Trong khi Việt Nam vẫn loay hoay với lộ trình cấm xe máy ở các độ thị lớn, thì ở nhiều nước, từ vài năm nay đã phải giải “bài toán” cấm ô tô. Ta đang hô hào học tập kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, trong việc cấm xe máy, vậy với đà này liệu sau bao năm nữa, chúng ta lại hô hào học tập họ trong việc hạn chế ô tô?

Danh sách các thành phố của Trung Quốc hạn chế xe cộ lưu thông tiếp tục nối dài: Từ ngày 18/3/2019, chính quyền thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, chính thức áp đặt quy định giới hạn ô tô tham gia giao thông các ngày trong tuần (trừ phương tiện công cộng), nhằm giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Lệnh cấm áp dụng từ 7h sáng đến 8h tối hàng ngày ở những khu vực “điểm nóng” ách tắc.

Trước đó, nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc đã công bố các biện pháp hạn chế ô tô với nhiều hình thức khác nhau, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Trịnh Châu, Thành Đô, Lan Châu …Không riêng gì Trung Quốc, nhiều nước phát triển cũng đã phải tính toán hạn chế ô tô cá nhân để giảm thiểu ách tắc và ô nhiễm.

Nhìn lại Việt Nam ta, câu chuyện cấm xe máy để hạn chế ách tắc giao thông ở thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được bắt đầu nhắc tới từ 7 năm trước. Thế nhưng đến nay, mọi ý kiến lập luận đều chưa thỏa đáng, và trên thực tế hầu như chưa có hành động cụ thể nào để giúp tăng tính khả thi và giảm tác động của việc cấm đoán này.

Với mức độ gia tăng xe ô tô cá nhân như hiện nay (năm 2018 có khoảng 300.000 xe đăng ký mới, tăng gần 6% so với năm trước đó), trong khi các vấn đề gốc rễ không được chú trọng đúng mức, như là làm tốt quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông, quản lý hiệu quả phương tiện giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông…, vậy sau bao lâu nữa chúng ta lại phải bàn chuyện cấm ô tô? Bao giờ chúng ta sẽ thôi “chạy theo đuôi” với các lệnh cấm ít được lòng dân?

Khi ban hành lệnh cấm xe máy cuối những năm 1980, Bắc Kinh dù vẫn được mệnh danh là “thành phố xe đạp” nhưng đã có hệ thống hạ tầng giao thông vô cùng phát triển: các tuyến đường vành đai thênh thang được quy hoạch rõ ràng; hệ thống cầu vượt đơn tầng hay những vòng xuyến 3-4 tầng cùng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm…) bao phủ rộng khắp.

Vài năm gần đây, các đô thị lớn của Việt Nam dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hệ thống giao thông công cộng còn xa mới đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ước tính, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 8 triệu xe gắn máy, Hà Nội là gần 6 triệu chiếc.

Chỉ cần một nửa trong số này bị cấm, ngần đó con người (chưa kể mỗi xe máy còn chở thêm 1 người nữa) trông chờ vào hệ thống giao thông công cộng như vậy liệu có khả thi, hay một cuộc khủng hoảng mới lại bùng phát?

Với tập tục sinh hoạt từ bao đời, nhất là trong những thành phố mà đường phố nhỏ hẹp, nhiều ngóc ngách như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, liệu có phương tiện nào phù hợp hơn xe máy? Đó là chưa kể, chiếc xe máy với nhiều người còn là phương tiện mưu sinh.

Chỉ cần đứng ở một cửa ngõ bất kỳ của Hà Nội vào lúc tờ mờ sáng, hay trên những con phố Sài Gòn vào bất kể khung giờ nào trong ngày, ta sẽ bắt gặp vô vàn “mảnh đời” trên những chiếc xe máy trĩu nặng, nào gánh rau củ, nào thúng xôi, nào thùng bánh mì, nào ship hàng đủ kiểu… hối hả đi vào các khu dân cư, các khu chợ dân sinh.

Đối mặt cuộc sống khó khăn người dân ắt sẽ “ló cái khôn” để xoay sở, thích ứng. Cấm xe máy, chắc chắn họ lại phải tìm phương tiện khác để mưu sinh. Liệu chắc chắn sẽ không có một sự bùng nổ khác,  như khả năng xe điện lên ngôi chẳng hạn? Không ít người đang “ấp ủ” kế hoạch “đi tắt đón đầu”, đó là mua xe đạp điện trước khi có thể tăng giá vì cấm xe máy.

Chỉ cách đây hơn 2 năm, chính quyền Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã phải ra lệnh cấm xe điện sau khi phương tiện này bùng nổ với lượng lưu thông lên tới hàng triệu chiếc. Không biết các nhà hoạch định chính sách của ta có lường trước điều này không, nếu lại “chạy theo đuôi” lần nữa sẽ là cả một sự lãng phí lớn không chỉ của người dân mà cả xã hội.

Để giải “bài toán” giao thông đô thị, vấn đề chắc chắn không phải là cấm gì hay cấm thế nào, mà là quản lý ra sao và tạo môi trường để người dân lựa chọn phương tiện thuận lợi, hiệu quả nhất.

Minh Khôi