Từ cuối năm 2017, Saigon Innovation Hub (SIHUB) đã thực hiện chương trình điểm kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và thế giới, trong đó có việc đưa startup Việt ra thâm nhập thị trường nước ngoài.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, đã trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển về vấn đề này.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB tại một sự kiện do SIHUB tổ chức.

Xin ông cho biết, những lợi ích hướng tới của SIHUB trong việc đưa các startup của Việt Nam ra nước ngoài?

Mặc dù có cố gắng, nhưng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam còn đi sau các nước rất nhiều. Do vậy các startup của mình sẽ gặp nhiều bất lợi trong việc tiếp cận thị trường như: tiếp cận mentor giỏi cho tới môi trường để trải nghiệm, phát triển xa hơn ý tưởng…

Việc đưa startup của Việt Nam ra nước ngoài sẽ giúp startup đó có cơ hội phát triển tốt hơn.Việc này cũng sẽ tạo cơ hội cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và các nước có kết nối, hợp tác lẫn nhau…

Đồng thời thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Trong khi đó các startup nước ngoài vào Việt Nam sẽ mang theo kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp công nghệ. Điều này đóng góp tốt cho hoạt động của các doanh nghiệp hiện hữu, cũng như góp thêm cho việc phát triển nền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

Việc trao đổi startup này nằm trong chiến lược toàn cầu hóa mà SIHUB đang hướng tới.

SIHUB đã ký kết, trao đổi startup với những nước nào và số lượng mỗi năm?

SIHUB đã ký chương trình trao đổi startup với bốn quốc gia gồm: Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia. Chúng tôi đặt ra mục tiêu khởi đầu là có 20 startup của Việt Nam đi ra các nước và 30 startup tới TPHCM mỗi năm. Đây là mức khiêm tốn khi mới triển khai. Những startup đầu tiên của Hàn Quốc đã đến TPHCM vào ngày 22.3.2018.

Về cơ bản, chúng tôi không giới hạn về ngành nghề, do hiện nay các nghành nghề đều có sự tích hợp rộng, tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên cho bốn lĩnh vực mà TPHCM tập trung phát triển gồm: Cơ khí chế tạo, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất, hóa dược – cao su – nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm.

SIHUB ra mắt ban cố vấn quốc tế. Ảnh: SIHUB

Vậy tiêu chí tuyển chọn và điều kiện để các startup có thể được tham gia chương trình này?

Hiện SIHUB đang có chương trình tuyển chọn online và không giới hạn. Ngoài ra, SIHUB cũng sẽ chọn lựa các startup phù hợp từ các cuộc thi về khởi nghiệp mà TPHCM tổ chức. Các startup ứng tuyển sẽ được một hội đồng thẩm định của hai nước đánh giá dự án và quyết định. Để đạt được điều này, các startup cần chuẩn bị tốt đề án.

Kinh nghiệm cho thấy, các startup nên cố gắng định lượng về thị trường, đặc biệt là xác định được thị trường mục tiêu, phân tích được đối thủ cạnh tranh và phương án kinh doanh khả thi. Ngoài ra, mô tả năng lực của team cũng hết sức quan trọng, không nên quá chung chung, cần thể hiện năng lực của team và kinh nghiệm đã có.

Khi được chọn startup sẽ được hỗ trợ những gì?

Đối với mỗi quốc gia thì sẽ có sự hỗ trợ khác nhau, nhưng nguyên tắc chung thì sẽ được hỗ trợ những thứ như: Hỗ trợ không gian làm việc; hỗ trợ mentor địa phương; Hỗ trợ khảo sát thị trường; hỗ trợ kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; hỗ trợ tham gia các chương trình chính sách hiện có của TPHCM và của các nước; hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm.

Theo dự tính của ông, trong 5 năm tới, SIHUB sẽ có vai trò như thế nào trong sự phát triển nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam?

Tôi hy vọng rằng sau 5 năm nữa, SIHUB sẽ là điểm kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và thế giới.

Đồng thời, SIHUB sẽ là nơi giúp các hệ sinh thái của Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thế giới, và thực sự là một công cụ đóng góp vào nền kinh tế sáng tạo, thông qua việc tạo dựng được nhiều sản phẩm và phát triển được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị, để đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Theo Ngọc Lý (Khoa học & Phát triển)