Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến các công ty sản xuất hàng phân khúc giá rẻ đẩy nhanh việc tìm cách di chuyển nhà xưởng khỏi Trung Quốc. Với những lợi thế của mình, các nước Đông Nam Á đã nổi lên như “thỏi nam châm”. Tuy nhiên, cơ hội cũng luôn đi đôi cùng thách thức. 

Những con số ấn tượng

Stratfor dẫn số liệu năm 2017 cho thấy, đầu tư nước ngoài vào Đông Nam Á đạt 137 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với một thập kỷ trước đó và cao hơn mức 135 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Sang năm 2018, mặc dù chỉ số đầu tư nước ngoài toàn cầu bị giảm 19% so với năm 2017, nhưng đầu tư nước ngoài vào vào Đông Nam Á tiếp tục vượt Trung Quốc, đạt tới 145 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 tổng đầu tư toàn cầu vào các nền kinh tế đang phát triển.

Singapore và Indonesia dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư liên quan đến công nghệ. Đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam tăng 9% năm 2018, chủ yếu ở ngành sản xuất và chế biến. Ngành thương mại điện tử và công nghệ số chiếm 15-20% tổng đầu tư nước ngoài vào Indonesia.

Đầu tư vào sản xuất công nghiệp ở Thái Lan đã dần khôi phục kể từ cuối năm 2016 (thời điểm có nhiều quan ngại về sự bất ổn chính trị của nước này).

Ở Phillipines và Malaysia, chỉ số này cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tại Campuchia, đầu tư vào dệt may giảm trong khi đầu tư vào những mặt hàng điện tử và thiết bị công nghiệp lại tăng. Đáng chú ý là đầu tư vào tài chính và bất động sản ở Campuchia tăng khoảng 20%, chủ yếu là nhờ nguồn đầu tư từ Trung Quốc.

Cơ hội rộng mở

Xu hướng tăng đầu tư vào sản xuất công nghiệp ở Đông Nam Á đã có khoảng 5 năm nay, một phần do Trung Quốc muốn thanh lý hết công nghệ sản xuất hàng phân khúc giá rẻ. Thế nhưng, sự bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về thương mại cộng với nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã khiến Đông Nam Á ngày càng trở thành tâm điểm chú ý.

Theo kết quả khảo sát, các công ty nhìn nhận Đông Nam Á là điểm đến tốt nhất để mở rộng, thu hồi vốn đầu tư và đa dạng hóa các chuỗi cung bên ngoài Trung Quốc. Xu hướng này sẽ rất phát triển đặc biệt ở phân khúc sản xuất hàng giá rẻ, nhất là khi công cuộc chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Hiện thị trường nội địa của Trung Quốc đối với những mặt hàng như ô tô hay điện thoại di động lại đang chạm ngưỡng đỉnh, và ngoài cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn ra thì cuộc cạnh tranh kinh tế lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thúc đẩy các công ty toàn cầu buộc phải tìm kiếm các nơi mới để thay thế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tập đoàn Apple tuyên bố hồi tháng 12/2018 là sẽ bắt đầu lắp ráp điện thoại iPhone ở Ấn Độ. Một số công ty cung cấp môtơ của Nhật Bản như Nidec và Panasonic cũng đã chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan và một số nước khác.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng giúp cho các nền kinh tế cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, như Hàn Quốc và Đài Loan, có thêm động lực giảm bớt số lượng chuỗi cung của họ ở Trung Quốc.

Hiện Đài Loan đang thực hiện “Chính sách hướng Nam”, khuyến khích và hỗ trợ các công ty công nghệ bản địa chuyển các nhà máy sản xuất về nước hoặc tới các nước Đông Nam Á. Tương tự, Hàn Quốc gần đây đã nỗ lực đa dạng hóa đối tác thương mại, đồng thời đặt mục tiêu thương lượng các thỏa thuận thương mại tự do song phương với Philippines, Indonesia và Malaysia.

Triển vọng và rủi ro tiềm ẩn

Theo Stratfor, với môi trường chính trị ổn định, giá lao động vừa phải và một chuỗi cung khá ăn nhập với chiến lược của Trung Quốc có tên là Trung Quốc +1 (China Plus One), Việt Nam đã nổi lên là nước được thụ hưởng nhiều nhất khi đầu tư gia tăng đổ vào Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần phải tích cực nâng cấp các ngành công nghiệp phụ trợ và nhân lực để có thể giữ được lợi thế của mình.

Tương tự như vậy, đối với Malaysia, chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thích nghi tốt cũng đang khiến nước này có nhiều lợi thế để gặt hái lợi ích do các công ty sản xuất điện tử và máy móc chuyển từ Trung Quốc sang.

Tuy vậy, cả Việt Nam và Malaysia đều dễ bị ảnh hưởng do những rủi ro tiềm ẩn từ chính cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn, do tính thanh khoản toàn cầu kém và do các yếu tố bất ổn bên ngoài khác, bởi cả hai nước đều phụ thuộc vào thương mại, đặc biệt là với Việt Nam do còn hạn chế về khả năng bảo vệ các chính sách tài chính tiền tệ của mình.

Thái Lan, Indonesia, và Philippines đều thu hút được nhiều hơn đầu tư vào các ngành sản xuất của họ trong vòng 2 năm qua, nhưng những bất ổn về chính trị cũng có thể làm mất đi đà phát triển chỉ trong thời gian ngắn.

Mặc dù Đông Nam Á đang giành được nhiều thiện cảm của các nhà đầu tư, song tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và nhu cầu về hàng hóa của Trung Quốc trên toàn cầu giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên hầu hết các nền kinh tế châu Á. Hầu hết các nền kinh tế lớn và các nền kinh tế mới nổi ở châu lục đều dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm trước. Ảnh hưởng này cũng đặc biệt rõ rệt ở những nền kinh tế có các chuỗi cung ứng tích hợp liên hoàn như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Malaysia.

Trong bối cảnh như vậy, nếu không có giải pháp tích cực đối với cuộc chiến thương mại với Mỹ, thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục là gánh nặng đè lên vai các nền kinh tế Đông Nam Á.

Minh Khôi (Theo Stratfor)