Câu chuyện khởi nghiệp của A Phủ sau khi cùng Mỵ trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra. Từ một thanh niên không có gì ngoài vợ, anh đã làm gì để gây dựng sự nghiệp của mình? Với suy nghĩ chất phác và cái nhìn đơn giản về khởi nghiệp, liệu anh có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách để khởi nghiệp thành công?

Đi tìm nhà đầu tư

Sau khi cùng Mỵ trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra, vợ chồng A Phủ bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy biết sẽ có nhiều khó khăn nhưng cả hai cùng nhìn về một tương lai tươi sáng phía trước. Vốn dĩ là người thích kinh doanh, A Phủ bàn với Mỵ sẽ đi bắt lợn rừng về để nuôi, nhân giống, phát triển quy mô, số lượng đàn lợn, phát triển kinh tế và làm giàu từ lợn rừng.

Món này dưới xuôi anh em dân nhậu thích lắm nên có sản phẩm thì thị trường tiêu thụ ắt sẽ có. Theo như kế hoạch và mục tiêu đã đề ra thì sau ba năm, nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái, vợ chồng A Phủ sẽ giàu và soán ngôi của thống lý Pá Tra. Cặp vợ chồng trẻ tràn trề năng lượng và bắt tay vào vạch kế hoạch, lên ý tưởng cho dự án của mình: bắt con giống, nuôi, sinh sản và nhân giống lợn rừng và sau đó lên kế hoạch kinh doanh.

Sau ba ngày thức trắng, trong căn nhà tranh mới dựng, bản kế hoạch kinh doanh dài ba tàu lá chuối của Mỵ và A Phủ đã được phác thảo một cách rõ ràng, chi tiết. Ngặt một nỗi, bây giờ hai vợ chồng lại chưa có đủ tiền để thực hiện kế hoạch của mình. Không có tiền thì làm sao có mua được bẫy để bắt lợn rừng bây giờ? Trồng nương làm rẫy còn chẳng đủ ăn, thì bao giờ mới tiết kiệm được vốn để làm giàu? Trước đây tuy là người ở, nhưng A Phủ vẫn luôn đọc sách, tìm tòi, bổ sung kiến thức về làm giàu. Anh vẫn luôn mong muốn 1 ngày làm nên một cơ ngơi để cho thống lý phải sáng-mắt-ra. Anh tự nhận mình là người-khởi-nghiệp. Một từ rất thời thượng với bà con dân bản lúc bấy giờ.

Quay lại việc khởi nghiệp của A Phủ, tuy đã có kế hoạch, lộ trình rõ ràng, nhưng chưa có tiền làm vốn. Vốn là một người cá tính mạnh, anh không chịu đầu hàng số phận, A Phủ bàn với Mỵ về việc xuống xuôi gọi vốn đầu tư.

Phần vì lo sợ chồng theo gái, phần lo người dưới xuôi gian trá, chồng mình bị lừa. Lúc đầu Mỵ không chịu để A Phủ ra đi. Nhưng sự quyết tâm của anh kiến Mỵ xuôi lòng. A Phủ đi gọi vốn đầu tư với lời thề: “không theo gái, nếu theo gái sẽ bị trời chu đất diệt” và sau 2 tuần dù tìm được hay không tìm được nhà đầu tư cũng phải quay về bản với Mỵ. Mang theo bản kế hoạch kinh doanh dài ba tàu lá chuối đã phác thảo, cùng một niềm tin mãnh liệt A Phủ rời bản làng, để lại người vợ trẻ, anh xuống miền xuôi tìm nhà đầu tư cho dự án. Sau 2 ngày đường ròng rã, ăn rau rừng, uống nước suối thì A Phủ cũng đến được miền xuôi.

Mọi thứ ở đây thật tráng lệ, không giống như trong suy nghĩ của anh. Đường sá, xe cộ, nhà cửa, mọi thứ đều vượt quá tầm hiểu biết của A Phủ. Anh vừa bỡ ngỡ, vừa thích thú. Sau khi nghỉ ngơi cho lại sức, A Phủ vào ngay quán phở bên đường, bắn một điếu thuốc lào rồi gọi to và dõng dạc:

– Cho một tái chín, nhiều bánh phở.
– Dạ, anh đợi em một chút, có ngay đây ạ.

Đúng là dịch vụ dưới xuôi có khác, nhẹ nhàng, nhanh lẹ thế. A Phủ thấy lâng lâng, cảm giác lần đầu làm ông chủ nó phê quá. A Phủ càng quyết tâm khởi nghiệp làm giàu để thành ông chủ thực sự.

Sau khi ăn phở xong, không quên nhiệm vụ của mình: A Phủ tiếp tục đi tìm nhà đầu tư. Anh tiếp tục cuộc hành trình để tìm thấy người đỡ đầu cho dự án của mình(người xuôi vẫn gọi là những nhà đầu tư thiên thần).

