Là một người có trong mình những đam mê, hoài bão lớn và luôn hướng đến một phiên bản “lớn hơn” của chính mình, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tubudd Vũ Thị Thái An sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách và giữ tinh thần truyền lửa đến cộng sự và những người xung quanh.

Đâu là những lý do khiến chị quyết định quay về Việt Nam gần ba năm về trước?

Chị Vũ Thị Thái An: Khi rời Việt Nam, tôi xác định nếu đi để quay về thì sẽ không đi vì thu nhập của tôi ở thời điểm đó đã đạt mức khá so với nhiều người cùng trang lứa. Tôi chọn bắt đầu lại ở một mảnh đất mới để thử thách bản thân mình hơn.

Nhưng khi có ý tưởng thành lập Tubudd, tôi thấy mình đã rất cố gắng, đã làm được một vài điều gì đó, đã “ngoi” lên vị trí quản lý phát triển kinh doanh của một công ty lớn ở Anh nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu điều đó đã đủ thử thách hay chưa.

Với rào cản vô hình ở phương Tây, tôi cảm nhận không thể phát triển hơn được nữa trong khi tôi luôn có một khát vọng muốn hướng đến bản thân mình lớn hơn. Ở nước ngoài, tôi sẽ không thể là một ai đó, không tiền bạc, không địa vị, không có mối quan hệ. Nếu về Việt Nam thì Tubudd có thể là một cái gì đó rất triển vọng và tôi cũng có thể là một ai đó to hơn, có thể làm một điều gì đó ảnh hưởng lớn hơn cho người Việt thay vì được coi trọng ở nước ngoài.

Chị có thể mô tả chân dung của “một ai đó” mà chị muốn xây dựng thời điểm mới về Việt Nam?

Chị Vũ Thị Thái An: Trong cuộc đời luôn có những rào cản giống như những cục đá giữa đường. Tôi muốn mình lớn hơn để nhìn nhận được vấn đề, để thấy đó chỉ là một hòn đá nhỏ có thể bước qua. Lúc bé, hòn đá chỉ đơn giản là đi xe đạp, làm bài tập về nhà hay bị điểm thấp…Hòn đá sẽ lớn lên dần từ bé đến lớn. Mỗi ngày tôi đều gặp một hòn đá và mỗi lần bước qua, tôi sẽ cố gắng để lớn hơn. Ngoài ra, “ai đó” mà tôi muốn trở thành phải có một trái tim nồng ấm, giỏi, chăm chỉ và mang lại lợi ích cho xã hội.

Một CEO người nước ngoài làm việc ở Việt Nam từng cho rằng người trẻ thường đưa ra lý do “đã hết thử thách” trong khi nếu hiểu sâu thì sẽ thấy công việc đó còn rất nhiều thử thách. Chị nghĩ gì về điều này?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi đồng tình với quan điểm này. Giới trẻ bây giờ nhìn mọi việc khá nông và chưa thực sự có chiều sâu trong công việc của họ. Nhiều bạn nộp hồ sơ vào làm ở Tubudd, sau một thời gian xin nghỉ với lý do “chẳng có gì cho em làm nữa” nhưng trên thực tế, startup là một môi trường phát triển rất nhanh chóng và liên tục thay đổi với vô vàn thử thách.

Một điều mâu thuẫn diễn ra là họ vẫn ngồi một chỗ để chờ được cầm tay chỉ việc nhưng cùng lúc muốn tự đi qua. Thời đại công nghệ đang tạo cho thế hệ Z một tư tưởng “mỳ ăn liền”. Tư tưởng này sẽ rất tốt nếu họ biết cách áp dụng vào những chỗ phù hợp. Chỉ có điều, họ đang hơi lười biếng dựa trên tư tưởng đó.

Nhớ lại thời điểm chị quyết định lập doanh nghiệp, “du lịch” hay “khởi nghiệp” xuất hiện trước trong suy nghĩ của chị?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi không phải là người chạy theo xu hướng. Tôi không biết đến hai chữ khởi nghiệp cho đến khi về Việt Nam. Ở Anh, startup là một từ đã quá thông dụng, không có gì mới và cũng không là điểm nhấn hay xu hướng nữa rồi. Tôi luôn muốn làm một cái gì đấy của riêng mình, làm mọi thứ đúng theo cách của mình ngay từ ban đầu vì rất khó để “bẻ gãy” tư tưởng của một ai đó không phù hợp với mình.

