xì, áo phông, quần jean, và những lời tuyên bố táo bạo có chút kỳ quái (Anh ta từng nói với tạp chí New York, mô tả mong muốn của mình đồng thời về sự gắn kết xã hội và cạnh tranh sinh tử: “Một mặt là hợp tác. Mặt khác là cá lớn nuốt cá bé”)
CEO Adam Neumann
Anh ta đã dành thời gian tại kibbutz (công xã hiện đại kiểu Israel) với một cuộc sống đầy rắc rối thời trẻ. Cha mẹ li dị khi anh ta lên 7, và Neumann đã chuyển nơi ở 13 lần từ khi còn nhỏ đến tuổi thiếu niên, theo hồ sơ của Reuters. Anh ta chuyển đến New York năm 2001, lúc 22 tuổi, để sống cùng chị gái, một người mẫu ở Tribeca. Neumann theo học trường kinh doanh, “hạ gục mọi cô gái trong thành phố” và khởi nghiệp thất bại với mô hình hinh doanh giày cao gót nữ và quần áo trẻ em có đệm đầu gối (“Krawlers”).
WeWork, hiện có 12.500 nhân viên, có chút gì đó khác biệt. Neumann thành lập Wework vào năm 2010 với Miguel McKelvey, lớn lên tại Oregon. Phần lớn hoạt động kinh doanh của công ty là thuê không gian trong các tòa nhà, sau đó tu sửa và phân chia thành các phần nhỏ hơn và cho thuê lại với các khách hàng là các freelancer, start-ups hay các doanh nghiệp khác trong các khung thời gian ngắn hơn. Trong khi WeWork thường đi thuê 15 năm, khách hàng của WeWork có thể chỉ thuê 1 tháng.
WeWork giống như một công ty bất động sản với hướng khai thác rất khác biệt. Cùng với vợ Rebekah, một tín đồ của Kabbalah (loại thuật huyền bí Do Thái) và là em họ của Gwyneth Paltrow, Neumann đã tạo ra một văn hóa kỳ cục, khó hiểu, khuyến khích nhân viên làm việc cật lực sau đó đổi lại bằng việc uống rượu thỏa thuê tại công ty, trải nghiệm văn hóa hoang dại của người hippie. Rebekah sau đó còn mở một trường tiểu học tư nhân phục vụ cộng đồng người thuê không gian của WeWork.
Adam Neumann thường đi vòng quanh văn phòng bằng đôi chân trần. Anh ta đã từng ra lệnh rằng không ai được ăn thịt trong văn phòng hoặc mua thịt bằng chi phí của công ty. Bên cạnh đó, anh ta cũng là tay tiệc tùng thứ thiệt: Neumann được biết chuyên uống Don Julio 1942, loại rượu tequila trị giá 149 USD/chai và hút cần sa trong văn phòng, tại các ngôi nhà khác nhau của mình hay cả những nơi khác nữa — theo lời tường thuật với Business Insider của những người chứng kiến.
Cái bẫy của thành công
Những cái bẫy luôn bám theo ngay sát thành công. Trong những năm gần đây, Neumann đã mua ít nhất 5 ngôi nhà, bao gồm 1 ngôi nhà phố Greenwich Village 10,5 triệu USD, 1 ngôi nhà ở Hamptons và một ngôi nhà khác, rộng 60 mẫu, ở phía bắc thành phố New York. Năm 2017, anh đã chi 35 triệu USD để mua 4 căn hộ trong cùng một tòa nhà trong khu phố Manhattan của Gramercy Park. Adam đã mua 1 chiếc máy bay phản lực vùng Vịnh trị giá 60 triệu USD cho WeWork, bay trên toàn cầu đến London, Panama, Cộng hòa Dominican, Tokyo, Hồng Kông và Hawaii, và các địa điểm khác. Hiện tại, những người kế nhiệm của Neumann đang dự tính bán chúng.
