Tuy mới manh nha ở Việt Nam nhưng các chương trình xuất khẩu startup ra toàn cầu đã được nhiều nước trên thế giới đầu tư một cách bài bản.

Ông Iswaran, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (giữa bên trái) và Hon Julie Bishop, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc (giữa, bên phải) chụp ảnh kỉ niệm Landing Pads có văn phòng tại Úc. Ảnh: KH&PT

Năm 2018, Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh đã có một quyết định hết sức mới mẻ. Dựa trên sáng kiến của chị Nguyễn Phi Vân, một doanh nhân từng có kinh nghiệm cố vấn cho Chính phủ Malaysia về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, cơ quan này đã cho ra đời chương trình Runway to the World, nhằm tuyển chọn và đưa các startup Việt Nam sang “nằm vùng” ở các quốc gia phát triển trong vài tháng, đồng thời đưa các startup nước ngoài đến Việt Nam để tìm hiểu và mở rộng thị trường.

Runway to the World (RW2TW) được điều hành bởi SIHUB (thuộc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh) và đối tác Hàn Quốc – Shinhan Future’s Lab (một bộ phận thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngân hàng Shinhan).

Các doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình này phải là những doanh nghiệp có sản phẩm do họ tự phát triển dựa trên công nghệ mới và có tiềm năng thành công trên thị trường quốc tế. Trước khi sang nước ngoài, họ sẽ phải tham gia một khóa huấn luyện kĩ năng trong vòng ba tháng.

Trong năm 2018, RW2TW đã đưa chín doanh nghiệp Việt Nam sang Malaysia và Singapore theo ba đợt:

Đợt thứ nhất diễn ra vào tháng 8 với EyeQ Tech (sở hữu công nghệ nhận dạng hành động, khuôn mặt), Gcalls (giải pháp quản lý liên lạc với khách hàng) và Boom Potty (bô đi vệ sinh cho trẻ từ 0-3 tuổi);

Đợt thứ hai diễn ra vào tháng 9 với Ami (doanh nghiệp phát triển phần cứng và phần mềm cho căn hộ, tòa nhà thông minh), Logivan (ứng dụng kết nối xe tải với hàng hóa) và Cyfeer (giải pháp quản lý tòa nhà);

Đợt thứ ba vào tháng 12 với Remittance Hub (ứng dụng chuyển tiền xuyên biên giới), BePOS (phần mềm quản lý bán hàng) và Up Up App (giải pháp quản lý hiệu suất nhân viên qua thưởng).

Chương trình này cũng đưa sáu doanh nghiệp của Malaysia, Singapore và Hàn Quốc sang Việt Nam như:

Eightcups (bình nước thông minh), Victoria Productions (xuất bản sách ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường), Myggum (sản xuất ra các thiết bị tự phục vụ ở các cửa hàng), Teleme (nền tảng kết nối giữa bệnh nhân và bác sĩ), Tagla (thiết bị theo dõi, tìm kiếm đồ vật bị mất), Build Easy (giải pháp thiết kế, xây dựng, thi công cho mọi không gian), Telepod (dịch vụ cho thuê xe trượt bằng điện để đi lại trong một khoảng cách ngắn), 42 Race (nền tảng khuyến khích mọi người tập chạy thường xuyên) và PostCo (nền tảng huy động cộng đồng vận chuyển hàng hóa).

Dự kiến trong năm nay, SIHUB sẽ thành lập liên minh với các đối tác đến từ Đức và Phần Lan.

Thành công này của Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh đã mở đường để Bộ KH&CN, cụ thể là Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC) đã thành lập một chương trình tương tự với quy mô trên cả nước, sẽ đi vào hoạt động năm nay. Chương trình quốc gia này hiện nay chủ yếu đưa các startup Việt Nam đến các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Phần lớn kinh phí vận hành đến từ chương trình này sẽ đến từ khối tư nhân, trong đó các không gian làm việc chung, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam tài trợ một phần kinh phí cho các startup nước ngoài đến đây và ngược lại, các tổ chức nước ngoài cũng sẽ hỗ trợ cho startup Việt Nam.

NATEC đã ký biên bản ghi nhớ với Enterprise Singapore, ACE, Startup Thailand, MaGIC – đều là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp lớn của Singapore, Thái Lan và Malaysia. Theo đó, trong năm nay sẽ có 10 startup từ Singapore đến Việt Nam theo chương trình này. Các startup Việt Nam được gửi sang nước ngoài vẫn đang ở vòng đàm phán.

Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam, những chương trình như RW2TW mới chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm (hiện chưa công bố kế hoạch cụ thể cho năm 2019) thì ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp được thực hiện như một chiến lược bài bản, không chỉ nhằm mục đích để doanh nghiệp sáng tạo mở rộng mạng lưới, tăng hiểu biết về thị trường toàn cầu mà còn để thu hút các nhân tài toàn cầu đến với nước họ.

Cách thức triển khai các chương trình như vậy cũng đa dạng nhằm để các startup có thể hòa nhập với môi trường mới nhanh nhất, mở rộng mối quan hệ trong thời gian ngắn nhất. Dưới đây là ba chương trình điển hình ở Úc, Singapore và Mỹ:

Landing Pads (Úc)

Landing Pads (Bến đỗ) được thành lập bởi Ủy ban Thương mại và Đầu tư của Úc (Austrade) vào năm 2016 và chỉ hoạt động theo “một chiều” là xuất khẩu các startup của Úc ra thế giới.