Ban đầu, tôi cũng phải loay hoay và suy nghĩ rất nhiều. Khi nghiên cứu, tìm kiếm, tôi chú ý rất nhiều đến các chi tiết từ đó học được nhiều thứ và nảy ra nhiều ý tưởng, Tubudd là một trong số đó. Tôi là một người rất yêu thích du lịch và tôi quyết tâm theo đuổi ý tưởng này.

Từ góc nhìn của chị, du lịch Việt Nam ở thời điểm năm 2017 và bây giờ có khác nhau nhiều hay không?

Chị Vũ Thị Thái An: Khác nhau rất nhiều. Du lịch là một ngành phát triển rất nhanh và rất mạnh. Năm 2017, Việt Nam đón khoảng 12,9 triệu lượt khách quốc tế, một con số kỷ lục. Thế nhưng chỉ hai năm sau đó, con số này đã tăng lên trên 18 triệu lượt.

Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm soát và đưa ra các giải pháp mang tính chất lượng, bền vững thì tôi nghĩ rất dễ có các bài viết về du lịch Việt Nam kiểu như tàn phá môi trường, làm du khách cảm thấy không hài lòng… Tôi đánh giá Tubudd ra đời khá đúng thời điểm.

Du lịch có quá nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam chưa để ý đến ngành này như những ngành khác và chưa được chú ý như nó đáng được chú ý. Việt Nam có quá nhiều điểm mạnh sẵn có rồi thì tại sao không tập trung làm chuyên nghiệp để đi nhanh hơn? Du lịch đóng góp trực tiếp gần 10% vào GDP nhưng số tiền đầu tư cho các startup trong ngành du lịch còn rất nhỏ so với các lĩnh vực khác.

Nhiều người bảo rằng “làm du lịch không có tiền đâu”, chị nghĩ sao về điều này?

Chị Vũ Thị Thái An: Đó là do chính bản thân họ chứ không phải do nền kinh tế. Ngành du lịch ở Việt Nam rất cạnh tranh và các đơn vị tự hút máu nhau bằng cách cạnh tranh về giá làm cho du lịch Việt Nam đã rẻ lại còn rẻ hơn. Các nước châu Âu định giá nhất quán, không vì đối thủ cạnh tranh mà hạ giá vì họ biết mình mang lại giá trị gì cho khách hàng trong khi các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa xác định được giá trị của mình.

Các doanh nghiệp cũng thường hoạt động một cách rời rạc. Tôi rất muốn hợp tác với nhiều bên để thống nhất thành một chuỗi nhưng nhiều người khá cổ hủ, kể cả người trẻ vì họ coi chúng tôi là đối thủ, sợ bị đánh cắp nguồn dữ liệu. Thị trường cạnh tranh khốc liệt nên việc họ dè chừng là điều dễ hiểu nhưng nên chăng có một hiệp hội để thống nhất lại.

Startup chắc chắn có rất nhiều khó khăn nhưng với chị, đâu là khó khăn cốt tử?

Chị Vũ Thị Thái An: Đầu tiên là không có tiền, nếu có tiền cũng chẳng biết bao nhiêu cho đủ. Lúc khởi nghiệp, tôi chỉ có một ít vốn tích cóp lúc còn ở Anh, một ít của đồng sáng lập. Khi về Việt Nam phải làm toàn thời gian không lương trong một thời gian rất dài, phải vật vã sống. Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư nhưng số lượng nhà đầu tư thiên thần muốn đầu tư vào các startup mới còn quá ít ỏi. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc chơi.

Nhưng tại sao có rất nhiều nhà đầu tư ở nước ngoài sẵn sàng đầu tư mạo hiểm, phải chăng là họ có nhiều tiền hơn so với các nhà đầu tư ở Việt Nam?

Chị Vũ Thị Thái An: Đó cũng là một lý do. Ngoài ra, số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Mỹ cao hơn Việt Nam khoảng 30 nghìn lần, nền công nghiệp startup ở nước ngoài đã có từ lâu và các nhà đầu tư cũng đã nhìn được những vấn đề của startup rồi. Trong khi đó, các nhà đầu tư ở Việt Nam còn khá mới nên chưa dám mạo hiểm. Do đó, các startup sẽ phải cố gắng hơn nữa để chứng minh tiềm năng.

