Công nghệ đang làm thay đổi quá trình cung ứng, điều hành và sử dụng dịch vụ du lịch. Đó vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội cho ngành du lịch. Song muốn biến thách thức thành cơ hội, điều đầu tiên phải thay đổi nhận thức để thành công.

Toàn cảnh Hội thảo “Công nghệ du lịch và ẩm thực – Góc nhìn quốc tế”- một trong những hội thảo bên lề TechFest 2017

Trong khuôn khổ Techfest 2017 diễn ra từ 14- 15/11/2017, vấn đề phát triển công nghệ trong du lịch, cơ hội thách thức của ngành du lịch trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã được các doanh nghiệp khởi nghiệp đặt ra. Theo đó, đa số đều nhìn nhận: làn sóng công nghệ đã và đang làm thay đổi nhanh chóng hoạt động du lịch, làm thay đổi thói quen quản lý, vận hành, sử dụng dịch vụ du lịch.

Câu chuyện đặt ra, thay đổi hay là bị xóa bỏ, làm sao để thay đổi tư duy ứng dụng công nghệ trong du lịch có hiệu quả…

Làn sóng công nghệ tất yếu

Với tham luận “Ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào hoạt động quảng bá du lịch và kinh doanh online”-  Ông Nguyễn Văn Học – Giám đốc chi nhánh HCM, công ty P.A Việt Nam cho rằng: CMCN 4.0 đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt du lịch – dịch vụ và đem lại hiệu quả rất lớn.

Từng tham gia đàm phán để đưa P.A Việt Nam trở thành đối tác của Google trong mảng Marketing Online và trở thành Nhà đăng ký tên miền quốc tế trực thuộc ICANN để bảo vệ quyền lợi cho người dùng tên miền quốc tế tại Việt Nam, ông Học chia sẻ: Những câu chuyện thực tế ở Việt Nam cho thấy, vẫn còn rất nhiều rủi ro và thiệt thòi cho doanh nghiệp khi không biết tận dụng những thành tựu này. Bài học nhãn tiền về việc một số doanh nghiệp lớn đã bị mất tên miền thương hiệu như: Saigontourist.com – Sài Gòn Tourist; Hanoitourist.com – Hà Nội Tourist; Cholontourist.com – Du lịch Chợ Lớn; Vitours.com – Du lịch Việt Nam; Vinamilk.com – Công ty cổ phần sữa Việt Nam; Vinataba.com – Tổng công ty thuốc lá Việt Nam…

Đó là chưa kể hoạt động quản trị doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro do không ý thức được tầm quan trọng của bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ vào quản trị, chậm chân so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Nhìn từ góc độ quản lý, du lịch là một ngành đặc thù. Riêng với du lịch quốc tế đến Việt Nam, yêu cầu chăm sóc khách hàng từ đầu đến cuối, từ khi khách có thông tin về du lịch Việt Nam cho đến khi khách đi du lịch về nước và có phản hồi về du lịch Việt Nam phải là một quá trình hoàn tất và đòi hỏi sự hoàn hảo.

Bên cạnh đó, du lịch trực tuyến đang là xu thế tất yếu. Thị trường du lịch toàn cầu cũng đang chứng kiến sự thay đổi với sự lên ngôi của xu hướng kinh doanh du lịch trực tuyến.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh số du lịch trực tuyến trên thế giới năm 2016 tăng 13,8% và đạt giá trị khoảng 565 tỷ USD, trong đó thị trường châu Á – Thái Bình Dương vươn lên dẫn đầu thế giới về du lịch trực tuyến từ năm 2017. Tại khu vực Đông Nam Á, Google dự đoán giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.

Thị trường du lịch Việt Nam cũng đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến. Thực tế này buộc tất cả các thành phần trong ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cấp sản phẩm – dịch vụ du lịch, đều đứng trước yêu cầu phải thực hiện quá trình chuyển đối số càng sớm càng tốt, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Việt Nam.

Tận dụng công nghệ để phát triển kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Học – Giám đốc chi nhánh HCM, công ty P.A Việt Nam – thuyết trình về ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào hoạt động phát triển du lịch và dịch vụ online.

Rõ ràng, du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn và thách thức thì nhiều diễn giả vẫn bày tỏ sự kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của du lịch thông minh, du lịch số tại Việt Nam.

Đại diện Quỹ đầu tư của Hồng Kong rất lạc quan cho biết: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, đặt chân đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tôi có cảm giác rất thân thiện, mến khách, các thủ tục cấp visa, thanh toán điện tử cũng rất thuận tiện. Du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng công nghệ để phát triển, kết nối các dịch vụ với nhau bằng công nghệ như đặt phòng, di chuyển, thanh toán, tìm hiểu ẩm thực, quảng bá, truyền thông…

Ông Nguyễn Văn Học chia sẻ: hiện nay ngoài những công nghệ dịch vụ nước ngoài đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam như agoda, uber, grab… thì một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu nhận thức được cơ hội và phát triển được một số công nghệ phục vụ du lịch thông minh.

Có thể kể đến những công nghệ như: Web30s với một số tính năng hữu ích như tương thích với mọi loại thiết bị (PC, Tablet, Mobile…), hỗ trợ đa ngôn ngữ, chuẩn SEO giúp tăng hạng web, tích hợp công cụ phân tích như Google Analytics hay Google Maps, tích hợp SSL để tăng cường bảo mật cho website và tích hợp công cụ bán hàng đa kênh.

Một ứng dụng nữa có thể kể đến là Smart Live Chat: Với Smart Live Chat, nhân viên chỉ cần trả lời trên một phần mềm, khách hàng ở mọi kênh đều nhận được. Điều này giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Smart Live Chat cho phép tự động kết nối nhân viên phụ trách đúng dịch vụ khách đang quan tâm, chuyển cuộc chat cho nhân viên khác, nhận tin nhắn offline, theo dõi và quản lý khách chat và báo cáo thống kê log chat… Ngoài ra còn có Smart Marketing Tool; tổng đài ảo…

Ông Học cũng đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp startup cần chú ý đến một số giải pháp công nghệ khác như ứng dụng smartlogistics, tra cứu thông tin du lịch khi khách tham quan, tra cứu theo mã vạch, QR Code, du lịch thực tế ảo, big data…

Tuy nhiên, các đại biểu tham dự đều khẳng định, công nghệ thì ưu việt nhưng để áp dụng và triển khai được vào du lịch thông minh thì còn nhiều vấn đề đặt ra. Thách thức quan trọng nhất vẫn là thói quen điều hành, quản trị của ngành du lịch cũng cần phải thay đổi. Và cần xác định rõ, muốn thành công, không có chuyện an nhàn.

Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp truyền thống có khách hàng, có thị trường và đây là lợi thế cạnh tranh lớn nếu họ thay đổi, áp dụng công nghệ trong điều hành, quản lý. Điều quan trọng là người lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi văn hóa, nhận thức như việc sử dụng công nghệ.

Liên Cơ – Báo Khám phá