Sau sự rút lui của Uber, thị trường gọi xe công nghệ Việt hiện có 10 hãng với quy mô thị trường là 1,1 tỷ USD nhưng với cuộc chơi được gọi là “đốt tiền” này liệu có chỗ đứng cho các tên tuổi mới? Hãy để Carback trả lời.

Tận dụng hàng chục nghìn cuốc xe đường dài trống khách mỗi ngày, ứng dụng đặt xe tiện chuyến Carback mới ra mắt với tham vọng chiếm lĩnh thị trường đặt xe tiện chuyến để trở thành một startup kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam.

Thị trường gọi xe của Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2015 – 2019 lên tới 57% (cao nhất ở Đông Nam Á). Theo dự báo, tới năm 2025, quy mô thị trường này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 38%/năm.

Việt Nam hiện có hơn 10 ứng dụng gọi xe đã và đang hoạt động với các dịch vụ bao gồm: vận tải hành khách, giao hàng, giao đồ ăn… Theo báo cáo gần nhất của ABI Research, Grab hiện đứng đầu thị trường Việt Nam về số lượng cuốc xe hoàn thành. Theo đó, nửa đầu năm 2018, nền tảng này hoàn thành hơn 146 triệu cuốc xe, gấp gần 5 lần so với đối thủ thứ hai là Be (hơn 31 triệu cuốc).

Cũng theo số liệu này, Go-Viet đã hoàn thành gần 21 triệu cuốc xe, còn FastGo là gần 2,4 triệu cuốc, lần lượt đứng thứ 3 và thứ 4 tại thị trường gọi xe Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe khác chỉ chiếm tổng cộng hơn 200 ngàn cuốc.

Mặc dù chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, song với tiềm năng thị trường các hãng mới vẫn tiếp tục đăng ký tham gia với mong muốn chia lại miếng bánh. Trong đó, Carback một nền tảng đặt xe tiện chuyến mới đây đã gia nhập thị trường với tham vọng trở thành kỳ lân công nghệ.

Ông Nguyễn Hải Long, Giám đốc vận hành Carback Việt Nam cho biết, theo số liệu cung cấp bởi Tổng cục Thống kê, 86% chủ sở hữu các xe kinh doanh dịch vụ vận tải là cá nhân, trung bình một ngày có khoảng 59.000 cuốc xe đường dài, 89% trong đó là những chuyến chiều về không chở khách.

Ông Long cho biết, thị trường xe tiện chuyến ở Việt Nam ước tính vào khoảng 550 triệu USD mỗi năm, nắm bắt cơ hội này, tháng 10/2019, Carback Việt Nam đã đưa ra ứng dụng đặt xe Carback – nền tảng công nghệ giúp tận dụng những cuốc xe trống khách của các tài xế.

Khác với các ứng dụng gọi xe thông thường, Carback kết nối các tài xế đang có cuốc xe trống khách với những người có nhu cầu di chuyển trên cùng một cung đường, giúp tăng thu nhập cho lái xe, giảm chi phí di chuyển đường dài cho khách hàng, tăng hiệu quả chuỗi cung ứng vận tải.

Khách hàng cũng có thể theo dõi được đầy đủ chuyến đi của mình ngay trên App, thanh toán trực tiếp qua ví điện tử CarbPay hoặc trả tiền mặt trực tiếp cho tài xế.

Chi phí chuyến đi đường dài đặt qua app của Carback thấp hơn khoảng 30% so với đi xe khách thông thường và 50% so với đi taxi truyền thống. Đặc biệt, khách hàng sẽ tránh được tình trạng “chặt chém” nhất là vào các dịp nghỉ lễ, Tết hay những lúc phải di chuyển tới những địa điểm mới do nhu cầu đi công tác, du lịch, thăm hỏi bạn bè…

Sau hơn ba tháng hoạt động chính thức, ứng dụng đã có hơn 10.000 tài xế tham gia trải đều trên nhiều tỉnh, thành phố, với hàng nghìn lượt khách hàng đặt xe mỗi ngày.

Các tài xế tham gia Carback phải trải qua 2 bước xác minh để an toàn cho khách hàng và nâng cao chất lượng chuyến đi. Chỉ những tài xế được duyệt hồ sơ, xác minh theo yêu cầu chất lượng của Carback mới được phép tham gia trở thành đối tác tài xế của ứng dụng.

Trong một diễn biến khác, ứng dụng gọi xe sử dụng công nghệ blockchain có tên TADA mới đây gọi vốn thành công từ ngân hàng Shinhan với mục tiêu mở rộng thị trường tại Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Năm 2020, sẽ có thêm hai “người chơi mới” tham gia thị trường này là ZuumViet và Unicar. Với tình hình kinh doanh của các hàng hiện nay vẫn đang lỗ, liệu ai sẽ trụ lại ở cuộc chơi “đốt tiền” này?

Hàn Mai