Theo nguồn tin không chính thức, Tiki và Sendo đã bước đầu đạt được thỏa thuận sát nhập hai sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tăng khả năng cạnh tranh với các “ông lớn” ngoại quốc là Lazada và Shopee.

Các chi tiết về thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ tuy nhiên hai bên đã tham khảo ý kiến của Bộ Công thương để đảm bảo sự chấp thuận cho việc sát nhập này. Giới chuyên môn cho rằng dù về chung một nhà nhưng cả hai thương hiệu này sẽ có thể vẫn giữ lại tên riêng dưới sự kiểm soát của 1 công ty holding, vì hai công ty có mô hình kinh doanh và tệp khách hàng khác nhau. Việc sáp nhập có thể là mối đe doạ đáng kể cho các đối thủ trong khu vực như Lazada hay Shopee.

Tiki và Sendo hiện là 1 trong 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam với quy mô thị trường đạt tới 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 81% – nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á. Dự đoán thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025.

Theo thống kê quý III/2019 của iPrice, Shopee và Sendo nổi lên như hai nền tảng TMĐT của Việt Nam dựa trên  lưu lượng truy cập web. Trong khi Tiki tụt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng này, từ 33,7 triệu trong quý II/2019 xuống 27,1 triệu trong quý III/2019.

Được thành lập vào đầu năm 2010, Tiki hiện là trang TMĐT nằm trong top 10 tại khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh thái kinh doanh bao gồm các thành viên như đơn vị bán lẻ Tiki Trading và Sàn giao dịch cung cấp 10 triệu sản phẩm, dịch vụ vé Ticketbox và TikiNOW Smart Logistics cung cấp dịch vụ đầu cuối.

Tiki hoạt động theo hai mô hình: doanh nghiệp kinh doanh (B2C) và doanh nghiệp khách hàng (C2C). Hiện Tiki đang phục vụ hơn 300.000 người bán và 10 triệu người mua. Không giống như đối thủ, Sendo tập trung vào tệp khách hàng ở các khu vực ngoài thành thị, đặc biệt là vùng nông thôn.

Vào tháng 9/2012, Sendo.vn ra mắt người tiêu dùng, xuất thân là một dự án TMĐT do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển. Đến ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Siêu Chợ Sen Đỏ.

Mặc dù thành lập khá lâu nhưng hai sàn thương mại điện tử này vẫn thua lỗ với con số không kém cạnh so với hai đối thủ trong ngành là Lazada và Shopee. Báo cáo thường niên của VNG – một trong những cổ đông lớn nhất nắm 24% của Tiki – vừa hé lộ con số lỗ khổng lồ của trang thương mại điện tử này năm 2019 với gần 1.800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này chỉ lỗ hơn 750 tỷ đồng. Mức lỗ của Tiki cũng tiệm cận với hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực này là Lazada và Shopee, với khoản lỗ năm 2018 lần lượt là 1.773 tỷ và 1.901 tỷ đồng.

Mức lỗ của “tứ trụ” lớn nhất trong ngành TMĐT

Trong khi đó, chia sẻ với truyền thông, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT – ông Nguyễn Thế Phương – khẳng định: “Sendo là một sàn thương mại điện tử, ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị và cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh này thì lỗ là chuyện bình thường”.

Một số nền tảng TMĐT nhỏ hơn gần đây đã rời cuộc chơi là Adayroi của Tập đoàn Vingroup, trang bán hàng trực tuyến của Lotte và công ty khởi nghiệp TMĐT Leflair có trụ sở tại Việt Nam đầu năm nay.

Vấn đề mấu chốt của “tứ trụ” còn lại gần như chỉ xoay quanh vấn đề tiềm lực tài chính khi mà các doanh nghiệp này đều đang lỗ rất lớn và sẽ tiếp tục lỗ thêm rất nhiều nữa để duy trì vị trí của mình bằng không sẽ phải chấp nhận tay trắng rời cuộc chơi.

Trong khi doanh thu của Shopee bằng 0 – do không trực tiếp bán hàng – thì cả Lazada và Tiki (thông qua Tiki Trading) đều trực tiếp kinh doanh, qua đó cũng ghi nhận doanh thu đáng kể.

Năm tài chính kết thúc vào 31/3/2018, doanh thu của Lazada tăng vọt từ 1.100 tỷ lên 2.800 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ cũng tăng gần gấp đôi từ 1.200 tỷ lên 2.150 tỷ đồng, chủ yếu là do tăng chi phí tài chính cũng như chi phí bán hàng.

Mặc dù lỗ rất lớn, nhưng vốn điều lệ của Lazada từ nhiều năm nay vẫn chỉ giữ nguyên ở mức 15 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động đều được công ty mẹ – trước đây là Rocket Internet và hiện là Alibaba Group – hỗ trợ.

Nếu như Lazada hay Shopee đều có công ty mẹ là các tập đoàn công nghệ có nguồn lực tài chính dồi dào luôn sẵn sàng bơm vốn thì Tiki và Sendo lại đang có khá nhiều cổ đông trong và ngoài nước.

Với nguồn lực tài chính không dư giả, ngoài việc liên tục thực hiện thêm các vòng gọi mới để bổ sung vốn thì việc Tiki và Sendo sát nhập sẽ tăng tính cạnh tranh cho hai doanh nghiệp trước các đối thủ ngoại tiềm lực quá mạnh.

Tú Oanh