Bản giới thiệu của công ty phản ánh sự lập dị của Neumanns. Nó mở đầu bằng một tuyên bố đầy kịch tính: “Chúng tôi là một công ty cộng đồng cam kết mang đến tầm ảnh hưởng toàn cầu. Mission của chúng tôi là thay đổi ý thức của thế giới.” Sau đó lại hướng đến “năng lượng của We — lớn hơn bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng nằm bên trong tất cả chúng ta.” Bản cáo bạch này cũng đề cập đến cam kết của Neumanns về việc quyên góp 1 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán — khối tài sản mà anh ta chưa sở hữu — với mục đích từ thiện, cũng như cam kết cứu 20 triệu mẫu rừng nhiệt đới.
Rebekah Neumann (vợ Neumman) có ảnh hưởng đáng kể đến giọng văn của bản giới thiệu — trong nội bộ được gọi bằng tên “Project Wingspan” — theo hai nguồn tin có tham gia quy trình. Bản này liệt kê những người bảo lãnh của công ty theo một vòng tròn thay vì thứ tự thông thường. Nhiều tháng trước, họ đã đổi tên công ty từ WeWork thành We, để truyền tải tốt hơn về tham vọng của họ. Một phiên bản trước đó của bản giới thiệu công ty liệt kê một loạt các lợi thế cạnh tranh dưới tiêu đề “Siêu năng lực của chúng tôi”.
Neumann và Masayoshi Son, CEO của Softbank thời “mặn nồng”
Nếu việc IPO WeWork thành công được coi là cách xác nhận cho tinh thần vĩ đại của Neumann, thì đối với nhà đầu tư và người ủng hộ lớn nhất: ông Masayoshi Son, CEO của Softbank, nó sẽ là minh chứng hùng hồn cho chiến lược luôn gây tranh cãi của ông: Đầu tư hàng tỷ USD vào các start-up đầy triển vọng, cho họ đốt tiền nhằm chiếm lĩnh thị trường. Son cũng phải đi gọi vốn, một số khoản đầu tư lớn nhất của ông, như Uber, đã không thể thành công như kì vọng. WeWork sẽ là minh chứng thép vô cùng cần thiết với Son. Son và Neumann đã gặp nhau chưa đầy 30 phút vào năm 2016 trước khi Son quyết định đầu tư vào WeWork. Cuối cùng, ông cam kết rót 10,7 tỷ USD, từ SoftBank hoặc từ SoftBank Vision Fund — một quỹ riêng được thành lập bởi Son, đã huy động 100 tỷ USD từ những người chống lưng trong đó có các nhà đầu tư từ Ả Rập. Sau khi các nhà đầu tư Wework chùn bước trong việc bơm thêm tiền (Vanity Fair đưa tin rằng Neumann đến muộn và xuất hiện kém chỉn chu trong một cuộc họp với nhà đầu tư), thì khoản đầu tư trị giá 2 tỷ USD của SoftBank vào tháng 1 năm 2019 đã đảm bảo mức định giá 47 tỷ USD gần đây nhất của WeWork.
Các chủ ngân hàng và các nhà đầu tư cũng đã mua vào sự kỳ vọng thái quá. JPMorgan Chase và Goldman Sachs cũng muốn bảo lãnh phát hành cho thương vụ IPO này, sau khi tư vấn mức định giá công ty IPO lên tới lần lượt 63 tỷ USD và 96 tỷ USD.
Đại diện cho Neumann, WeWork, JPMorgan Chase và Goldman Sachs từ chối bình luận cho câu chuyện này. Người phát ngôn của Softbank cũng không phản hồi.
“Chúng tôi có lịch sử thua lỗ”
Rắc rối bắt đầu ngay sau khi hồ sơ S-1 gồm 359 trang được tung lên internet. Các nhà đầu tư, nhà phân tích và nhà báo bắt đầu đào sâu và những gì được tìm thấy thật không mấy khả quan: một danh sách dài các mâu thuẫn tiềm tàng giữa Neumann và công ty, một bộ máy độc tài, và thua lỗ tăng lên ngay cả khi doanh thu tăng gấp đôi. Công ty đã không giải thích được cách tạo ra lợi nhuận. Phần tiết lộ rủi ro cho các nhà đầu tư đã chạy đến gần 30 trang.
