Đã gần nhiều tháng trôi qua kể từ ngày Facebook ra thông báo chính thức về dự án Libra, dư luận vẫn không ngừng dậy sóng về nó. Đa số gắn Libra với Facebook và những vấn đề của mạng xã hội này chứ không coi nó là một dự án độc lập. Dưới góc nhìn đó, dự án tham vọng này đã gây ra một làn sóng nghi ngờ, tức giận, sợ hãi nhiều hơn là sự đồng thuận trên toàn cầu. Bên cạnh những bài viết khá sâu sắc, phần nhiều của các chuyên gia về fintech thì cũng có những luận điểm rất… tranh cãi. Ví dụ như bài ” Facebook’s Libra: Blockchain nhưng không có blocks cũng chẳng có chain”(https://www.google.com/…/a053d6d4-323a-3247-9cad…) đăng trên FTAlphaville.

Để tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ của Libra, mình thử đọc Technical paper và một số tài liệu liên quan của Libra và xin tóm tắt lại một cách nôm na, lược bớt thuật ngữ cho những bạn biết về crypto nhưng không phải là dân kỹ thuật tham khảo (các bạn làm kỹ thuật thì nên đọc tech paper của Libra)

1. Người dùng Libra sẽ phải có ví Calibra hoặc ví tương tự. Việc khai báo nhận dạng thực hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ ví. Điều này mở ra một ý hay là người dùng có thể được cung cấp một ứng dụng nhận diện toàn cầu gắn với ví crypto, chỉ có mã mới sử dụng được và rất khó làm giả.

2. Sau khi cài đặt ứng dụng ví, mỗi người dùng sẽ phải đăng ký tài khoản Libra. Tài khoản này sử dụng cặp mã công cộng (public key) và mã riêng (private key) để thực hiện các giao dịch. Thông tin nhận diện người dùng không gắn với tài khoản này nên không hiển thị trong dữ liệu giao dịch nhưng nhà cung cấp dịch vụ ví có thể tra cứu được khi cần.

3. Mỗi tài khoản người dùng được lưu trữ trên sổ cái chung với hai nhóm nội dung là:
– nhóm Module chứa các loại tài nguyên được chủ tài khoản khai báo và thủ tục có thể thực hiện được với các loại tài nguyên này trên toàn hệ thống,
– nhóm Resource chứa các giá trị của các tài nguyên.
Trong giai đoạn đầu, việc khai báo các loại tài nguyên và thủ tục bị hạn chế. Sau khi tính năng khai báo được mở ra thì người dùng có thể lập trình hợp đồng thông minh thông qua cơ chế khai báo nội dung mới trong nhóm Module trên tài khoản của mình.

4. Các giao dịch của Libra đều được thực hiện bằng các chương trình sử dụng ngôn ngữ Move. Việc lập trình bằng Move hiện đang bị hạn chế và sẽ mở rộng dần trong tương lai. Các chương trình sử dụng Move phải chạy thông qua một đoạn code đại diện thực thi (executable representation) để giảm bớt khả năng bị lỗi và đảm bảo an toàn cho hệ thống.

5. Mỗi tin nhắn giao dịch bằng Libra sẽ bao gồm:
– Địa chỉ gửi,
– Mã công khai bên gửi,
– Đoạn code Move để chạy giao dịch
– Phí gas( giống giá “xăng” để “chạy” giao dịch tính bằng Libra, cũng thay đổi theo thời điểm) và người dùng phải nhập mức phí đồng ý trả để thực hiện giao dịch
– Lượng gas tối đa người dùng chấp nhận để thực hiện giao dịch
– Số thứ tự giao dịch.

6. Theo cách tính của Libra, phí giao dịch Libra không phải luôn thấp mà nó phụ thuộc vào lượng dữ liệu, nhu cầu nhanh chậm, số lượng nút và mức độ “rảnh” của các nút xác thực. Người dùng phải đấu giá phí, nếu đặt mức giá gas thấp sẽ bị ưu tiên xử lý sau, nếu lượng gas tối đa quá thấp có thể bị mất phí mà không thực hiện được do giao dịch đang xử lý dở dang thì đạt max gas. Cơ chế định phí sao cho thấp cũng là câu hỏi Libra cần trả lời rõ ràng hơn.

7. Nút xác thực do các thành viên của Hiệp hội Libra nắm giữ. Mỗi nút lưu trữ phiên bản mã hoá chứa lịch sử giao dịch Libra cập nhật và phần mềm chạy giao thức đồng thuận trên máy chủ riêng. Ban đầu dự kiến có 100 nút xác thực được quản lý bởi các thành viên sáng lập ở các khu vực địa lý khác nhau nhằm đảm bảo tính phi tập trung của hệ thống. Sau đó, việc trở thành nút sẽ mở ra cho mọi đối tượng nắm giữ Libra giúp cho tính phi tập trung của hệ thống ngày càng tăng.

8. Khi người dùng gửi tin nhắn giao dịch từ tài khoản của mình, giao dịch sẽ được thực thi bởi đoạn code Move trên hệ thống máy ảo Move làm thay đổi nội dung Cơ sở dữ liệu Libra. Phiên bản thay đổi này được gửi đến các nút để xác thực. Nút so sánh với CSDL Libra lưu trên máy chủ của mình bằng giao thức đồng thuận. Sau đó, mỗi giao dịch sẽ được xác thực và đóng vào blockchain cùng với kết quả đạt được và phiên bản mã hoá của toàn bộ lịch sử giao dịch Libra cập nhật được ký bởi đa số nút xác thực. Giao dịch sẽ không được thực thi nếu không được 2/3 số nút xác thực ký chấp nhận qua 3 vòng bỏ phiếu.

9. Người dùng có thể tra cứu lịch sử giao dịch, các giao dịch cụ thể, kết quả từng giao dịch và chạy lại một giao dịch cũ ở bất cứ thời điểm nào để so với kết quả đạt được.

Libra là dự án đi sau nên thiết kế khá tốt, tiếp thu được nhiều công nghệ mới về blockchain. Việc triển khai từng giai đoạn, mở rộng từ private/permissioned dần ra cho public user tham gia là cách làm chuẩn tắc trong crypto để tránh rủi ro bị tấn công. Mặc dù vậy, việc sử dụng quá nhiều động từ ở thì tương lai trong white paper khiến cho nhiều người lo ngại về khả năng triển khai thực tế của dự án.

Mặt khác, Libra không hề đả động gì đến khả năng chống lại máy tính lượng tử khi cặp mã khoá của các tài khoản sử dụng công nghệ EdDSA/edwards25519. Với tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, theo dự kiến của các chuyên gia, máy tính lượng tử có thể phá được mã các tài khoản mã hoá bằng ECC như Libra trong vòng 3-7 năm nữa. Rõ ràng, nhóm phát triển Libra cần giải thích kỹ hơn về vấn đề này.

Có thể nói về mặt kỹ thuật Libra trong top dự án crypto xuất sắc nhất hiện nay. Vấn đề chính của nó là các rào cản quản lý do nó bắt hệ thống tài chính tiền tệ hiện này phải thay đổi quá nhiều. Bài viết trên mục Kinh doanh của i.Stuff.co.nz đã cho rằng Libra là sáng tạo lớn nhất của một thế hệ loài người (https://i.stuff.co.nz/…/libra-could-be-the-biggest…). Lớn như vậy thì khó khăn cũng là dễ hiểu. Nhưng nếu có kế hoạch chu đáo, vừa làm vừa thăm dò và xử lý sớm các rào cản, tranh thủ sự ủng hộ của các chính trị gia, có thể Libra sẽ thành công.

Blue whale