Cách đây nhiều năm, vào một ngày đẹp trời, anh bạn chủ doanh nghiệp phân phối thiết bị kỹ thuật rủ mình đi cafe để khoe về cô nhân viên siêu sao mới vào công ty có khả năng “giải quyết mọi ca khó”. Theo anh, dù được tuyển vào phụ trách sale nhưng cô nàng không chỉ bán được cả lô hàng thuộc loại “tồn kho mất chìa khoá” mà còn thu được cả đống nợ khó đòi. Có lần cô ấy còn tranh luận cả với kế toán trưởng về cách tính chi phí bán hàng. Tóm lại, cô nàng “nhạc gì cũng nhảy được” khiến cho anh bạn hết sức cao hứng vì đỡ anh rất nhiều việc. Mình có hỏi anh “Ông sẽ làm gì với cô ấy”. Anh trả lời “Phải giao thêm việc cho người làm được việc”. “Rồi sao nữa”, mình hỏi. “Thì thăng chức, tăng lương, nếu cần chia cổ phần để giữ chứ sao?”. Mình cười hỏi “Và công ty ông sẽ có một siêu sao”. “Thì đã sao. Có nhân viên giỏi mình đỡ mà”. Ngay lúc đó, mình có cảm giác không yên tâm nhưng chưa nghĩ được ra cái gì và cũng không muốn làm ông bạn mất hứng.

Chỉ một thời gian sau, cô nàng siêu sao nhảy ra mở công ty mới phân phối cho đối thủ cạnh tranh với chính sếp cũ. Ông bạn đau đớn vì bị phản bội, trách móc cô nàng kia đủ điều. Nhưng anh không biết rằng chính anh cũng đáng trách không kém. Anh đã không lường trước được những lợi ích của anh dù khá lớn vẫn không làm cho cô nàng cảm thấy thoả mãn khi cô phải gánh hầu hết công việc của anh trước đây. Và lợi ích đó càng nhỏ bé khi cô phát hiện ra mô hình kinh doanh của anh chẳng có gì phức tạp, cô hoàn toàn có thể copy được.

Với bản thân mình, đó là bài học nhãn tiền về việc xây dựng một doanh nghiệp quá phụ thuộc vào một người. Nên từ đó mình luôn cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào các cá nhân, kể cả vào chính chủ doanh nghiệp. Có nhiều cách khác nhau để tránh hình thành các siêu sao trong doanh nghiệp. Dưới đây là một số cách mình áp dụng thấy có hiệu quả:

  1. Chuẩn hoá các đầu vào và đầu ra của công việc thông qua các quy trình, quy định, mô tả công việc.
  2. Những người làm tốt hơn sẽ được giao cải tiến quy trình, soạn thảo tài liệu đào tạo về đầu việc của mình.
  3. Ai dù giỏi đến đâu khi vào cũng phải chuẩn hoá nghiệp vụ của mình, soạn tài liệu và đào tạo người kế cận. Thẳng tay điều chỉnh những cá nhân có mong muốn làm ngôi sao, giữ miếng, che giấu kiến thức. Sếp cũng phải chủ động chia sẻ kiến thức với nhân viên. Chính mình giờ cũng không thoải mái khi thấy mình “đúng” nhiều quá trong công việc.
  4. Khuyến khích sự tin tưởng giao việc và chia sẻ lợi ích trong công ty nhằm tới mục tiêu “Không ai đi vắng có thể làm công ty đình trệ, kể cả sếp”.
  5. Phát triển mô hình kinh doanh đủ phức tạp, có nhiều rào cản ngăn chặn bị copy.
  6. Chú trọng hệ thống hơn cá nhân. Định hướng các tài năng vào việc xây dựng hệ thống hơn giữ bí quyết cho riêng mình.
  7. Xây dựng tinh thần chủ động trong công việc và đề cao lợi ích tập thể, chung tay phát triển doanh nghiệp.
  8. Chủ động giảm bớt tần suất tham gia điều hành hàng ngày của các quản lý giỏi, đẩy dần sự tự chủ cho tập thể.
  9. Tích cực áp dụng phần mềm quản lý công việc. Cá nhân không nên làm siêu sao, nhưng phần mềm thì nên chọn ứng dụng xuất sắc…

Mặc dù chủ động làm việc đó ở doanh nghiệp của mình, nhưng mình vẫn mắc sai lầm phải trả giá bằng số tiền lớn khi đầu tư vào một công ty bị phụ thuộc vào một siêu sao… xịt. Đúng là học nhiều ngu lắm nên mới có câu “Học, học nữa, học mãi”.

Nói chung, một hệ thống tốt sẽ bền vững hơn nhiều so với tập thể nhiều cá nhân giỏi nhưng không gắn kết. Một trong những lý do quan trọng là hệ thống tốt sẽ giúp cho những người mới hoà nhập còn các siêu sao sẽ khiến cho những người mới bị cô lập. Ngay cả khi chủ doanh nghiệp làm siêu sao trong công ty của chính mình cũng sẽ tạo thành rào cản cho sự phát triển. Hãy lựa chọn mô hình không siêu sao ngay từ đầu, các chủ doanh nghiệp chắc chắn sẽ thoải mái, tự do hơn với doanh nghiệp thân yêu của mình.

Hùng Đặng 

Bài viết được chia sẻ trên Facebook