Xung đột tiềm tàng vô cùng đáng kinh ngạc: Neumann sở hữu lợi ích trong bốn tòa nhà mà WeWork thuê. Anh ta đã nhận được các khoản vay cá nhân từ công ty với lãi suất thấp hơn thị trường để chi trả cho lối sống xa hoa của mình. Một trong số đó là khoản 362 triệu USD, ưu tiên cho Neumann được nhận stock option sớm hơn (và khoản này đã được chi trả). Neumann có một khoản tín dụng khác trị giá 500 triệu USD được bảo đảm bằng cổ phiếu của mình. Có lẽ đáng báo động nhất, anh ta đã mua bản quyền cho tên “We” thông qua một công ty cổ phần và WeWork đã trả 5,9 triệu USD để cấp phép cho nó. Các trích dẫn về “Bên liên quan” trong bản cáo bạch — tiết lộ rằng công ty có thể đã làm giàu đáng kể cho giám đốc , các nhân sự cấp cao hay bất kỳ nhân viên nào, con sốlên đến hàng trăm người.
Neumann cũng đã sử dụng tiền của công ty để tài trợ cho những dự án con cưng của mình, bao gồm một số bên liên quan đến sở thích lướt sóng của anh ta. Lớn nhất là khoản đầu tư 32 triệu USD vào công ty khởi nghiệp của Laird Hamilton tên Laird Superfood và theo sau là khoản đầu tư 14 triệu USD vào Wavegarden, một công ty sản xuất bể thiết bị lướt sóng.
Neumann gần như nắm quyền kiểm soát toàn bộ Công ty WeWork có ba loại cổ phần, trong đó có hai loại đã trao cho Neumann 20 vote cho mỗi cổ phần. Sau khi chết, vợ anh ta sẽ có quyền chỉ định một CEO mới, không phụ thuộc quyết định của hội đồng quản trị.
Nhưng có lẽ điều khiến WeWork bị nghi ngờ nhất là những vấn đề hiển hiện với mô hình kinh doanh của công ty. Chi phí 47 tỷ USD phải thanh toán cho việc thuê mặt bằng trong tương lai, trong khi doanh thu cam kết chỉ là 4 tỷ USD. Khoản lỗ năm ngoái đã nhảy vọt lên 1,9 tỷ USD trên doanh thu 1,8 tỷ USD. Tức WeWork phải bỏ ra 2 đồng cho mỗi đồng kiếm được. Trong nửa đầu năm nay, thiệt hại đã tăng lên 904 triệu USD ngay cả khi doanh thu tăng gấp đôi lên 1,54 tỷ USD. Công ty cũng đã sử dụng thủ thuật tạo ra một loại tài khoản trong bảng cân đối kế toán có tên là “lợi nhuận đóng góp” (contribution margin) — được đổi tên từ “Community-adjusted Ebitda” — con số này bị thay đổi nhiều vào đầu năm, khiến người ta không thể hiểu được rốt cuộc mô hình kinh doanh sau cùng của Wework là gì.
“Chúng tôi đã lỗ lũy kế, và nếu We tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng quá nhanh, chúng tôi khó có thể tạo ra lợi nhuận trong tương lai gần”, WeWork cho biết trong tài liệu của mình.
Quá nhiều thứ phải xoay xở. Đến cuối ngày hôm đó, cả tờ Financial Times và WallStreet Journal đều cho rằng công ty có thể phải giảm định giá để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hơn. Các nhà phân tích nhanh chóng tham gia vào cuộc tranh luận với Fitch Ratings ngày hôm đó, để giảm trị giá công ty xuống mức thấp kỷ lục so với định giá trước đó.
Nếu điều đó chưa đủ tệ, Neumann đã nhận thêm một tin xấu khác: Faraday Grid, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Anh đang tìm cách xây dựng các máy biến áp điện mới mà Neumann đã đầu tư 25 triệu bảng vào đầu năm nay, đã nộp đơn xin phá sản.