Nhiều người cho rằng startup nên tham gia các cuộc thi để mở rộng nhận diện thương hiệu trong khi ý kiến khác cho rằng startup không nên đi thi vì có quá nhiều vấn đề khác trước mắt cần giải quyết. Tính toán của chị là gì khi đưa Tubudd đến với rất nhiều cuộc thi trong nước và thế giới?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi về Việt Nam có thể nói là với hai bàn tay trắng, không có quan hệ và cũng không biết startup đang là một từ khoá ở Việt Nam. Trong vòng sáu tháng đầu cùng cộng sự nghiên cứu, có những khi chúng tôi cảm thấy rất vô vọng vì không ai hiểu được ý tưởng của mình do chưa gặp đúng người.

Dần dần, tôi được giới thiệu cho một vài mối quan hệ và các cuộc thi, tôi “vồ lấy” ngay vì nghĩ rằng có thể tìm được những người giống mình trong các cuộc thi đó và sẽ không còn cô đơn. Họ cũng muốn thực sự mở cánh cửa đến căn phòng có đầy người mà tôi đang tìm kiếm. Thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể biết được mọi sự việc diễn ra trong giới đầu tư, không biết chắc họ đang muốn gì nên vẫn phải tiếp tục tham gia các cuộc thi.

Một mục tiêu cũng quan trọng không kém khi Tubudd tham gia các cuộc thi là để mở rộng sang các thị trường mới tiềm năng. Có nhiều thứ mà nhà sáng lập ngồi một chỗ sẽ không thấy và không hiểu được. Cần phải đi để gặp các nhà đầu tư thấy được tiềm năng của mình. Với tôi, tham gia các cuộc thi cũng như chơi bóng rổ. Càng ném nhiều thì khả năng đưa bóng vào rổ càng lớn.

Nhưng không có nghĩa là mình lười làm việc ở nhà. Khi người khác làm việc vào ban ngày thì tôi phải đi lấy thời gian của họ, để kết nối, để họ nói chuyện với mình. Đêm về mới là lúc các nhà sáng lập làm việc, không phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày mà là 18 tiếng mỗi ngày. Nhiều người chỉ nhìn được bề nổi, thấy startup đi đây đi đó, chạy từ chỗ này qua chỗ kia nhưng họ đâu biết rằng để doanh nghiệp vào được guồng quay, để tồn tại và phát triển thì các nhà sáng lập phải làm việc rất chăm chỉ.

Hình như chị sợ cô đơn?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi không sợ cô đơn vì cô đơn là khi mình đang làm một điều gì đó để chứng tỏ mọi người sai. Tôi rất hiếu thắng nên luôn nỗ lực dùng thành công để chứng minh những sai lầm khi không đầu tư vào Tubudd hay bác bỏ ý tưởng. Cô đơn cũng giúp tôi tập trung hơn.

Nhà sáng lập nào cũng cô đơn vì kể cả có đồng sáng lập thì vẫn luôn có xung đột về quan điểm, sẽ có tranh luận. Tôi học được một điều là không nên yêu ý tưởng của mình như đứa con đẻ quá, phải nhìn thấy cái sai của nó để liên tục thay đổi và tiến lên. Thực ra sẽ không cô đơn khi đưa ra ý tưởng và có người phản biện. Cô đơn có lẽ đáng sợ nhất khi startup chỉ có một mình và không xác định được hướng đi, không có người bên cạnh nhắc nhở những sai lầm, thiếu sót.

Ngoài ra, sự cô đơn có thể xuất hiện khi đến một lúc nhìn lại cảm thấy thành quả đạt được quá thấp so với kỳ vọng vốn dĩ quá cao. Nhưng cần nhớ, điều quan trọng là tiến trình, đi từ 0 đến 1 đã là một bước tiến, bước những bước ngắn nhưng chắc chắn. Startup đang ở dưới ngọn núi, chỉ có thể leo lên, không thể leo xuống.

Vậy nỗi sợ lớn nhất của chị là gì?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi chẳng có nỗi sợ nào cả. Tôi rất vui và hào hứng nếu thấy được nỗi sợ của chính mình vì tôi cho rằng đó chính là cơ hội, là thử thách để mình vượt qua. Hơn một năm trước, tôi sợ phải đứng thuyết trình khi đi gọi đầu tư, sợ bị người khác đứng lên phản bác ý tưởng, sợ các nhà đầu tư hỏi những câu như “đã làm được bao nhiêu tiền?”, “có bao nhiêu nhân viên?”… Nhưng khi nhận thấy nỗi sợ, tôi coi đó là nơi mình phải tập trung nhiều nhất để hiểu hơn và biết mình phải làm gì.

