Vào hôm thứ Ba, Apple cho biết thu nhập của họ đã vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích, cả về doanh thu lẫn thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Cụ thể hơn, cổ phiếu của Apple đã tăng gần 7% vào sáng thứ tư, đẩy mức vốn hóa thị trường của gã khổng lồ này lên con số 1 nghìn tỷ đô-la.

Tuy nhiên, điều nổi bật nhất trong báo cáo quý 2 năm 2019 của Apple chính là phân khúc dịch vụ của họ đã tăng trưởng nhiều như thế nào trong quý vừa qua.

Khi doanh số bán hàng của iPhone dậm chân tại chỗ, đồng thời thị trường lớn Trung Quốc đang bị thống trị bởi những hãng điện thoại nội địa, Apple đã tập trung vào dịch vụ để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới. Với việc doanh nghiệp tăng trưởng 16% so với năm trước, cùng 11,5 tỷ đô-la doanh thu mỗi quý, dịch vụ của Apple đang dần chứng minh lợi ích của mình đối với công ty.

Dĩ nhiên, iPhone vẫn là một nguồn doanh thu ổn định không thể chối cãi của Apple. Tuy nhiên khi bên dịch vụ trở thành một mảng tăng trưởng ổn định, công ty này sẽ dần dần đi vào con đường giống như những đối thủ khác trong thung lũng Silicon (chẳng hạn Microsoft và Google), đó là dần trở thành một công ty phần mềm.

Đặt cược vào dịch vụ

Những dịch vụ gần đây nhất của Apple bao gồm iCloud, iTunes, AppStore, Apple Pay, Apple Care và Apple News+

Trên thực tế, trước đây công ty này cũng đã vài lần đánh cược vào mảng dịch vụ. Chẳng hạn vào tháng 1 năm 2017, Tim Cook cho biết ông muốn doanh thu mảng dịch vụ Apple tăng gấp đôi vào năm 2020 – tương đương đạt 48 tỷ đô-la

Tuy nhiên, các con số này được đưa ra trước khi Apple News+ (cùng hai dịch vụ đi kèm Apple TV+ và Apple Arcade) ra mắt. Như vậy, doanh thu thực sự sẽ tăng thêm so với con số ở trên.

Theo hai nhà phân tích Daniel Ives và Strecker Backe, mảng dịch vụ vẫn luôn là một phần quan trọng của của Apple với giá trị 400-450 tỷ đô. Thậm chí con số này vẫn chỉ mới là khởi đầu. Trong sáu tháng tới đây, Apple sẽ chính thức cho ra mắt dịch vụ streaming mới, trực tiếp cạnh tranh với Netflix, Disney và Amazon. Tuy nhiên, Apple cần chủ động định giá dịch vụ streaming Apple TV+ nếu thực sự muốn cạnh tranh với những đối thủ lớn trong lĩnh vực này.

Mặc dù bước chuyển mình này của Apple bắt đầu từ việc doanh số iPhone bị chững lại, thế nhưng đây không phải là động thái xem nhẹ các vấn đề về iPhone. Trên thực tế, trên thế giới có hơn 1 tỷ thiết bị Apple, vậy nên phát triển các dịch vụ đến người dùng sẽ đem đến một cơ hội phát triển rất lớn. Đây là một bước phát triển tự nhiên của hệ sinh thái phần cứng/ phần mềm mà Apple đã xây dựng.

Microsoft và Google, hai đối thủ lớn nhất của Apple, đã và đang đặt nền móng trong thị trường phần mềm. Google không chỉ cung cấp công cụ tìm kiếm quy mô lớn cho doanh nghiệp và hệ điều hành Android, mà còn cho ra mắt Google Music và Google Play Movies and TV.

Trong khi đó, Microsoft cũng sở hữu thương hiệu Windows, đó là còn chưa kể đến phân khúc nền tảng đám mây rất phát triển. Microsoft đã dựa vào phân khúc này để đẩy vốn hóa thị trường lên đến con số 1 nghìn tỷ đô la.

iPhone vẫn là một nguồn thu quan trọng

Mặc dù Apple đang dần chuyển mình về phân khúc phần mềm và dịch vụ, thế nhưng doanh số kinh doanh iPhone vẫn cực kỳ quan trọng với công ty. Bởi vì iPhone vẫn chiếm phần lớn doanh thu của Apple. Và điều này vẫn tiếp diễn cho đến khi phân khúc dịch vụ Apple hoàn toàn hoàn thiện.

Nền tảng để dịch vụ của Apple được triển khai chính là nhờ các thiết bị. Vậy nên công ty này vẫn sẽ tiếp tục thu hút người tiêu dùng nâng cấp các sản phẩm đã có và lôi kéo thêm nhiều người dùng mới. Tuy nhiên, tựu chung lại, mảng phần mềm mới là chiến lược để công ty có thể tiếp tục phát triển.

Hải Vy (Theo Yahoo)