Đó là những gì đã xảy ra, chưa đầy 24 giờ kể từ khi hồ sơ của công ty được công khai.
“Kiệt tác của sự che giấu”
Rett Wallace của Triton Research sau này gọi bản cáo bạch là “kiệt tác của sự che giấu”.
Giáo sư Marketing Scott Galloway của NYU đã viết tên công ty là “WeWTF.” John Coffee, giáo sư đại học Columbia và giám đốc trung tâm quản trị doanh nghiệp của trường, chia sẻ với tờ Financial Times rằng để trấn áp lo ngại của các nhà đầu tư về cấu trúc của công ty, biến động thị trường và những điều kiện khắc nghiệt hơn cho việc IPO, Neumann sẽ phải “trải qua thử thách của lửa.”
Trong khi một số cố vấn của công ty ngạc nhiên về tốc độ lan toả và độ sâu của phản ứng tiêu cực, theo một người trong cuộc, thì các thành viên ban điều hành của WeWork vẫn lạc quan về triển vọng của công ty trong suốt tuần đó và cuối tuần trái phiếu của WeWork tăng hơn 3% với hy vọng việc IPO sẽ đền đáp cho những trái chủ này.
Nhưng các tiêu đề tiêu cực vẫn tiếp tục xuất hiện tràn lan: Vào thứ Hai, ngày 19 tháng 8, ban biên tập tờ Financial Times đã bóc trần WeWork và Neumann về bí ẩn mà anh ta giữ cho công ty dưới tiêu đề, “Hãy coi chừng bàn tay chết chóc của founder độc tài.” Trên tờ New York Times, Kara Swisher đã hỏi: “WeWork: Is there any there there?” Một cây bút Financial Times đưa tin “Tư duy ma thuật của WeWork ngụy trang cho một mô hình đầy thiếu sót.”
“Hưng phấn quá độ là một trong những điều kỳ diệu nhất của ngành công nghệ”, Elaine Moore viết trên FT. “Giống như Uber và Lyft, không ai có thể nói chắc chắn liệu mô hình kinh doanh của họ có thực sự hoạt động hay không.”
Các cố vấn của công ty tiếp tục khảo sát các nhà đầu tư, cố gắng hỗ trợ cho việc IPO mà họ hy vọng sẽ thu về ít nhất 3 tỷ USD. Nhưng họ không nhận được phản hổi tích cực. Ngay sau 4 giờ chiều vào thứ hai, ngày 26 tháng 8, Neumann đã nhảy lên phi cơ Gulfstream cho chuyến bay kéo dài 13 giờ qua Bắc Cực đến Tokyo để nói chuyện với các nhà đầu tư của SoftBank về tình trạng IPO.
Cuộc thảo luận tập trung vào 2 câu hỏi sẽ được tranh luận sôi nổi trong nhiều tuần sau đó: Liệu SoftBank có thể trở thành nhà đầu tư mồi trong lần IPO này? Hoặc tập đoàn Nhật Bản có thể bơm một lượng tiền mặt mới để WeWork có thể trì hoãn việc IPO hay không?
Các cuộc đàm phán đã châm ngòi cho mâu thuẫn âm ỉ về quan điểm trong nội bộ SoftBank, nơi một số lãnh đạo cấp cao đã lập luận phản đối việc đầu tư thêm tiền vào WeWork. Son, tuy nhiên, vẫn đứng về phía Neumann và tầm nhìn của mình. Nhưng ông ta cũng đã dao động đáng kể, Neumann cần số tiền — 9 tỷ USD thu được từ IPO và vay thêm ngân hàng — để tiếp tục nuôi tham vọng thống trị toàn cầu của anh ta.
