Phong trào khởi nghiệp rầm rộ nhưng vẫn chưa có nhiều startup “khỏe khoắn” vì thiếu nền tảng từ giáo dục và vai trò của doanh nghiệp dẫn dắt.

Vậy làm gì để bù đắp khoảng trống đó. Nhiều chuyên gia chia sẻ rằng, cần thúc đẩy hoạt động đào tạo về khởi nghiệp trong nhà trường và kết nối doanh nghiệp lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, làm được việc này không phải ngày một ngày hai.

Robot có chức năng giao tiếp với con người là sản phẩm khởi nghiệp của một nhóm sinh viên trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Trong ảnh: Khách tham quan ra lệnh cho robot phát nhạc bằng giọng nói tại triển lãm ở Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Xếp hạng giáo dục khởi nghiệp, TP.HCM ở vị trí thấp

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, trong vòng 2 năm qua, đơn vị đã tổ chức hàng chục đợt đào tạo kiến thức đổi mới sáng tạo cho giáo viên, học sinh các trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố. Đến nay, SIHUB đã đạt mục tiêu có 40% số trường học trên địa bàn có giáo viên, học sinh đã được đào tạo kiến thức đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Nhưng theo ông Tước, việc làm này chưa thể khiến khởi nghiệp trong nhà trường trở nên phổ biến. Ông chỉ rõ, số liệu thống kê khảo sát chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor – GEM) tại TP.HCM năm 2017, giáo dục tinh thần đổi mới sáng tạo trong nhà trường là một trong những chỉ số thấp nhất với 3,22 trên thang điểm 9.

“Điều đó cho thấy, giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường vẫn chưa thật sự được quan tâm. Khởi nghiệp phải xây dựng từ nên tảng là giáo dục, văn hóa, gắn với trường ĐH”- ông Tước nói.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, sứ mệnh của giáo dục chính là tập trung vào đào tạo và phát triển con người có tinh thần và tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Việt Nam muốn thực hiện tham vọng trở thành quốc gia khởi nghiệp phải bắt đầu từ hoạt động đào tạo.

“Dẫu biết rằng, không phải bạn sinh viên nào cũng có thể trở thành là doanh nhân. Nhưng môi trường giáo dục có thể tạo cho các bạn học tập, trải nghiệm để các bạn khởi nghiệp sáng tạo và trở thành doanh nhân”- PGS.TS Nguyễn Anh Thi chia sẻ.

Ông lý giải, trong hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐH sẽ đứng ở hai vai trò. Thứ nhất là cung cấp nguồn nhân lực có tài nằng, bằng sự đầu tư vào nguồn vốn con người với những chính sách thu hút và phát triển nhân tài.

Thứ hai, là ĐH có nhiệm vụ xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong đội ngũ sinh viên, học sinh. Quá trình đào tạo, các cơ sở giáo dục sẽ đề cao vai trò kiến tạo giá trị của doanh nhân, tinh thần cho đi trước khi nhận văn và hóa chấp nhận rủi ro trong quá trình khởi nghiệp.

“Sứ mệnh của ĐH nói riêng và giáo dục nói chung là tạo ra doanh nhân có tinh thần khởi nghiệp chứ không phải là doanh nghiệp. Các sinh viên, học sinh sẽ được tạo cảm hứng, nâng cao nhận thức, đến khám phá, trải nghiệm với dự án khởi nghiệp thật, trong môi trường thật để các bạn tìm ra con đường đi cho mình”- PGS.TS Nguyễn Anh Thi Khẳng định.

Doanh nghiệp lớn còn “thờ ơ” với khởi nghiệp

Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM tổ chức đã kết thúc mùa thứ 4. Sau 4 lần tổ chức, nhiều startup đã được quan tâm và đầu tư hàng trăm triệu đồng từ các doanh nghiệp. Hội đồng chuyên môn cuộc thi này có một số là doanh nhân công ty lớn. Ảnh: Hà Thế An.

Đứng ở góc độ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, Th.s Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM chia sẻ, nhiều bạn trẻ ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp rất có giá trị. Tuy nhiên, để ý tưởng đi vào cuộc sống quả thật vẫn còn một khoảng trống mênh mông.

Cách đây 2 năm, có một nhóm sinh viên trường ĐH Y dược TP.HCM đưa ra một giải pháp sử dụng âm nhạc để giúp các em học sinh tiểu học chải răng đúng cách. Kết quả thực nghiệm tại trường tiểu học cho thấy, học sinh đánh răng khi nghe nhạc với những nhịp phách đã được thiết kế sẵn thì các em đánh răng sạch hơn sau khi nghe.

“Tuy nhiên, do không nhận được đầu tư, hỗ trợ từ doanh nghiệp, và 2 em sinh viên này đi du học nước ngoài nên dự án không có khả năng phát triển thành một dự án khởi nghiệp. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó”- anh Thành nói.

Anh Thành đề xuất, cần có một cơ chế tài chính phù hợp theo kiểu đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ những dự án này.

Vấn đề doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn không tham gia sâu vào hệ sinh thái khởi nghiệp là điều mà các chuyên gia cùng có chung quan điểm.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp chưa thể hiện rõ. Tại những quốc gia như Hàn Quốc, Đức,…doanh nghiệp lớn đều coi trọng khoa học và công nghệ và họ sẵn sàng “đặt hàng” cho startup đưa ra các giải pháp sáng tạo.

“Còn tại Việt Nam, doanh nghiệp khi đầu tư vào startup còn chưa quan tâm đến yêu tố công nghệ đằng sau sản phẩm mà chỉ so sánh với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Yếu tố công nghệ không được coi trọng”- ông Tước thẳng thắn.

Còn PGS.TS Nguyễn Anh Thi cũng nhìn nhận rằng, tại Việt Nam không thiếu những doanh nhân thành đạt và giàu có, nhưng lại đang thiếu những doanh nhân với tấm lòng chia sẻ thật, với những giá trị thật với cộng đồng.

“Trong năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thí điểm mô hình liên kết 4 nhà gồm: nhà trường – nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học để tạo ra một hệ sinh thái có liên kết chặt chẽ, chia sẻ giá trị cho nhau. Mục tiêu của mô hình này là rút ngắn khoảng cách từ ý tưởng khởi nghiệp đến sản phẩm cuối cùng với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp”- PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết.

Hà Thế An – Khampha.vn

Bài gốc