Tôi xác định phải tập nhảy tango cùng nỗi sợ vì nỗi sợ sẽ luôn ở đó như chiếc bóng của mình cho dù có trốn tránh bao nhiêu đi chăng nữa. Không thể ở mãi trong bóng tối để trốn tránh cái bóng đó mãi, phải học cách nhảy cùng chiếc bóng đó và làm bạn với nó.

Được biết bên cạnh vấn đề vốn thì yếu tố nhân sự cũng là một khó khăn khi Tubudd về Việt Nam với tư cách là một startup. Là một nhà sáng lập trẻ, chị đã làm gì để vẫn có được những con người đồng hành từ thời điểm bắt đầu đến nay?

Chị Vũ Thị Thái An: Ngoài trừ những người đam mê hoặc muốn học hỏi, chẳng ai thích làm cho startup, mà những người muốn học hỏi thì đến một ngày cũng sẽ rời đi. Startup không có tiền, không có địa thế để giữ chân họ hoặc giới trẻ luôn nghĩ “đồng cỏ bên cạnh lúc nào cũng xanh hơn”. Làm startup vất vả, thường xuyên tăng ca, làm ngoài giờ, không có thưởng Tết, không có tháng lương 13 rồi suốt ngày phải là người làm đầu tiên, không có một hệ thống để làm theo nên công việc rất khó.

Nhưng cần nhìn nhận rằng giá trị mà startup mang lại rất lớn, không phải là tiền. Từ một cuộc sống dư giả, tôi sang nước Anh bắt đầu lại từ đầu, làm việc cật lực mà nửa tháng lương mới đủ đóng tiền nhà nhưng cuộc đời tôi thay đổi, tôi trở thành một người bất chấp mọi thử thách, “có dao, găm, mũi tên gì bắn vào đây, tôi thách hết”. Tôi cảm thấy mình rất khoẻ, thậm chí là có sức mạnh phi thường. Với những điều tôi đã trải qua và những điều tôi đã làm được, Tubudd có đi nước nào đi chăng nữa thì tôi tin chắc vẫn sẽ làm được.

Tôi nghĩ các startup cũng sẽ nghĩ như thế. Những bạn làm cho doanh nghiệp startup sẽ nhìn thấy, học được những giá trị đó và theo đuổi con đường đó, sẽ trở thành một người sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách, đi đâu cũng sống được. Đó mới là điều quan trọng nhất cho giới trẻ bây giờ chứ không phải là lương cao, bổng lộc.

Ban đầu, chị có xác định phải chuyên nghiệp hoá việc quản trị hay không hay vẫn quản trị theo kiểu bản năng?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi thấy mình nên làm chuyên nghiệp ngay từ đầu nhưng không hề dễ vì startup có rất nhiều việc phải làm và liên tục thay đổi. Giám đốc marketing hiện tại của Tubudd là người đã đi cùng chúng tôi ngay từ những ngày đầu ở Việt Nam, bản thân cô ấy đã phải trải qua rất nhiều công việc từ lớn đến nhỏ như bán hàng, tiếp thị, nhân sự, đi thi và thậm chí là dọn dẹp… Mỗi nhân sự ở startup phải làm rất nhiều việc khác nhau và liên tục thay đổi nên rất khó chuyên nghiệp hoá. Do đó, chỗ nào có thể chuyên nghiệp thì chuyên nghiệp hoá, chỗ nào không chuyên nghiệp hoá được thì linh động. Startup là những người dám làm tất cả mọi thứ.

Phong cách lãnh đạo của chị là gì?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi là một “leader”, là người dẫn dắt, dẫn dầu và đứng ở phía trước kéo mọi người chứ không phải đứng đằng sau tất cả mọi người và hô “xông lên”. Tôi sẽ là người xông pha, lấy hành động của mình làm gương chứ không phải lời nói hay hoạch định trên giấy tờ. Cũng vì vậy mà những nhân viên đồng hành cùng tôi nhìn nhận được rằng họ cũng lớn lên rất nhiều trong năm vừa rồi, làm những thứ mà họ từng nghĩ là không làm được, họ vượt qua được những tảng đá rất lớn.