Màn hài kịch nhục nhã
Đến đầu tháng 9, động thái nào đó cần được đưa ra. Các ngân hàng bảo lãnh của WeWork không còn quá mặn mà hỗ trợ cho việc IPO này nữa, thông tin từ các nhà đầu tư lo ngại về các dấu hiệu sai phạm của Neumann và hoài nghi về mô hình kinh doanh của Wework đã khiến họ quan ngại.
Vào thứ Tư, ngày 4 tháng 9 là việc cắt giảm mọi chi phí được tiến hành. Neumann đồng ý trả lại khoản thanh toán 5,9 triệu USD mà anh ta đã nhận được từ WeWork để có quyền sử dụng nhãn hiệu được đăng ký “We”. Công ty cũng tuyên bố rằng Frances Frei, giáo sư và cố vấn của Harvard cho công ty kể từ tháng 3, sẽ tham gia hội đồng quản trị, trả lời những lời chỉ trích về việc vẵng bóng nữ giới trong ban điều hành. Báo chí đưa tin WeWork đang chuẩn bị khởi động roadshow IPO của mình ngay sau tuần sau.
Nhưng ngày hôm sau, tin tức tiêu cực lại bùng nổ về định giá (valuation) tràn ngập các phương tiện truyền thông. Mặc dù một số người đã đề nghị về việc giảm mức định giá quá cao của công ty hiện tại, chỉ còn sự im lặng giữa các cố vấn công ty và các nhà đầu tư hiện hữu. Hoàn toàn im lặng.
Nhiều outlet báo cáo rằng công ty đang xem xét bán cổ phiếu ở mức 50% giá trị private gần đây nhất, tương đương 20 tỷ đến 30 tỷ USD. Tuy nhiên, người trong cuộc vẫn hy vọng có thể nhận được đền đáp từ khoản định giá cao hơn, từ 25 tỷ đến 30 tỷ USD.
Đó là một màn hài kịch nhục nhã từ sự cường điệu đã theo công ty và Neumann trong nhiều năm. Nếu còn thấp hơn nữa WeWork sẽ bị buộc phải đeo vương miện nực cười lần down round lớn nhất lịch sử Thung lũng Silicon.
Các lý do cho sự sụp đổ đã được công bố rộng rãi, mặc dù các thành viên của WeWork đã cố gắng khiến nó trông giống như một bước đi thận trọng: Financial Times cho biết các nhà bảo lãnh của công ty đã lo lắng về việc niêm yết công ty với mức định giá quá cao có thể dẫn đến nguy cơ lặp lại những gì đã xảy ra với Uber, giảm khoảng 33% giá trị kể từ khi niêm yết.
Cố gắng đẩy IPO trong tuyệt vọng
Chủ nhật, ngày 8 tháng 9, công ty đang xem xét mức định giá dưới 20 tỷ USD được đề cập trên thị trường chỉ vài ngày trước đó. Vào ngày hôm sau, WeWork đã lên kế hoạch tiến hành roadshow, nhưng công ty và các advisors vẫn tổ chức các cuộc họp báo để xem có thể tìm kiếm thêm các nhà đầu tư cho lần IPO này không.
Nếu như trước đó Softbank chưa từng phản đối gì thì đến lúc này họ đã thấy quá đủ. Các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này và quỹ Vision 100 tỷ USD của họ đã muốn Neumann hủy bỏ vụ IPO.
Đối với Softbank, đây như một “cú tát” trời giáng. Sau khi đầu tư hơn 10 tỷ đô vào Wework để sở hữu 29% cổ phần thì ông Son đã kỳ vọng một chiến thắng đủ lớn. Tuy nhiên Softbank đã không thể lường trước được giá trị công ty chào bán ra công chúng chỉ bằng 1/3 giá trị “private” nó đã đem lại cho WeWork vào tháng 1 gần đây.
