Với Chợ rác online, người dân có thể gọi người thu mua ve chai, tặng những đồ bỏ đi cho người khó khăn hơn hay thanh toán tiền rác trực tuyến…

Nguyễn Trọng Minh, người sáng lập và điều hành dự án Grac cho biết, hiện tại TP.HCM có gần 9.500 tấn rác thải phát ra mỗi ngày, tương đương với tòa nhà cao 18 tầng. Một năm tương đương 1 sân vận động chứa đầy rác. Rác càng ngày càng nhiều, nhưng diện tích đất để chôn lấp rác càng ngày càng giảm.

“Chính vì thế, nhóm đã tuyên truyền cho người dân việc phân loại rác tại nguồn mang ý nghĩa cấp thiết. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường nhưng không mang lại lợi ích thì cũng rất khó để họ thay đổi hành vi. Vì thế, nhóm quyết định xây dựng một ứng dụng có khả năng tác động lớn đến nhận thức và hành vi, giúp người dân xử lý rác tốt hơn”- Minh chia sẻ.

Theo đó Grac đã ra đời. Đây là một nền tảng nhiều tiện ích giúp người dân xử lý rác theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, ứng dụng cho phép người bán ve chai và người mua ve chai có thể kết nối với nhau, tương tự mô hình “ve chai công nghệ”. Người bán chỉ cần chụp hình những sản phẩm như giấy, đồ nhựa, sách báo cũ… và sau đó đăng lên ứng dụng. Ngay lập tức, người mua ve chai sẽ nhận được thông báo và di chuyển đến khu vực người bán ve chai. Hai bên sẽ thỏa thuận giá cả và thực hiện mua bán.

Tiếp đến là dịch vụ tặng đồ cũ. Những đồ dùng không còn sử dụng, người dùng có thể đăng thông tin chia sẻ và tặng lại cho những người khó khăn hơn cần dùng. Nhóm muốn phát triển nền tảng này để giảm đi một lượng rác thải ra môi trường.

Dịch vụ thanh toán rác trực tuyến giúp người dùng có thể thanh toán tiền rác thông qua ứng dụng. Theo Nguyễn Hoàng Kim Phụng, thành viên nhóm, với tính năng này, nhóm tự hào là ứng dụng tiên phong tại Việt Nam áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến hóa đơn tiền rác thông qua cổng thanh toán điện tử với các thao tác đơn giản, nhanh gọn và thuận tiện.

Đồng thời, nhóm còn phát triển mô hình thu gom rác dựa trên lịch trình xe chở rác. Cụ thể, hành trình xe chở rác sẽ xuất hiện trên ứng dụng theo thời gian thực. Người dân có thể nhận biết chính xác thời gian thu gom rác, loại rác thu gom, khu vực thu gom rác… Việc này sẽ giúp người dân nâng cao ý thức về phân loại rác.

Để tăng tính hấp dẫn của ứng dụng, nhóm sử dụng danh hiệu “Hộ gia đình xanh” nhằm tưởng thưởng cho những hộ gia đình sử dụng tích cực ứng dụng này. “Phần thưởng ban đầu là họ được miễn phí tiền rác hằng tháng”- Minh cho biết.

Kim Phụng cho biết, ứng dụng của nhóm được phát triển dựa trên tiêu chí 3R là Reduce – Reuse – Recycle (giảm – tái sử dụng – tái chế) giúp kết nối cộng đồng cùng tham gia giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động thực tế như phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải. Giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp rác, giảm diện tích thu gom, giảm ô nhiễm môi trường bãi rác do ô nhiễm mùi, ô nhiễm nước rỉ rác…

“Hiện tại dự án đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm trên địa bàn quận 3 và sắp tới nhóm hi vọng sẽ mở rộng ra toàn TP.HCM”- Phụng nói.

Hà An