28 tuổi, hai bằng đại học, tốt nghiệp thạc sỹ, xuất bản một cuốn sách, xây dựng được một doanh nghiệp cho riêng mình. Liệu chị đã cảm thấy hài lòng?

Chị Vũ Thị Thái An: Tất nhiên là chưa rồi! Có những người trẻ rất giỏi, viết được nhiều cuốn sách, xây được cộng đồng lớn cho riêng mình và kiếm được rất nhiều tiền.

Nhưng khi cô đơn trên hành trình của mình, những kết quả đã đạt được là một cái vỗ vai nhẹ cho tôi, để giúp tôi nhớ lại thời điểm mình đã từng mơ và cũng từng chinh phục được giấc mơ đó. Để rồi tiếp tục mơ đến những điều lớn lao hơn và nỗ lực.

Startup thường rất dễ suy nghĩ tiêu cực rằng mình chưa đủ giỏi và buộc mình vào áp lực rất lớn. Tôi vẫn phải nhìn lại những thành quả mình đạt được để giữ mình luôn tích cực khi hàng ngày phải đối mặt với vô vàn tảng đá lớn.

Thời gian gần đây, mọi người nói rất nhiều đến hai chữ khát vọng. Với chị thì sao?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi không nghĩ đến những thứ quá đao to búa lớn, chỉ nghĩ rằng mỗi người nên có một khát vọng cho riêng mình, một ước mơ. Có những người chỉ mơ có được chiếc xe máy cho con đi học, có người mơ kiếm được 10 triệu đồng mỗi tháng…

Khi có ước mơ và cố gắng hết sức để đạt được ước mơ đó thì theo một cách vô tình, một “khu vườn” đẹp sẽ được làm nên, nếu ai cũng xây một mảnh vườn như thế thì sẽ làm nên một bức tranh rất lớn, rất đẹp cũng như xây được một đất nước khát vọng. Bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, tôi sẽ cố gắng truyền lửa và giúp những người xung quanh xây những khu vườn đẹp của chính mình thay vì dẫm nát khu vườn của người khác.

Còn khát vọng của riêng tôi là một doanh nghiệp toàn cầu, mang lại lợi ích cho toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi một đất nước. Tôi muốn giúp nhiều người nhìn ra được những điều mà tôi đã nhìn ra.

Chị thấy gì ở bức tranh của Tubudd sau 5 năm tới?

Chị Vũ Thị Thái An: Tôi kỳ vọng Tubudd sẽ phát triển sang các thị trường khác như Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Indonesia hay Malaysia. Để làm được thì sẽ cần đến sự trợ giúp của các nhà đầu tư, có khi chỉ cần họ tin tưởng cũng tốt rồi.

Vậy chân dung về “một ai đó” của chị sau 5 năm nữa sẽ như thế nào?

Chị Vũ Thị Thái An: Khi tôi tham gia một cuộc thi hùng biện tiếng Anh vào năm lớp 10 theo gợi ý của một người bạn, tôi đã phải làm một đoạn phim giới thiệu về bản thân mình. Sau một đêm suy nghĩ, ý tưởng của tôi là clip “tôi của hôm nay và tôi của mười năm sau”. Lúc đó, tôi đã hình dung rằng mười năm sau tôi sẽ là một nhà ngoại giao, là người đi đến nhiều quốc gia và góp phần làm nên một Việt Nam lớn mạnh. Tôi đã được gọi thẳng vào vòng chung kết mà không cần tham gia vòng tập huấn.

Mười năm sau, tôi không phải là một nhà ngoại giao. Nhưng tôi khẳng định, nếu là một nhà ngoại giao thì sự hài lòng của tôi cũng sẽ như bây giờ, không hơn và cũng chẳng kém. Tôi có thể vẽ nên một bức chân dung mình của 5 năm tới nhưng một điều chắc chắn là dù có là ai đi chăng nữa, có đạt được mục tiêu hay không thì tôi vẫn luôn là một người hạnh phúc, có thêm những bài học mới, trưởng thành hơn bây giờ và trở thành “một ai đó” có khả năng chịu đựng và bản lĩnh rất lớn.

Xin cảm ơn chị!

Đặng Hoa

Nguồn