Vào thứ năm, ngày 12 tháng 9, WeWork đã xem xét giảm quyền bỏ phiếu của Neumann từ 20 vote trên mỗi cổ phần nhằm lấn át các nhà đầu tư xuống còn 10 vote. Về phía Neumann, anh ta vẫn cố gắng đẩy IPO trong “tuyệt vọng”. WeWork đã hủy bỏ việc mở rộng thêm một tòa văn phòng
Thứ sáu hôm sau là một ngày quan trọng, Wework hy vọng tiến hành roadshow vào tuần sau, đồng thời nỗ lực thu hút các nhà đầu tư bằng việc thay đổi cách thức và cơ cấu quản trị. Mọi thay đổi này được công khai vào ngày hôm đó, đồng thời họ thực hiện các bước mà Finantial Times trước đó đề xuất. Song song với đó, công ty cũng thực hiện một loạt các thay đổi khác. Wework đã xem xét phản hồi của thị trường để đưa ra những điều chỉnh này, họ khẳng định sẽ không có thành viên nào trong gia đình Neumann ngồi trong Hội đồng quản trị. Quyền để Rebekah chọn CEO thay thế trong trường hợp Adam Newmann chết cũng bị hủy bỏ. Bản thông báo cũng nói rõ Hội đồng quản trị có quyền sa thải CEO.
Reuters đưa tin Wework đang xem xét mức định giá từ 10 đến 12 tỷ đô, điều này có nghĩa mức giá trị này còn thấp hơn tổng số vốn mà công ty đã huy động trong suốt 9 năm hoạt động là 12,8 tỷ đô.
Neumann vẫn khăng khăng đưa công ty IPO, hy vọng có thể niêm yết trước lễ Rosh Hashanah để anh ta có thể tận hưởng những ngày lễ thiêng liêng của người Do Thái. Trong cuộc nói chuyện đầu tuần đó với Softbank, vị CEO này cho biết anh ta không muốn có bất kỳ thay đổi nào trong 12 tháng tới và điều anh ta thưc sự cần lúc này là “nhiều tiền hơn nữa” để mở rộng kinh doanh. Neumann cũng đang tính đến khoản vay 6 tỷ USD mà các ngân hàng của anh ta offer cho WeWork — với điều kiện Wework huy động thành công ít nhất 3 tỷ USD trong đợt IPO. Cuối ngày thứ Sáu đó, Công ty đã công bố kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq.
Theo những người trong cuộc, Neumann và các advisors thường xuyên lời qua tiếng lại trong suốt quá trình lên kế hoạch IPO. Một người cho biết, vị CEO này đã phản đối mọi đề xuất thay đổi của các cố vấn về việc nộp đơn IPO, đặc biệt xung quanh vấn đề quyền kiểm soát và biểu quyết. JPMorgan sau đó đã cảnh báo sẽ buộc phải tiết lộ thông tin một số giao dịch của các bên liên quan, điều này chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư phản ứng dữ dội. Neumann thậm chí cũng chẳng thèm nghe nhà đầu tư lớn nhất của mình, Softbank, bên muốn tạm hoãn IPO.
Neumann đã hành động trước và Softbank không có sự lựa chọn nào ngoài việc đi theo kế hoạch của vị CEO mà họ đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư. Đến chiều thứ sáu, các nguồn tin chính thống cho thấy Softbank đã chuẩn bị cho việc làm nhà đầu tư “mồi”, sẽ mua ít nhất 750 triệu đô cổ phiếu trong đợt IPO
Vào cuối tuần, WeWork, SoftBank và các advisors đã hy vọng rằng những thay đổi trong cơ cấu kiểm soát công ty, giảm định giá (valuation) và cam kết hỗ trợ từ SoftBank sẽ đủ thuyết phục để tiến hành màn roadshow được chờ đợi từ lâu.
Đó sẽ là một trong 48 giờ dài nhất trong cuộc đời của Adam Neumann.
Và rồi quả bom nổ
Vào thứ Hai, thay vì bắt đầu roadshow, WeWork đã công bố hoãn việc niêm yết cho đến sau kỳ nghỉ lễ của người Do Thái. Cùng với với khoản đầu tư mồi của Softbank, công ty và các advisors đã quyết định họ sẽ huy động ít hơn 3 tỷ đô, không bận tâm đến việc “unlock” khoản vay 6 tỷ USD mà họ cần để tiếp tục hoạt động.
