Khi viễn cảnh “phổ cập ứng dụng cho mọi hàng hóa và dịch vụ” bị đảo lộn bằng câu hỏi “liệu ứng dụng có cần thiết hay không?”

Đã có thời gian ứng dụng di động trở nên phổ biến đến mức nhiều người cho rằng “trong tương lai, mọi đối tượng pháp lí (như các cá nhân và các doanh nghiệp) đều có ứng dụng riêng”. Trong bối cảnh đó, ứng dụng sẽ xuất hiện dày đặc trên mạng internet như những chấm địa điểm trên bản đồ.

Thậm chí đã có những công ty khởi nghiệp góp phần tạo dựng tương lai trên. Họ viết ứng dụng giúp người dùng phổ thông… tạo ứng dụng riêng mà không phải lập trình: chỉ cần nhập một vài thông tin cơ bản, và “ứng dụng mẹ” sẽ xuất ra sản phẩm trên máy chủ đám mây; người dùng sau đó sẽ tải sản phẩm về máy của họ hoặc rủ nhiều người khác cùng sử dụng bằng cách chia sẻ đường dẫn hoặc một mã phản hồi nhanh (QR code) của sản phẩm. Những người dùng cá nhân và các doanh nghiệp sẽ có ứng dụng riêng nhằm mục đích quảng bá dễ dàng hơn mà không tốn kém về mặt kĩ thuật.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian hoàng kim của ứng dụng di động, nhiều dự đoán cho rằng chỉ trong vài năm nữa, hầu hết các ứng dụng sẽ biến mất cùng với số vốn đầu tư mạo hiểm khổng lồ mà các nhà đầu tư đã đổ vào mảng ứng dụng di động. Quá trình phát triển cũng như thực tế sử dụng hiện tại đang chứng minh các ứng dụng sẽ không “phủ sóng mọi cá nhân và doanh nghiệp” với những lí do sau đây:

1. Quá nhiều ứng dụng = Giảm hiệu năng thiết bị

Bạn hãy thử đếm xem điện thoại của mình có bao nhiêu ứng dụng? Nhiều lắm thì cũng “chỉ có”… 100 ứng dụng (không kể các ứng dụng cài sẵn và không thể xóa). Còn nữa: trong số đó, có bao nhiêu ứng dụng bạn dùng thường xuyên? Câu trả lời nhiều khả năng là “ít hơn 30”.

Vậy thì những ứng dụng còn lại hầu như không cần thiết. Đó là chưa kể việc cài quá nhiều ứng dụng còn ảnh hưởng xấu đến thiết bị của bạn: chúng gây tốn bộ nhớ, ngốn luôn cả phần cứng khi chạy nền, và liên tục đưa thông báo ngay cả khi không sử dụng – đống nghĩa với nhanh hết pin hơn.

2. Ứng dụng ngày càng phải thiết thực hơn là chỉ “cung cấp thông tin”

Các tập đoàn lớn đổ xô tạo ứng dụng ngay khi điện thoại thông minh mới xuất hiện, để rồi phải đối mặt với vấn đề duy trì và củng cố những gì họ tạo ra. Một mặt, các nhà phát triển ứng dụng phải cập nhật thông tin hoặc quảng cáo sản phẩm trên ứng dụng như họ đã làm trên trang web; mặt khác, họ phải sửa lỗi ứng dụng sau mỗi lần cập nhật hệ điều hành để đảm bảo ứng dụng hoạt động trơn tru, vừa phải cân nhắc đến các yếu tố kĩ thuật như thương hiệu máy, kiểu máy, kích cỡ màn hình,…

Trừ khi bạn là một người (hoặc tổ chức) chuyên bán lẻ hoặc phát hành nội dung và phải thường xuyên bán hàng hoặc cung cấp thông tin cho một lượng lớn độc giả, tất cả những gì bạn cần là một trang web tương thích tốt với thiết bị di động – khách hàng chỉ cần tra trên công cụ tìm kiếm (như Google) là đủ để nắm thông tin về tổ chức và sản phẩm của bạn.

3. Các ứng dụng sẽ được tích hợp với mạng xã hội hoặc nền tảng thanh toán di động

Được gọi là “thiết lập hệ sinh thái” với ý tưởng kết hợp những ứng dụng liên quan đến thói quen hàng ngày và chi tiêu với nhau, xu hướng này đã và đang diễn ra trên thế giới. Các nhà hàng và quán cà phê không còn tạo ứng dụng riêng mà sẽ liên kết với dịch vụ giao đồ ăn để duy trì đặt hàng trực tuyến, trong khi các dịch vụ giao đồ ăn thì gắn với nền tảng thanh toán di động hoặc nền tảng đặt xe để mang lại thuận tiện cho người dùng.

Kết quả: một ứng dụng chứa rất nhiều dịch vụ thỏa mãn hầu hết nhu cầu khách hàng. Đơn cử như Go-Jek – ứng dụng đặt xe phổ biến nhất tại Indonesia (và là đối tác chiến lược của dịch vụ đặt xe Go-Viet mới xuất hiện gần đây tại Việt Nam). Với nhiều người, Go-Jek là một ứng dụng đa năng: thanh toán di động, đặt xe, giao đồ ăn, và các dịch vụ khác trong đời sống.

Ấy vậy mà Go-Jek lại lấy cảm hứng từ WeChat, ứng dụng nhắn tin nhanh lớn nhất ở Trung Quốc. WeChat có mọi dịch vụ đời sống mà ta có thể nghĩ ra. Mọi doanh nghiệp thực thụ ở Trung Quốc đều có tài khoản WeChat chính thức, nơi người dùng có thể tiếp cận cả thông tin lẫn dịch vụ tương tác và giao dịch.

WeChat còn cho phép các nhà phát triển bên thứ ba tạo ứng dụng con ngay trong ứng dụng WeChat – các ứng dụng này dễ dàng đồng bộ với giao thức thanh toán và mạng xã hội của các người dùng WeChat hiện tại.

Hướng đi của WeChat đã khiến các ông lớn khác tại Trung Quốc cân nhắc làm tương tự, như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (với ứng dụng thanh toán Alipay) và hãng công nghệ Baidu (với mạng xã hội Baidu).

4. Ngay cả những ứng dụng đặc thù thành công nhất cũng sẽ kết hợp với nhau

Mọi ngành công nghiệp đều sẽ hợp nhất trong quá trình phát triển – điều này đặc biệt đúng với thế giới ứng dụng đặc thù (loại ứng dụng dành riêng cho một nền tảng hoặc thiết bị nhất định). Khi doanh thu cao đòi hỏi quy mô lớn, lượng người dùng đông đảo, tương tác liên tục, quảng bá cho ý tưởng ứng dụng mới đến mức thu hút sẽ cực kì tốn kém – dù cho ý tưởng đó hay đến đâu.

Trong tình hình hiện tại, khó khăn khi duy trì ứng dụng tỉ lệ thuận với thời gian, nỗ lực, ngân sách, thậm chí cả khi các hệ điều hành di động cập nhật – cứ mỗi lần nâng cấp phần mềm tổng của thiết bị là các ứng dụng lại ít nhiều gặp vấn đề. Vì vậy, tương lai của ứng dụng di động sẽ là viễn cảnh của sự kết hợp và thống nhất, và các ứng dụng đặc thù sẽ không còn quan trọng như trước.

Quốc Huy (Theo Medium)