Sống ở một đất nước đang phát triển chúng ta chứng kiến rất nhiều thứ ngổn ngang, rất nhiều bất cập. Những bất cập trong giáo dục đào tạo khiến trẻ em mệt mỏi, thanh niên học xong không có tay nghề. Những bất cập trong quản lí đô thị và giao thông khiến tắc đường kẹt xe.

Những bất cập trong nông nghiệp và thị trường khiến nông dân khó định hướng, nông sản giá trị thấp, nguồn gốc nông sản không được quản lí, tư thương ép giá. Những bất cập trong quản lí hành chính tiêu tốn thời gian, tiền của và năng lượng của nhân dân. Luôn có một nhóm dân cư nào đó rất khó tiếp cận một sản phẩm hay dịch vụ mà họ rất mong muốn. Bất cập khôn kể xiết.

Nhưng những bất cập đó lại chính là nguồn ý tưởng vô hạn cho người khởi nghiệp. Khởi nghiệp tức là nhìn ra một vấn đề của xã hội, sau đó là tự giao cho mình cái nhiệm vụ giải quyết bài toán ấy.

Ta có thể khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm đem bán, rồi thành lập một doanh nghiệp bền vững. Ta cũng có thể tạo ra một giá trị rồi gửi lại xã hội, tạo ra những tác động xã hội tích cực với tư cách cá nhân, một nhóm hoặc dưới một doanh nghiệp xã hội. Xã hội có vấn đề, tức là có cơ hội cho người khởi nghiệp.

Thông qua việc giải quyết các vấn đề của xã hội, những người khởi nghiệp vừa thoả mãn ý chí cá nhân (có khi là tiền bạc, có khi là cống hiến, có khi là cả hai, hoặc hơn nữa), vừa thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn. Đó là sự hấp dẫn rất lớn của việc khởi nghiệp.

Facebook giải quyết bài toán làm sao để dễ dàng kết nối con người với nhau và tạo lập các cộng đồng; Uber thuở ban đầu giải quyết bài toán dư thừa phương tiện và thời gian nhàn rỗi của lái xe trong khi taxi truyền thống còn nhiều bất cập; AirBnB giúp cho việc thuê được một chỗ ở khi đi du lịch trở nên dễ dàng và thú vị hơn.

Khan Academy cùng với phương thức học tập đảo ngược (FlippedLearning) ra đời vì phương thức học tập truyền thống không đủ tốt; Coursera và EDX ra đời vì nhu cầu tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao vẫn còn chưa được thỏa mãn trên phạm vi toàn cầu.

Các nhà lí luận về phương thức khởi nghiệp hiệu quả cũng không ngừng khuyên chúng ta luôn bắt đầu từ vấn đề. Trong khung tư duy của phương pháp khởi nghiệp tinh gọn, Ash Maurya, tác giả của Running Lean, khuyên chúng ta suy nghĩ thật thấu đáo về vấn đề cần giải quyết của một nhóm người cụ thể nào đó (phân khúc khách hàng), vẽ chân dung thật rõ và định nghĩa vấn đề của họ.

Thông thường việc xác định rõ đâu là vấn đề cần giải quyết cũng là việc làm rất tốn thời gian và nỗ lực. Sau đó nỗ lực đưa ra giải pháp cho vấn đề dưới dạng các dịch vụ hay sản phẩm. Để có thể bán, sản phẩm đó cần phải có điểm khác biệt, có điều gì đó duy nhất, có tính cạnh tranh.

Sau đó là hàng loạt những việc cần làm khác: làm ra sản phẩm, đóng gói nó thật tốt, tiếp thị bán hàng, chuyển giao giá trị để mang sản phẩm tới tay người dùng. Người khởi nghiệp sẽ phải cân đối tiền ra tiền vào, bán hàng để tạo doanh thu, xin tiền tài trợ từ các nguồn khác nhau, hoặc gọi thêm vốn từ nhà đầu tư để duy trì được hoạt động “giải quyết vấn đề” của mình.

Trong một phương pháp phổ biến khác trong cộng đồng khởi nghiệp là tư duy thiết kế (Design Thinking) cũng gợi ý cách thức bắt đầu từ vấn đề để kích hoạt quá trình đổi mới sáng tạo. Bạn sẽ bắt đầu bằng việc thấu hiểu và đồng cảm (Empathize) với những bất cập mà khách hàng tiềm năng đang gặp phải.