Công ty đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn cho biết họ mong muốn hoàn tất IPO vào cuối năm nay. Bất kỳ sự chậm trễ nào nữa sẽ ảnh hưởng đến các điều khoản của khoản vay, mà họ biết trước sau gì cũng phải đàm phán lại.
Một ngày sau khi tạm hoãn IPO, Neumann thừa nhận trong một cuộc họp nội bộ thân tín. Đây có lẽ là một mức hạ cấp thêm nữa với vị founder này. Bây giờ anh ta nhận ra và nói với các nhân viên của mình, rằng những kỹ năng anh ta có để điều hành một công ty tư nhân phải được thay đổi để điều hành một công ty đại chúng. Đến thời điểm này, các thành viên của hội đồng quản trị đã bắt đầu nghĩ đến việc họ có thể buộc anh ta từ chức, (theo nhiều báo cáo).
Ngay sau buổi trưa, quả bom…nổ.
Eliot Brown của tờ Wall Street Journal đã viết một bài báo dài 2864 từ, tường thuật tỉ mỉ và chi tiết về việc Neumann thường xuyên sử dụng cần sa và là con nghiện rượu Tequila. Tờ báo kể cặn kẽ về một chuyến bay tới Israel mà chủ sở hữu chiếc máy bay nhớ đã tìm thấy cần sa trong cabin. Cùng với đó là một loạt ảnh về bữa tiệc hoành tráng với những shot rượu Tequila xa xỉ Neumann tổ chức và mời một thành viên Run-DMC (ban nhạc hip hop nổi tiếng tại New York) đến tham dự, ngay khi vừa tuyên bố sa thải một lượng lớn nhân viên.
Vậy là cuộc họp về việc sa thải CEO Wewỏk được tiến hành ngay sau đó.
Bài báo đã làm thay đổi hoàn toàn cách các nhà đầu tư và nhân viên Wework trước giờ nhìn nhận vị CEO này (theo một người trong cuộc). Thông tin bao phủ trên các mặt báo về CEO này hầu hểt chỉ còn là anh ta đã sử dụng cần sa thế nào…
Trên bờ vực phá sản
Chuyện gì đến cũng đến. Vào chủ nhật, Softbank đã “push” việc sa thải CEO. Hàng loạt các cáo buộc về việc sử dụng ma túy, hành vi thất thường và sự ngoan cố đẩy IPO ngay cả khi nhà đầu tư lớn nhất thận trọng khhuyên răn đã làm Softbank mất toàn bộ niềm tin. Một số nhà đầu tư lớn đã nói rằng họ sẽ không đầu tư trừ khi công ty mang về một CEO có kinh nghiệm và đạo đức hơn. Một số nhà đầu tư khác thậm chí đã đe dọa tiến hành các bước pháp lý đối với CEO về việc anh ta tự đưa ra nhiều quyết định cá nhân trên danh nghĩa công ty.
Chủ nhật tuần đó, Neumann đã ngồi lại với CEO JPMorgan là Jamie Dimon, người mà anh ta thích gọi là cố vấn cá nhân của mình. Giống như người lãnh đạo J. Pierpont Morgan một thế kỷ trước, Dimon thấy mình bị kẹt trong câu chuyện về một trong những công ty lớn nhất định niêm yết thời điểm hiện tại. Hai người đã thảo luận làm thế nào để đẩy việc IPO đang bị hoãn (theo Busines Insider). Một nguồn tin nội bộ cũng cho biết Dimon đã liên lạc nói chuyện với các cố vấn của Neumann trong suốt hai ngày tại trụ sở ngân hàng này.