Theo đó, các startup được lựa chọn sẽ có 90 ngày làm việc trong những không gian làm việc chung có cung cấp chương trình tăng tốc khởi nghiệp tiếng tăm, được đặt giữa những trung tâm khởi nghiệp sáng tạo sôi động nhất trên thế giới.

Cụ thể, Landing Pads liên kết với We Work đặt tại San Francisco (nơi tọa lạc Silicon Valley) và Singapore (nằm bên cạnh Block 71, trung tâm khởi nghiệp của nước này), với SOSA – trung tâm của cộng đồng khởi nghiệp ở Tel Aviv, Israel, Betahaus ở Berlin, Đức và XNode ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Ngoài ra, Landing Pads có văn phòng và nhân lực ở tất cả các quốc gia nói trên, sẵn sàng cung cấp mọi sự trợ giúp và tư vấn mà các startup này cần: từ tiếp cận khách hàng mục tiêu, kết nối với các cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp cho đến gặp gỡ các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Cho đến giữa tháng 6 năm 2018, sáng kiến Landing Pads đã hỗ trợ 134 doanh nghiệp khởi nghiệp và đã gửi 41 doanh nghiệp khởi nghiệp đến San Francisco, 45 đến Tel Aviv, 21 đến Singapore và 13 đến Thượng Hải và Berlin.

Liên minh đổi mới sáng tạo toàn cầu Global Innovation Alliance (Singapore)

Sáng kiến này được quản lý bởi tổ chức Enterprise Singapore (một cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ Singapore), ra đời vào năm 2017. Không giống như Landing Pads, chỉ chú trọng vào các trung tâm khởi nghiệp, GIA đặt văn phòng ở cả các thành phố, quốc gia là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm công nghệ và có nguồn lao động chất lượng cao như Bangkok, Thái Lan; Bắc Kinh, Trung Quốc; San Francisco, Mỹ; Đức, Hàn Quốc.

Không chỉ đưa startup của mình ra toàn cầu để học hỏi công nghệ mới thông qua việc hợp tác với các startup bản địa, mở rộng thị trường, chương trình của GIA còn muốn đưa các sinh viên của mình thực tập tại các công ty nước ngoài.

Không tiết lộ công khai chi tiết chương trình cụ thể nhưng về tinh thần, GIA cũng không giới hạn liên kết của mình với các không gian làm việc chung hay các khóa tăng tốc khởi nghiệp mà còn với cả các hội đoàn doanh nghiệp, GIA cũng không chỉ hoạt động theo “một chiều” là xuất khẩu các startup Singapore sang nước ngoài mà cũng vẫn rộng mở cơ hội cho các startup nước ngoài hợp tác với Singapore.

Ngoài ra, các chương trình của GIA được thiết kế phù hợp với nhu cầu đa dạng của startup từ các khóa tham quan ngắn hạn đến nửa năm làm việc và học tập.

Sàn giao dịch khởi nghiệp quốc tế Atlanta (Mỹ)

Sáng kiến này được khởi xướng từ Văn phòng các vấn đề quốc tế của Thị trưởng thành phố Atlanta và Invest Atlanta – Cơ quan phát triển kinh tế chính thức của thành phố này.

Chương trình này cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nền tảng để mở rộng phạm vi toàn cầu với một chuyến đi kéo dài một tuần tại Toulouse (Pháp) và Atlanta (Hoa Kỳ) và tạo cơ hội để các doanh nghiệp thấy thành phố Atlanta và Toulouse là các địa điểm lợi cho các hoạt động quốc tế trong tương lai.

Trong quá trình trao đổi khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tham dự một hội nghị đổi mới và công nghệ hàng đầu tại quốc gia mà chương trình đi qua.

Qua đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm hiểu các cơ hội và các tài nguyên có sẵn để hỗ trợ mở rộng thị trường, gặp gỡ những nhà đầu tư, đối tác và khách hàng tiềm năng.

Kết quả là, chương trình đã cho phép 14 doanh nghiệp khởi nghiệp thiết lập các mối quan hệ và ký kết các hợp đồng với các tập đoàn lớn nhất thế giới (trong danh sách Global Fortune 500) và thiết lập quan hệ đối tác mới với các nhà lãnh đạo ngành trên toàn cầu.

Những sáng kiến trên là bằng chứng cho thấy rất nhiều quốc gia đã nhận ra rằng, một startup khó có thể lớn mạnh nếu chỉ tập trung vào phục vụ hệ sinh thái nội địa.

Theo báo cáo của Startup Genome năm 2018 (một tổ chức hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp toàn cầu), các doanh nghiệp khởi nghiệp có mối quan hệ quốc tế sẽ có tăng trưởng về doanh thu cao hơn so với những doanh nghiệp chỉ có tầm nhìn nội địa. Và Việt Nam cần thiết phải quan tâm đầu tư hơn đối với những chương trình như vậy.

Bùi Hoàng Văn – Từ Minh Hiệu (Khoa học phát triển)

Bài gốc