Nhiều nhà sáng lập bắt đầu dự án khởi nghiệp của mình với mong ước được làm những thứ mình thích. Tự mình làm chủ luôn là một điều rất có sức hấp dẫn, nhất là những người đã chịu cảnh phải làm việc với những quyết định và định hướng của người khác.

Tự mình làm chủ, đồng nghĩa với việc bạn được giải phóng và được trao quyền “sinh sát”. Tuy nhiên, khi quyền hạn ấy đi quá xa, thì bạn sẽ bị “cô lập”. Đồng thời, công ty của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Chính vì vậy, hãy nghĩ đến những dòng viết dưới đây để có thể bảo vệ bản thân trước cạm bẫy quyền lực này.

Người thành công là những người biết “cần” người khác

Bất cứ công việc hoặc loại hình hoạt động kinh doanh nào cũng cần sự hợp tác của nhiều người. Dù đó là công ty của bạn, bạn là ông chủ tối cao của tất cả mọi người, thì bạn vẫn cần có sự linh hoạt để có thể tồn tại trong đội ngũ đó.

Nhân viên được tuyển dụng là để làm việc, đem kiến thức và kỹ năng để bổ sung cho những điều bạn chưa biết. Vì vậy nếu bạn chỉ ra lệnh cho họ mà không để họ có bất cứ quyền hành nào, thì việc tuyển dụng của bạn đã mất đi ý nghĩa.

Không chỉ vậy, ý tưởng đến từ những nguồn duy nhất, với chỉ một quan điểm, thường sẽ không tốt bằng ý tưởng được tập hợp từ những góp ý của nhiều người. Điều hành, nắm quyền là quyền của sếp, thế nhưng ý tưởng, kế hoạch và các chính sách nên được hoạch định và tiến hành bằng một đội ngũ thì sẽ lý tưởng hơn.

Có được người cố vấn đồng hành

Việc không sẵn sàng thay đổi quyết định hoặc thay thế các mục đích sẽ là sức mạnh để giúp bạn đạt được mục tiêu. Tuy nhiên đôi khi, lòng kiêu hãnh cứng đầu đó đã cản lối bạn trong việc lắng nghe những lời khuyên đúng đắn từ người khác.

Vì vậy, không sai khi nói rằng cố vấn là chìa khóa then chốt để thành công trong sự nghiệp, nếu bạn biết sẵn sàng lắng nghe và để tâm đến lời khuyên của họ. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng nên nghe theo lời cố vấn. Tuy nhiên, nếu bạn biết cân nhắc lời khuyên mỗi khi đưa ra các quyết định quan trọng, khi ấy bạn có thể chắc chắn rằng mình sẽ tránh được những mối nguy hoặc những sai lầm tai hại

Khách hàng luôn đúng

Khi là nhà sáng lập startup, bạn rất dễ gói gọn tầm nhìn doanh nghiệp trong những thứ xây dựng được từ công ty. Trong khi đó, mục tiêu cơ bản mà bạn nên tập trung chính là cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng bên ngoài công ty.

Dĩ nhiên, không ai bắt bạn phải bỏ ý tưởng ban đầu để chạy theo thị hiếu thị trường nhất thời. Tuy nhiên, việc sản xuất ra sản phẩm chỉ phù hợp với một số người rất nhỏ cũng không nên chút nào. Khi phát triển ý tưởng thành startup, thị hiếu của khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc.

Nếu sản phẩm của bạn đã được thị trường ưa thích, thì bạn vẫn cần tiếp tục cải thiện và mở rộng chúng dựa trên những góp ý của khách hàng.

Cũng giống như mọi thứ khác, bạn phải biết cân bằng giữa ý tưởng của riêng bạn và những gì người khác góp ý, cả bên trong và bên ngoài công ty. Khi ấy, bạn vừa là lãnh đạo, vừa là người đưa ra quyết định để tổng hợp những ý kiến ấy thành những thứ thiết thực nhằm đem lại lợi ích cho nhiều người. Và dĩ nhiên, bạn cũng nhằm trong số ấy.

Là một nhà sáng lập startup, tức là bạn đang phải đương đầu với một sự đối lập cơ bản: để những người khác giúp đỡ bạn đạt được mục tiêu và tầm nhìn, thì bạn phải biết thay đổi, biết thỏa hiệp với những mục tiêu và tầm nhìn ấy.

Nói cách khác, dù ý tưởng của bạn hay ho hoặc tuyệt đối ra sao, thì bạn cần phải cởi mở, phải linh hoạt. Sự đối lập đó không xấu, đó là điều bạn nên muốn, thậm chí phấn đấu để đạt được. Hãy nhớ rằng không ai có thể thành công một mình, và công sức của một đội ngũ bao giờ cũng đem lại những kết quả tốt đẹp hơn.

Hải Vy (Theo Forbes)