Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo và lấy ý kiến góp ý về Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo lập hành lang pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như các chính sách khuyến khích hoạt động này. 

Để có thể khởi nghiệp thành công thì vốn luôn là điều kiện tiên quyết với bất kỳ một startup nào. Là một startup được nhà đầu tư rót vốn để phát triển việc kinh doanh, anh Đào Khánh Hiệp tin rằng hành lang pháp lý mới về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo sẽ thúc đẩy, khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư cho các dự án khởi nghiệp hơn. Nhờ đó, các startup đặc biệt là các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn để thực hiện ý tưởng của mình.

Anh Đào Khánh Hiệp – Người sáng lập thương hiệu Mama Chocolate chia sẻ: “Khi mà tôi thấy động thái này thì tôi thấy rất là mừng vì tôi tin là khi mà được Nhà nước ủng hộ thì sẽ có rất nhiều sáng tạo ở Việt Nam được phát triển hơn và nó tận dụng được nguồn tài nguyên chất xám và những người tài có nhiều đất để dụng võ hơn.”

Thực tế, trong những năm gần đây, khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài. Có thể thấy khởi nghiệp sáng tạo là cuộc chơi đa quốc gia, cuộc chơi toàn cầu. Vì vậy, mà theo anh Đinh Viết Hùng một startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các quy định về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo bên cạnh việc khuyến khích thành lập các công ty, quỹ đầu tư trong nước cũng cần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để kêu gọi nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư cho khởi nghiệp.

Anh Đinh Viết Hùng – Người sáng lập Design Bold cho biết: “Rất là nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phải đăng ký kinh doanh ở Singapore, tại Mỹ để có thể nhận đầu tư một cách nhanh chóng hơn. Rõ ràng đấy là vấn nạn có thể được coi là chảy máu khởi nghiệp và chúng ta chưa có một sự quan tâm đúng mức đến yếu tố ngoại bởi vì sân chơi khởi nghiệp là sân chơi lớn, sân chơi khu vực. Vì vậy hành lang pháp lý mà không phát triển kịp thời để đáp ứng được những mối quan hệ khá phức tạp thì khởi nghiệp Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới.”

Trong hai năm 2016 và 2017, nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp đã được xây dựng và phát triển. Việc ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện với mục tiêu nhằm khơi thông dòng vốn rõ ràng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn khách quan. Song, các startup cũng kỳ vọng các chương trình, chính sách, nghị định này khi được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Anh Đinh Viết Hùng – Người sáng lập Design Bold cho biết: “Thường các chính sách các nghị định và các văn bản pháp luật muốn đi vào cuộc sống thì cần ít nhất 1 đến 2 năm tuy nhiên khởi nghiệp là lĩnh vực rất đặc thù đó là đặc thù về thời gian. Khởi nghiệp cần việc thực thi các chính sách một cách nhanh, mạnh mẽ hơn vì rõ ràng khởi nghiệp là cuộc chơi tốc độ.”

Anh Đào Khánh Hiệp – Người sáng lập thương hiệu Mama Chocolate cho biết: “Không phải ai cũng có điều kiện để theo đuổi startup của mình, tỷ lệ thất bại cũng đang khá là cao. Khi Nhà nước đưa ra các chính sách hỗ trợ như thế này thì cần phải làm thể nào đó để mình có biểu hiện chứ không phải chỉ có biển hiệu.”

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đặt ra nguyên tắc chung trong hoạt động đầu tư giữa nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức với các công ty khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác với các hoạt động đầu tư khác. Đồng thời nhận diện nhà đầu tư là công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để Chính phủ có các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

BT – ANTV