Vòng bán kết và chung kết cuộc thi khởi nghiệp xã hội Hult Prize khu vực Đông Nam Á 2019 tổ chức lần đầu tại Việt Nam đã thu hút hơn 40 ý tưởng sáng tạo của sinh viên từ hàng chục quốc gia. Trong đó, các bạn sinh viên Việt Nam cũng đóng góp hơn 10 sáng kiến độc đáo.

Không cần đến điện thoại thông minh hay kết nối Internet, EmployMe cho phép người dùng tạo ra các CV tìm việc một cách đơn giản chỉ bằng một chiếc điện thoại với chức năng cơ bản.

Người dùng chỉ cần trả lời các câu hỏi được Chatbot EmployMe đưa ra bằng tin nhắn SMS. Những câu trả lời này sẽ được sử dụng để tạo ra một CV online. Hệ thống sẽ dựa trên những thông tin này để kết nối người dùng với các nhà tuyển dụng phù hợp.

Giải pháp trên của nhóm sinh viên ĐH Hong Kong đã giành được giải nhất cuộc thi Hult Prize khu vực Đông Nam Á 2019 được tổ chức tại Việt Nam. Với chiến thắng này, nhóm EmployMe đã giành được giải thưởng trị giá 85.000 đô la Mỹ và tấm vé tham dự Hult Prize toàn cầu với cơ hội nhận được 1 triệu đô la để biến sáng kiến của mình thành hiện thực và nhân rộng ra nhiều quốc gia.

Vòng chung kết Hult Prize khu vực Đông Nam Á 2019 cũng thu hút được nhiều ý tưởng độc đáo như sản xuất “sợi vải” từ thân chuối của nhóm sinh viên trường ĐH Ahsanullah; sản xuất giấy từ phân bò của nhón sinh viên trường ĐH Công nghệ Bangladesh…

Hult Prize là một cuộc cuộc thi khởi nghiệp xã hội thường niên được mệnh danh “Giải Nobel Khởi nghiệp xã hội” dành cho sinh viên toàn thế giới do Trường Đại học Hult phối hợp với các đối tác toàn cầu và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tổ chức. Các chủ đề của Hult Prize đều gắn với 17 mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc đề ra.

Trong năm thứ 10 tổ chức, Hult Prize 2018 – 2019 thách thức thế hệ trẻ nhìn lại và tự giải quyết vấn đề của chính mình với chủ đề: “ FOR US, BY US – THE GLOBAL YOUTH CHALLENGE – Giải pháp doanh nghiệp xã hội để giải quyết vấn đề việc làm cho 10.000 người trẻ trong 10 năm tới ”. Cuộc thi được đồng tổ chức bởi các trường Đại học lớn và uy tín trên khắp khu vực Đông Nam Á và hơn 120 quốc gia trên thế giới.

Tại khu vực Đông Nam Á, Hult Prize được Sở KH&CN TP.HCM phối hợp cùng Hội đồng Điều phối Khởi nghiệp – TP Đà Nẵng và Phòng Kinh tế – UBND Quận 3 tổ chức. Vòng bán kết và chung kết “Hult Prize khu vực Đông Nam Á 2018 – 2019” đã được tổ chức tại TP.HCM trong 2 ngày 5.4 – 6.4 tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 40 đội từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Anh Quốc, Ấn Độ…

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nói: “Khởi nghiệp xã hội giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của xã hội cũng như của thành phố hiện nay. Chúng tôi không chỉ nhiệt tình hỗ trợ, tổ chức cho cuộc thi này mà dự kiến sẽ cả những giải khác trong các năm sau với mong muốn phát động phong trào khởi nghiệp xã hội trong toàn cộng đồng.”

Nhận xét về cuộc thi, bạn Idal Poorekhoysandi từ nhóm IIT KHARAGPUR của Ấn Độ, cho biết: “Vòng bán kết và chung kết cuộc thi đã được nước chủ nhà tổ chức rất bài bản và đặc biệt truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tham dự”. Đồng quan điểm, cô sinh viên Yolanta từ Anh Quốc cũng nhận định: “Cuộc thi rất hấp dẫn và truyền cảm hứng. Tôi rất hạnh phúc khi được có mặt ở đây và bất kể có giành được giải thưởng hay không, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng của mình”.

Trong số hơn 40 ý tưởng lọt vào bán kết và chung kết của cuộc thi, các bạn sinh viên Việt Nam cũng đóng góp tới hơn 10 dự án xuất sắc. Điều này không chỉ thể hiện khả năng của các bạn trẻ Việt Nam mà ý nghĩa hơn, đây là bước đà quan trọng để sinh viên Việt Nam tự tin “bước ra biển lớn”.

Bà Trương Thị Thùy Tiên, Giám đốc Trung tâm Thị trường lao động – ĐH Thủ Dầu Một đánh giá: “Khi các bạn đang ở trong trường ĐH, trong một địa phương, các bạn có thể là những sinh nổi bật ở top đầu của trường. Nhưng đó chỉ là ở trong một trường, một đia phương nhỏ so với thế giới.

Bởi vậy, các bạn cần được đưa ra nơi mà các bạn có thể cọ xát với bên ngoài, quan sát được mình đang ở đâu, mình còn thiếu và cần phấn đấu gì. Ở sân chơi lớn là nơi tụ hội tinh hoa từ nhiều nơi, các bạn sẽ thay đổi nhận thức, tự đánh giá và định hướng chính xác cho mình”.

Phạm Sơn – Khampha.vn

Bài gốc