Các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp đã được triển khai trên thực tế và có tiềm năng phát triển, đồng thời phải phù hợp để thực hiện trên địa bàn TPHCM sẽ là đối tượng được Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM tập trung hỗ trợ từ nay đến năm 2020.

Hoạt động này nhằm khuyến khích ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, giúp người nông dân trên địa bàn TP tiếp cận nhiều hơn với các mô hình nông nghiệp mới.

Tối đa 300 triệu cho mỗi mô hình

Theo đại diện Sở KH-CN TPHCM, trong năm 2018, thông qua chương trình hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, sở sẽ hỗ trợ tối đa 70% kinh phí nhưng không quá 300 triệu cho mỗi mô hình ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Khoản hỗ trợ và các hình thức hỗ trợ dựa theo bản kế hoạch và dự toán của các mô hình. Trong đó, nguồn vốn được dùng chủ yếu cho các hoạt động tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo…

Bên cạnh đó, sở sẽ kết hợp với các cơ quan và tổ chức khác chung tay hỗ trợ tối đa để các mô hình khởi nghiệp lớn mạnh. Thời gian kết thúc hỗ trợ dựa trên tiến độ phát triển mô hình.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết hội đồng đánh giá các mô hình tham gia vào chương trình là những chuyên gia trong các lĩnh vực thiết kế – chế tạo, nông nghiệp, kinh tế…

Các thành viên hội đồng này sẽ có buổi gặp gỡ để lắng nghe chủ của mô hình thuyết trình và giải đáp các thắc mắc liên quan đến quá trình thực hiện.

“Hội đồng đánh giá sẽ xác định một mô hình tiềm năng cần được hỗ trợ thông qua các tiêu chí: có ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo; đã được triển khai trên thực tế và có tiềm năng phát triển, phù hợp để thực hiện trên địa bàn TPHCM; giúp cải thiện việc canh tác và tính khả thi của mô hình khi người nông dân áp dụng”, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Một điểm mở trong chương trình là số lượng mô hình được hỗ trợ sẽ không giới hạn, miễn là chứng minh được tính khả thi. Các hồ sơ tham gia chương trình nộp trực tiếp về Sở KH-CN TPHCM (số 244 Điện Biên Phủ, quận 3 TPHCM).

Dự kiến sở sẽ công bố danh sách đợt 1 các mô hình nhận được hỗ trợ vào cuối tháng 4; 3 đợt duyệt hồ sơ còn lại trong năm 2018 sẽ diễn ra vào tháng 6, 8 và 10.

Đưa công nghệ vào sản xuất

Thông tin từ Sở KH-CN TPHCM cho biết, đến nay trong số 11 mô hình được chọn để hỗ trợ vào năm 2017 đã có 9 mô hình hoàn thành việc hỗ trợ và 2 mô hình đang được tiếp tục đầu tư để phát triển.

Trong đó, mô hình nuôi cua thương phẩm trên khuôn chứa nước làm muối, một mô hình nhận hỗ trợ của chương trình năm 2017, đã được triển khai thí điểm tại huyện Cần Giờ.

Đại diện Phòng KH-CN cơ sở (Sở KH-CN TP) cho biết, huyện Cần Giờ có điều kiện phát triển nghề làm muối nhưng nghề này chỉ có thể làm được vào mùa nắng, khi mùa mưa đến thì bỏ ruộng hoặc chỉ một số ít hộ dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Sau khi tiến hành khảo sát, sở đã đưa mô hình vào áp dụng tại 6 hộ trên xã Lý Nhơn.

Người nuôi được nhận con giống sinh sản đã được nghiên cứu và lai tạo cùng với thức ăn công nghiệp. Trong thời gian nuôi người dân cần chăm sóc và theo dõi định kỳ để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Cua được nuôi trong khoảng 3 tháng thì thu hoạch. Vụ đầu tiên cho sản lượng rất khả quan và hiện nay mô hình đang được nhân rộng ra trên nhiều hộ dân khác.

Ông Nguyễn Việt Dũng nhận định, sau hơn 1 năm thực hiện chương trình đã có thêm nhiều mô hình ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp được các cá nhân, tổ chức nghiên cứu và phát triển. Đồng thời càng có nhiều hộ dân áp dụng những mô hình mà sở đã hỗ trợ; việc cách tác và sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân cũng cho năng suất cao hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, thời gian tới sở sẽ đẩy mạnh liên kết với phòng kinh tế của các quận, huyện cùng thực hiện chương trình; khuyến khích các quận huyện đặt hàng những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với địa phương, làm cơ sở cho các cá nhân tổ chức khởi nghiệp nghiên cứu, hoàn thiện mô hình.

“Các tổ chức kinh tế địa phương còn là cầu nối giữa người nông dân và với các mô hình áp dụng KH-CN vào nông nghiệp. Người nông dân đều có khả năng trở thành đối tác của các mô hình này, thông qua đối ứng vốn, ruộng đất, cây giống,… trong quá trình áp dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo vào sản xuất”, ông Dũng kỳ vọng.

Thanh Duy – SGGP

Bài gốc