Những bất cập có thể dưới dạng những vấn đề khiến cuộc sống hoặc công việc của khách hàng không được như mong muốn (Pains) hoặc những mong muốn rất chính đáng nhưng chưa thể đạt được do giới hạn về nguồn lực hoặc công cụ.

Từ những sự đồng cảm này, bạn sẽ xác định việc cần làm, vấn đề cụ thể cần giải quyết, mục tiêu cụ thể cần đạt được. Sau đó là quá trình phát sinh ý tưởng để đạt được mục tiêu, rồi làm ra bản mẫu của giải pháp, mang đến tay khách hàng để kiểm tra sự phù hợp với nhu cầu của họ, kiểm tra xem giải pháp của mình có đúng không, có hiệu quả không. Và liệu giải pháp đấy có tiềm năng trong bán hàng và sự dụng hay không.

Bắt đầu bằng cảm thông, tức là bắt đầu với vấn đề của khách hàng và tìm kiếm sự giao thoa giữa mong muốn cá nhân người khởi nghiệp vấn đề của khách hàng. Sự sáng tạo tiếp theo sẽ hướng tới việc làm cho cuộc sống và công việc của khách hàng tốt đẹp hơn.

Khi chúng tôi bắt đầu CodeGym, đội ngũ sáng lập đồng cảm với khổ sở của các doanh nghiệp bạn bè đang làm trong lĩnh vực IT. Họ không thể tìm kiếm đủ người để đảm bảo cho sự phát triển của công ty. CodeGym cũng nỗ lực để đồng cảm với những người thất nghiệp hoặc chưa có công việc như ý.

Hàng năm chúng ta chứng kiến trên 2 vạn cử nhân thạc sỹ không có việc làm, một số lượng lớn khác đang phải làm những công việc không như ý từ lao động chân tay tới chạy xe ôm công nghệ. CodeGym ra đời là để lấp vào khoảng trống đó.

Bài toán rất đơn giản: làm sao để trong thời gian ngắn, người học (ở đây là những người đổi nghề, hoặc phải học lại từ đầu với nền tảng IT thấp) có thể có được tay nghề vững vàng, và chắc chắn có việc. Đội ngũ đã sử dụng những tri thức mình có và học hỏi để đưa ra mô hình trại huấn luyện lập trình (coding bootcamp) khả thi: học tập trung cường độ cao như đi làm trong thời gian 4 tháng; học xong chắc chắn có việc; vào thẳng doanh nghiệp và tham gia ngay vào dự án mà không cần phải đào tạo lại.

Học viện Agile lại ra đời trong một sự đồng cảm khác. Vấn đề lớn của Việt Nam là năng suất và sáng tạo. Chúng ta thường chỉ nằm ở những thứ hạng thấp trên thang so sánh về năng suất lao động hay chỉ số sáng tạo toàn cầu. Các doanh nghiệp rất khó tiếp cận với tri thức và công nghệ để gia tăng nhanh hai năng lực này.

Không có công nghệ, tri thức, kĩ năng tiên tiến, chúng ta không thể mơ có những Facebook, Google, Uber hay AirBnB của riêng mình. Các sản phẩm đào tạo của Học viện Agile là một gạch nối quan trọng.

Những tri thức hiện đại về phát triển sản phẩm và quản trị như Agile Development, Agile Leadership, Agile Management, Scrum, Lean Thinking, Lean Startup, OKRs, Design Thinking, Business Model Generetion… như những cú hích nhỏ nhưng quan trọng giúp cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển vượt bậc, doanh nghiệp lớn có thêm khả năng linh hoạt trong vận hành mô hình kinh doanh của mình (business agility).

Sự đón nhận của khách hàng chính là Học viện Agile đã giúp họ giải quyết các vấn đề mà bấy lâu nay họ không có lối ra: lập kế hoạch chưa hiệu quả, không thiết lập được mục tiêu tốt, cộng tác nhóm chất lượng không cao, không biết làm thế nào để gia tăng năng suất một cách có hệ thống, nhóm tập hợp nhiều người có tri thức nhưng lại không đưa ra được nhiều ý tưởng tốt…

Như bạn thấy, ở đâu có vấn đề, ở đó sẽ có cơ hội cho người khởi nghiệp. Tôi tin tưởng rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu các nhà khởi nghiệp luôn tư duy theo hướng như vậy. Vấn đề của xã hội, là cơ hội của doanh nhân.

Dương Trọng Tấn

Nhà sáng lập Học viện Agile và CodeGym