Sau gần mười ngày gặp nhiều nhà đầu tư có tiếng, trình bày xong bản kế hoạch cho nhiều nhà đầu tư, nhưng kết quả A Phủ nhận được vẫn chỉ là một cái lắc đầu cự tuyệt. Nhà đầu tư đưa ra nhiều câu hỏi khiến cho A Phủ lúng túng, vốn tính cẩn thận, anh ghi lại nội dung mọi cuộc trao đổi, nhưng vấn đề chủ yếu như sau:

– Tôi đầu tư tiền cho cậu, lấy gì chắc chắn rằng nó sẽ sinh lãi cho tôi? – nhà đầu tư hỏi.
– Người dưới xuôi nói thế nào chứ, trong bản kế hoạch, A Phủ có trình bày rõ ràng: Năm đầu A Phủ đi bẫy, bắt lợn rừng và gây giống đàn lợn rừng, sáu tháng đầu năm thứ hai A Phủ và người dưới xuôi có lợn bán, sáu tháng cuối năm thứ hai, chúng ta hòa vốn, và từ năm thứ ba trở về sau chúng ta sẽ có lãi người xuôi à.
– Anh có chắc không?
– Chắc chắn người xuôi à?
– Anh lấy gì khẳng định điều đó?
– Lấy bản kế hoạch làm chắc chắn người xuôi à.
– Nếu tôi đầu tư cho anh, anh phải đi săn lợn rừng mệt, nguy hiểm như vậy, liệu anh có bỏ cuộc không? Nếu anh bỏ cuộc thì khoản tiền tôi rải ngân cho anh tính sao?
– Thì trong sách bảo đầu tư phải có rủi ro, người xuôi phải chịu chứ ai.
Nhà đầu tư cười nhẹ rồi hỏi tiếp:
– Vậy anh có kỹ năng, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm gì?
– Từ trước giờ A Phủ đọc sách làm giàu nhiều lắm, nên đúc rút được kiến thức, chứ kinh nghiệm thì cũng chưa có?
– Đọc sách mà giàu được thì mấy ông bà bán sách ngoài Đinh Lễ giàu hết rồi thưa anh. – Nhà đầu tư nói tiếp
– Đinh Lễ là cái gì vậy người xuôi?

Nhà đầu tư không nói gì, cười nhẹ rồi quay lưng đi… A Phủ ức chế, người xuôi mà vô văn hóa, ở trên bản là A Phủ đánh rồi. Nhưng lúc nãy đi vào thấy có mấy anh cán bộ(bảo vệ) đô con quá nên thôi, với lại trong sách cũng bảo một điều nhịn chín điều lành mà.

Quá thất vọng vì không tìm được nhà đầu tư. Số tiền trong túi cũng chỉ còn lại vài đồng. A Phủ mua hai chai lavi, ba gói hảo hảo(dự định ăn hai gói, một gói làm quà cho Mỵ) và khăn gói về bản sớm hơn kế hoạch. Anh về sớm hơn cũng một phần để kiểm tra xem Mỵ có chung thủy với anh không, có léng phéng với thằng nào trong bản không.

Về đến Phìn Sa, may quá, Mỵ vẫn giường đơn gối chiếc chờ Phủ. A Phủ liền rút gói hảo hảo trong túi quần ra tặng Mỵ, Mỵ cười tít mắt, nhìn Mỵ vui, A Phủ cũng đỡ được phần nào mệt nhọc. “Giá mà mình có nhiều tiền để ngày nào cũng cho Mỵ ăn hảo hảo” – Anh nghĩ trong đầu. Sau khi chén gói Hảo Hảo trong vòng một nốt nhạc, Mỵ hỏi A Phủ:
Sao chồng mua quà ngon cho vợ ngon thế? Có đắt tiền không? Chắc nhận được tiền của người dưới xuôi rồi à? Được bao nhiêu? Vợ chạy đi mua mấy con gà đãi hàng xóm, cảm ơn họ giúp đỡ vợ chồng mình nhé A Phủ? – Mỵ hỏi một cách dồn dập, mỗi câu hỏi như một nhát dao cứa vào tim anh. A phủ không nói gì, cúi mặt, lắc đầu và thở dài một tiếng rồi lên phản nằm. Mỵ dường như biết điều, lên nằm cạnh A Phủ, cả hai im lặng, chìm vào giấc ngủ…

Đêm hôm đó, Phủ bị chuột rút vì đi bộ nhiều, anh tỉnh ngủ, suy ngẫm lại về các cuộc nói chuyện với nhà đầu tư. Anh thấy người dưới xuôi đúng quá, đồng tiền đi liền khúc ruột, họ đầu tư để sinh lời để tiền nó đẻ ra tiền(từ bé đến giờ, A Phủ chưa thấy tiền đẻ bao giờ, nhưng hôm ăn phở nghe bà chủ quán nói thế), chứ có phải đầu tư để làm từ thiện đâu. Chẳng ai dại gì đầu tư vào một thứ mà mới chỉ có ý tưởng và kế hoạch trên giấy cả. Nhỡ A Phủ cầm tiền mua rượu hết thì sao, nhỡ A Phủ bỏ cuộc không làm nữa thì sao? Nhỡ A Phủ mua gà đãi dân bản hết thì sao? – A Phủ mỉm cười và thôi không trách họ nữa.

Mình phải tự lực cánh sinh thôi, phải chứng minh cho người dưới xuôi thấy rằng A Phủ không phải thằng cả thèm chóng chán – A Phủ tự nhủ với lòng mình. Anh lại lấy ba tàu lá chuối ra xem lại rồi thiếp đi lúc nào không biết…

Nguyễn Tiến Trung