Không dễ để khơi nguồn cảm hứng thật sự, vì vậy chúng ta đều có cảm giác như trúng số khi lóe lên ý tưởng trong đầu. Tuy nhiên, mọi thứ đều cần có thời gian – rất nhiều tập đoàn vĩ đại trên thế giới thành công là nhờ những ý tưởng vĩ đại, và tất cả những tập đoàn ấy đều có khởi đầu… rất vất vả và bình thường.

Bạn có một sáng kiến, chắc hẳn bạn sẽ muốn biến nó thành hiện thực, và bạn nghĩ cứ thế thành công sẽ đến: các nhà đầu tư thay nhau đổ tiền cho bạn, khách hàng chen lấn để có cơ hội ít ỏi sắm được thứ bạn bán cho họ; bạn sẽ lên trang bìa tạp chí và được mời phỏng vấn giao lưu chia sẻ nhẹ nhàng – nổi tiếng rồi đây.

Tỉnh dậy được rồi đấy: không ai dám chắc ý tưởng tuyệt vời sẽ ngay tức khắc giúp họ thức giấc là thấy thành công nằm kề bên. Sự thật là ngoài ý tưởng  tốt, các nhà sáng lập cần nhiều yếu tố khác để biến doanh nghiệp của họ trở nên vĩ đại, đó là:

Nền tảng vững chắc

Bạn có thể là một “cây sáng kiến” hoặc là một “chiến lược gia” với những ý tưởng của mình, nhưng bạn cũng cần sẵn lòng nắm vững những tiểu tiết về hành chính và quản trị.

Cách thức hình thành doanh nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm, bảo vệ tài sản trí tuệ, mở rộng doanh nghiệp hay tuyển dụng chỉ là một vài nhiệm vụ để từng bước đưa ý tưởng của bạn vào thực tế kinh doanh; nếu bạn chưa hiểu hết những nhiệm vụ này, bạn nên hợp tác với một người dày dạn kinh nghiệm liên quan để quán xuyến chúng.

Sự bền bỉ trước công việc khó khăn

Ý tưởng chỉ quanh quẩn trong đầu bạn chứ không đến gõ cửa nhà khách hàng hoặc gọi điện thoại cho họ. Để công việc kinh doanh phát triển, các thành viên cần làm việc rất rất chăm chỉ.

Vì thế, bạn cần nỗ lực chứng minh rằng ý tưởng của mình có giá trị và  hữu ích, đồng thời thuyết phục những người quan tâm rằng doanh nghiệp của bạn là một địa chỉ đáng để tài trợ – số tiền các nhà đầu tư đổ vào một doanh nghiệp thường tỉ lệ thuận với mức độ tin tưởng của họ với chính doanh nghiệp đó (chứ không chỉ với độ độc đáo của ý tưởng kinh doanh).

Một chút tinh chỉnh cho ý tưởng ban đầu

Trừ khi doanh nghiệp của bạn lớn cỡ… Coca Cola, còn thì những ý tưởng ban đầu của bạn, dù có tuyệt vời đến đâu, cũng luôn “sẵn sàng” để bạn và các thành viên bổ sung và hoàn thiện thêm (ngay cả Coca Cola cũng đã qua quá trình này).

Sự đổi mới chính là chìa khóa phát triển và cải thiện doanh nghiệp, và dù nhà sáng lập có ôm khư khư “bóng đèn ý tưởng” của mình đến đâu, lời khuyên chung là hãy chừa khoảng trống để điều chỉnh (thậm chí thay đổi hoàn toàn) những dự định kinh doanh lúc đầu.

Nhìn chung, bất kì doanh nghiệp nào mong muốn thành công thì cần có ý tưởng rõ ràng về mục tiêu kinh doanh, nhưng các nhà sáng lập cũng cần lưu ý hiểu rằng lịch sử kinh doanh đã có vô số công ty thất bại vì họ có ý tưởng dù xuất sắc nhưng vô ích. Những người tạo nên các doanh nghiệp vững như bàn thạch là những người củng cố được “đứa con khởi nghiệp” của họ trong mọi khía cạnh của kinh doanh.

Quốc Huy (Theo Forbes)