Theo thống kê của Dealstreetasia thì trong Quý 2/2020, các startup khu vực Đông Nam Á đã thu hút được 2,8 tỷ USD vốn đầu tư, giảm nhẹ so với con số 2,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam xếp thứ ba về số thương vụ và số vốn, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Tỷ trọng các thương vụ xếp theo quốc gia trong Quý 2/2020 (Nguồn: DSA Research & Analytics)

Tổng cộng Quý 2/2020, có 184 thương vụ đầu tư vào các startup Đông Nam Á, tăng 26% so với Quý 1 và tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông thường các startup sẽ mất từ 6-10 tháng cho một vòng gọi vốn cho nên các thương vụ trong hai quý đầu tiên của năm 2020 hầu hết đều là từ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Số lượng thương vụ và giá trị thương vụ tăng trong Quý 2 là do đại dịch làm trì hoãn việc hoàn tất các vòng gọi vốn trước đó.

“Giá trị các thương vụ sẽ giảm đi và việc các quỹ đầu tư vào các startup cũng sẽ chậm lại trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch”, ông Yinglan Tan, giám đốc điều hành của Quỹ Insignia Ventures Partners cho biết.

Thương vụ lớn nhất ở Đông Nam Á trong Quý 2/2020 là thương vụ Temasek đầu tư 500 triệu USD vào Tokopedia, tiếp theo là thương vụ của Facebook và Paypay đầu tư vào Gojek ước tính trị giá 300 triệu USD và xếp thứ ba là Ninja Van với số vốn gọi được trong vòng Series D là 279 triệu USD.

Gojek vừa được “bơm thêm” 500 triệu USD từ Facebook và Paypal

Các thương vụ vào các startup giai đoạn hạt giống vẫn tăng mạnh do nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư. TMĐT, Ed-tech và fintech chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ khi người dùng thay đổi thói quen sang trực tuyến kéo theo số lượng thương vụ trong các lĩnh vực này cũng tăng theo.

Là quốc gia đông dân nhất khu vực, Indonesia tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nhất trong Quý 2/2020, Singapore xếp thứ hai và Việt Nam là quốc gia đầu tiên dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội xếp thứ ba trong khu vực tính theo số lượng thương vụ và giá trị đầu tư.

Myanmar và Philippines cũng chứng kiến sự tăng nhẹ trong lĩnh vực fintech nhờ hai thương vụ vào hai startup là Wave Money (Myanmar) và Voyage Innovations (Philippines).

Mặc dù Quý 2 có sự gia tăng nhưng không có gì chắc chắn tình trang này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo bởi các startup và các nhà đầu tư vẫn đang e ngại về tình trạng diễn biến của đại dịch và tác động của nó lên nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Đồng sáng lập và giám đốc điều hành của quỹ East Ventures, ông Wilson Cuaca cho rằng: “tác động của Covid-19 sẽ thực sự rõ nét trong quý 3 và 4 năm 2020 vì các thương vụ trong quý 2 hầu hết đều là trước khi đại dịch diễn ra. Chúng tôi hy vọng là số thương vụ có thể giảm nhưng giá trị các thương vụ sẽ vẫn ngang hoặc tăng hơn, đặc biệt là các thương vụ vào các startup giai đoạn hạt giống”.

Các quỹ đầu tư trong khu vực cũng đã tích lũy “lương thảo” khi huy động được 1,3 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2020.

Đồng sáng lập quỹ Openspace Ventures, Hian Goh cho biết: “Nếu nhìn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm như Insignia Ventures, Jungle Ventures, Vertex Ventures và cả chúng tôi ; tất cả đều mới gọi vốn. Vì thế không cần phải cắt giảm đầu tư mà thay vì đó nên đầu tư vào đúng chỗ”.

Tú Oanh