Chia sẻ với Khoa học và Phát triển dịp Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2017, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công không chỉ có ý tưởng hấp dẫn đủ để gọi vốn mà phải có sản phẩm chiếm lĩnh thị trường.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại từng ngành
Thưa ông hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang diễn ra rất mạnh mẽ tại nhiều ngành, địa phương, song dư luận đang băn khoăn về tính thống nhất trong cách thực hiện. Là cơ quan chủ trì việc xây dựng đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (đề án 844), xin ông cho biết Bộ KH&CN đã làm gì để tạo sự thống nhất trong cách thực hiện?
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 844 và giao Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối chủ trì việc này. Để triển khai, Bộ KH&CN đã chủ trì thành lập ban chỉ đạo, thành phần là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các hội ngành trung ương… Sự đầy đủ các thành phần như vậy sẽ giúp cho việc chỉ đạo, điều hành và triển khai ở từng lĩnh vực khác nhau được thuận lợi. Các thành viên ban chỉ đạo với trách nhiệm và nhiệm vụ được phân công đã chủ động triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các ngành, lĩnh vực của mình.
Hiện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên. Nhiều bộ, ngành, địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Tháp… đã thông qua chương trình kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho mình.
Trong hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, việc kết nối rất quan trọng. Chính vì vậy, đề án 844 có phần nội dung xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, sở hữu trí tuệ, chính sách, pháp luật, nguồn nhân lực, nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư, đối tác, khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, tổ chức, cá nhân, hỗ trợ tin tức, sự kiện trong nước, quốc tế và các hoạt động khác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hệ thống có thể kết nối startup với nhà đầu tư, các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp. Như vậy, những người làm khởi nghiệp có thể vào đây tìm kiếm thông tin xem có thể tham gia ở đâu để nhận được sự hỗ trợ của các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp. Qua cổng thông tin trung tâm ươm tạo cũng biết các thông tin về cơ quan quản lý để tìm kiếm sự hỗ trợ.
Trong dịp Techfest 2017, cổng thông tin khởi nghiệp chính thức ra mắt, lần đầu tiên đưa đầy đủ các kết quả nghiên cứu KH&CN, các công nghệ đã và đang được chuyển giao vào Việt Nam, kho sáng chế cả trong và ngoài nước…
Đây là địa chỉ quan trọng để các startup Việt tham khảo, học hỏi trong thời gian tới và cũng là cách để những người khởi nghiệp và người hỗ trợ họ đến gần với nhau hơn. Tôi tin đây là giải pháp quan trọng để các nhà khởi nghiệp kết nối cả trong nước và nước ngoài, giúp chúng ta phát triển hệ sinh thái một cách bền vững.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều người là một khái niệm mới. Theo ông, ngoài việc gọi được vốn, để thành công, các startup còn phải làm được những gì?
Đưa ra ý tưởng đủ hấp dẫn để kêu gọi được vốn từ các nhà đầu tư là điều rất quan trọng với các startup, nhưng quan trọng hơn nữa là sau khi đi vào hoạt động, họ phải đưa ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường và có doanh thu tốt. Như thế mới gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Nếu không làm được điều đó, chúng ta sẽ không có nguồn lực tăng thêm và không phát triển được. Thực tế chúng ta đã thấy có những nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu USD cho startup hoàn thiện ý tưởng vì họ nhìn thấy rõ ràng tương lai sản phẩm sẽ chiếm lĩnh được thị trường.
Vậy để các startup có thể chiếm lĩnh thị trường thì họ cần được hỗ trợ những gì?
Tôi cho rằng để chiếm lĩnh thị trường thành công, các startup phải có cả kiến thức và kỹ năng. Thực tế thời gian qua, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thường xuyên cung cấp thông tin trên cả hai phương diện này để hỗ trợ các startup chứ không phải họ hoạt động tự phát.
Ví dụ như Việt Nam Silicon Valley đã có toàn bộ chương trình, giáo trình được chuyển giao từ các trường đại học của Mỹ. Với các giáo trình này, chúng ta đào tạo người làm khởi nghiệp theo các mô hình của Mỹ, Israel, Phần Lan và các nước trên thế giới. Ở đây, chúng ta hấp thụ những cái tốt và phù hợp để ứng dụng vào Việt Nam.
Điều đang được các trung tâm này chú trọng là đào tạo kỹ năng cho các startup. Họ được hướng dẫn, bồi dưỡng bởi các chuyên gia giỏi, những người đã khởi nghiệp thành công. Trong phần hỗ trợ từ đề án 844, chúng tôi dành nhiều nội dung về đào tạo kỹ năng, kỹ năng của cả những người làm đầu tư và khởi nghiệp trong việc xây dựng, điều hành doanh nghiệp của mình.
Tạo hành lang để thu hút vốn
Kinh nghiệm thực tế cho thấy để có thành công của startup, cần có các quỹ đứng bên. Vậy việc xây dựng, vận hành Quỹ Đầu tư mạo hiểm quốc gia đang được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Đúng là việc ra đời và vận hành của quỹ đó có vai trò vô cùng quan trọng nên vừa qua, chúng tôi cùng với nhiều đơn vị đã đề xuất đưa nội dung này vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại điều 18 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời xây dựng nội dung hướng dẫn thành lập, quản lý và hoạt động của quỹ này để những người làm khởi nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu như không đưa được quy định này vào luật thì việc Nhà nước đầu tư vào khởi nghiệp sẽ rất khó. Nói nôm na là Nhà nước bỏ ra dù rất ít tiền hỗ trợ các doanh nghiệp thì trong bối cảnh 100 dự án thì 95 dự án thất bại, sẽ có ý kiến cho rằng tiền của Nhà nước được quản lý và sử dụng không hiệu quả. Ít ai nghĩ rằng hiệu quả của 5 dự án thành công kia sẽ bù lại còn hơn rất nhiều so với 95 dự án thất bại. Thế nhưng theo luật cũ, với 95% số dự án thất bại, ai quản lý nguồn ngân sách này, người đó sẽ vi phạm pháp luật, thậm chí có khi còn bị kết luận buông lỏng quản lý.
Hiện nay cơ chế về quỹ đầu tư mạo hiểm đang được đưa vào xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi tin là nghị định sẽ có khuôn khổ pháp lý thuận lợi. Kể từ khi luật được Quốc hội thông qua, hoạt động của các nhà đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thuận lợi hơn rất nhiều. Với các quy định cởi mở này, tôi tin là trong thời gian tới, chúng ta sẽ thu hút được nguồn vốn, tạo ra sự đầu tư từ xã hội nhiều hơn để hỗ trợ các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp.
Với những quy định đang được xây dựng, nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa được vào Việt Nam dễ dàng. Khi thoái vốn, nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài chỉ cần làm theo đúng quy định sẽ được nêu rõ trong các văn bản hướng dẫn một cách minh bạch, đóng thuế đầy đủ ở Việt Nam.
Những chính sách này đang được các cơ quan liên quan thúc đẩy nhanh. Đây sẽ là cơ sở thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài. Khi đó, các startup có thể ở trong nước để thu hút vốn. Việc sớm hình thành quỹ sẽ giúp ngăn chặn làn sóng chạy ra nước ngoài của các startup Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn thứ trưởng!
Bích Ngọc – Khoa học phát triển