Dimon khó có thể trung lập. Bên cạnh việc cố vấn cho thương vụ IPO thuộc hạng top này, JPMorgan đã cho Neumann vay hàng trăm triệu USD. WeWork tiết lộ dòng tín dụng cá nhân của Neumann trị giá 500 triệu USD được tài trợ từ JPMorgan, UBS và Credit Suisse, trong đó 380 triệu USD đã được sử dụng. CEO này cũng được offer thêm 98 triệu USD từ JPMorgan dưới hình thức vay thế chấp và các khoản vay khác. WeWork là một phần trong kế hoạch của Dimon nhằm kìm hãm sự độc quyền của Goldman Sachs và Morgan Stanley trong các thương vụ IPO nóng nhất của giới tech startup.
Cuối ngày Chủ nhật hôm đó, Neumann đã ăn tối với Bruce Dunlevie, một trong những giám đốc lâu đời nhất của WeWork và là partner tại quỹ Benchmark Capital, để thảo luận về các lựa chọn của mình. Nếu như trước đó Dunlevie và Dimon đã ủng hộ mong muốn giữ vững vị tríCEO của Neumann, thì giờ sự ủng hộ đó không còn nữa: Dunlevie thẳng thắn tuyên bố với Neumann trong bữa tối hôm đó rằng anh đứng về phía SoftBank. Anh không muốn Neumann ở lại Wework thêm nữa. (Người phát ngôn của Benchmark Capital từ chối bình luận về vấn đề này.)
Vào thứ ba, ngày 24 tháng 9, khi số phận của Neumann lúc này đang lơ lửng, hội đồng quản trị của WeWork được tập hợp tại trụ sở Madison Avenue của JPMorgan. Tòa nhà hình bát giác một lần nữa trở thành nơi chứng kiến sự thất bại lớn nhất của một công ty Mỹ. Ngày đó, JPMorgan đã nỗ lực đến tận cùng để cứu vãn Bear Stearns trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra.
Trên tầng cao chót vót của Grand Central Terminal, hội đồng quản trị của WeWork đã ngồi hàng giờ để thảo luận về những việc cần làm. Những cánh tay lần lượt giơ lên biểu quyết sa thải CEO trong căn phòng bao quanh bởi bốn bức tường đá granite của tòa nhà chọc trời. Không khí im lặng đột ngột. Sau cùng Neumann đã bỏ phiếu đồng ý với việc sa thải chính mình
Anh ta sẽ từ chức và trở thành chủ tịch không thường trực. Neumann đã mất quyền kiểm soát công ty và chứng kiến quyền bỏ phiếu của mình giảm xuống còn 3 vote trên mỗi cổ phần, khiến anh ta chỉ còn là cổ đông thiểu số chỉ có thể đề cử một số nhỏ các giám đốc.
Trong một thông báo tới nhân viên, Neumann đã nói rằng “kể từ khi chúng ta công bố IPO, quá nhiều sự dòm ngó đã đặt vào tôi.”
Hội đồng quản trị đã đưa ra những ứng cử viên cho vị trí CEO của WeWork nhằm thay thế Neumann, là Sebastian Gunningham và Artie Minson. Công ty bắt đầu xem xét các giải pháp khó có thể tưởng tượng như làm chậm tốc độ tăng trưởng, cắt giảm hàng ngàn nhân viên, chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là cho thuê văn phòng, loại bỏ hoạt động kinh doanh trường học tư nhân của Rebekah để kiểm soát chi phí và — có lẽ — lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Trả lời về những lo ngại gần đây rằng mô hình kinh doanh này có thể thành công không, công ty cho biết họ hoàn toàn tôn trọng các cam kết cho thuê của mình và sẽ tiếp tục kinh doanh.
Công ty chính thức hóa cuộc đàm phán về khoản vay khoảng 3 tỷ USD, dự kiến muốn thành công phải tăng thêm vốn chủ sở hữu.
Tờ Economist công khai thảo luận liệu có có bất cứ cách nào hay điều gì có thể ngăn “WeWork bên bờ vực phá sản.”
Vào thứ năm, SoftBank đã nói về việc bơm thêm 1 tỷ USD.
Sự việc sẽ tiếp diễn thế nào, chúng ta cùng chờ xem.
Tuệ Lâm — General Manager @ Nextrans