Cuối tháng 5/2020, trước thông tin Tiki và Sendo sáp nhập, CEO FastGo Nguyễn Hữu Tuất biên status nửa đùa nửa thật trên trang cá nhân, đặt vấn đề nếu Be và FastGo sáp nhập thì nên đặt tên gì.

Mới đây, trang tiếng Anh Vietnam Investment Review (VIR, trực thuộc Báo Đầu tư) đưa tin: Hai ứng dụng gọi xe nội địa Be và FastGo có thể đàm phán đi đến một thương vụ sáp nhập để phá vỡ sự thống trị của Grab tại Việt Nam.

CTCP beGroup được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào tháng 5/2018, với tên ban đầu là CTCP Dịch vụ Công nghệ Veep, vốn điều lệ 200 triệu đồng. Ba đồng sáng lập là Nguyễn Ngọc Bảo Lâm, Bùi Huy Hướng và Hà Anh Tuấn. Trong đó, ông Bảo Lâm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Veep được cấp phép hoạt động trong 37 ngành, nghề, bao gồm vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, bốc xếp, và hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Đến tháng 9/2018, ông Trần Thanh Hải thay ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm trở thành người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của Veep. 2 ngày sau, vốn điều lệ của Veep giảm từ 200 tỷ đồng xuống còn 100 tỷ đồng.

Sau đó, Veep đổi tên thành beGroup, và từ tháng 4/2019 bắt đầu tăng vốn gấp 3, lên 300 tỷ đồng.

Cấu trúc cổ đông của beGroup không được tiết lộ, nhưng Deal Street Asia tiết lộ một nhóm cổ đông của VPBank đã rót tiền cho ứng dụng Việt này.

Be tiếp tục tăng vốn lên 515,7 tỷ đồng vào tháng 8/2019. Sau khi ông Trần Thanh Hải rời cương vị CEO và bà Nguyễn Hoàng Phương lên thay, Be tiếp tục tăng vốn gấp rưỡi, lên đến 755,9 tỷ đồng vào tháng 2/2020.

FastGo xuất phát điểm là một doanh nghiệp nhỏ có vốn đăng ký 2 tỷ đồng, với 4 thành viên sáng lập. Một thời gian sau, tỷ lệ sở hữu chuyển sang ông Nguyễn Hữu Tuất và CEO NextTech Nguyễn Hòa Bình.

Sau phân tích của CEO Nguyễn Hữu Tuất trên trang cá nhân về việc Go-Viet hay Be dừng đốt tiền sẽ chết, và chúc Be sớm gọi được vốn để còn đồng hành cùng FastGo đấu Grab, FastGo dường như đã dừng “đốt tiền” từ tháng 10/2019. Điều này đồng nghĩa với việc sự hiện diện của FastGo giảm dần, một số tài xế phàn nàn việc mở app cả ngày cũng không có khách.

Mới đây, FastGo dường như đã chạy lại các chiến dịch Marketing, quay trở lại cuộc đua “đốt tiền” khi vị thế trên thị trường gọi xe đã ngã ngũ.

Một chuyên gia giấu tên cho biết, nếu deal sáp nhập này là có, FastGo sẽ “hời hơn” khi tính hiện diện gần như không có. Ứng dụng này có thể tận dụng lượng khách và tài xế có sẵn của Be cũng như hưởng “ké” chiến lược Marketing khá bài bản của “team vàng”.

Ở phía ngược lại, khi bắt tay với FastGo, Be có thể thành lập một liên minh và thuận lợi hơn trong việc gọi vốn.

Theo báo cáo của của ABI Research trong năm 2019 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab áp đảo thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần.

Trong khi đó, Go-Viet, vốn được xem là đối thủ đáng gờm nhất của Grab, vẫn chỉ gây sóng gió được vài tháng đầu và đứng thứ ba với 10% thị phầ.

Xếp sau cả “nhân tố mới” mang tên Be. Gia nhập vào cuối năm 2018, Be ghi nhận con số 31 triệu cuốc xe, dù xếp hạng nhì sau Grab nhưng cũng chiếm chưa đầy 16% thị phần.

Những cái tên khác như FastGo, Vato, Mai Linh hay Tada chia nhau vỏn vẹn 1% thị phần còn lại.

Nếu không tính FastGo, thì bản đồ thị phần còn lại là của Grab, Be và Go-Viet. Điều đáng nói là “thế chân vạc” cũng không thể hình thành bởi hai đối thủ còn lại trong top 3 vẫn chưa đủ khả năng uy hiếp ngôi vương của Grab, kể cả khi cộng gộp lại thị phần.

Bảo Bảo- Cafebiz