Thi Anh Đào – nữ CEO trẻ của công ty tiếp thị số Isobar Việt Nam – cho rằng đang có sự nhập nhằng giữa doanh nghiệp nhỏ (SME) và startup.

“Startup” đang là từ khóa tràn ngập các sự kiện của giới trẻ ở các trường đại học, các sân chơi phong trào của sinh viên, các kênh truyền hình thực tế. Nhưng có bao nhiêu bạn trẻ thực sự hiểu về startup và liệu có nên khuyến khích giới trẻ đổ dồn làm startup?

Thi Anh Đào – CEO của Công ty tiếp thị số Isobar Việt Nam – chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online góc nhìn về câu chuyện này.

* Chị có nghĩ startup hiện nay có phải chỉ là một phong trào?

– Startup hiện nay đúng là một phong trào, nhưng phong trào không xấu bởi trước khi có thể trở nên vững mạnh, bài bản, cần bắt đầu từ một phong trào. Không thể phủ nhận startup đang tạo nên một lực đẩy, cảm hứng, không chỉ đối với người trẻ mà cả những người không còn trẻ.

Có những người cả đời làm thuê nhưng khi nhận thấy hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu hoàn chỉnh hơn, mọi người xung quanh ai cũng khởi nghiệp, họ có động lực lớn hơn để bắt đầu.

* Người trẻ có đang lầm tưởng về startup?

– Hiện nay rất nhiều bạn trẻ lầm tưởng startup là chìa khóa thành công. Truyền thông nói về câu chuyện khởi nghiệp như niềm cảm hứng, ít ai nói về góc độ đau thương của nó. Khi một người đi qua rồi, ở trên đỉnh rồi, người ta chia sẻ ở tâm thế rất khác. Các bạn sẽ không thấy được hết bức tranh mà chỉ thấy bề nổi.

Các bạn phải hiểu không phải ai cũng được trang bị năng lực để “chơi” cuộc chơi startup. Đó là thực tế. Ngay cả ở Mỹ, nơi có rất nhiều cái nôi cho startup, tỉ lệ thất bại vẫn rất lớn, tới 98%.

Một điều nữa là các bạn đã hiểu đúng bản chất của startup chưa? Không phải cứ mở công ty là thành startup. Đặc thù, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của startup là sản phẩm của họ đáp ứng một nhu cầu chưa được thỏa mãn trên thị trường, và có yếu tố công nghệ giúp mô hình đó phát triển nhanh.

Nhiều startup đưa ra sản phẩm mới trên thị trường nhưng vẫn không sống được. Đó là bởi đôi khi các bạn quá say mê với ý tưởng, quên hỏi ai sẽ mua. Công nghệ có thể rất hay, nhưng sản phẩm chào bán có thể không có giá trị vì không có nhiều nhu cầu.

* Theo chị, bạn trẻ cần startup với tâm thế như thế nào?

– Nhiều startup mong muốn thay đổi thế giới. Những startup thành công là những cái có sức ảnh hưởng về giải quyết vấn đề xã hội.

Định nghĩa về doanh nghiệp và lý do tồn tại của doanh nghiệp luôn luôn gắn liền với việc giải quyết vấn đề của xã hội, của nền kinh tế. Startup cũng vậy, nhưng startup mang tính đột phá cao hơn doanh nghiệp truyền thống.

Các bạn trẻ hãy khoan startup mà cần phải biết mình muốn cái gì, giỏi cái gì. Khoan không phải đừng làm, mà cần xác định làm với tâm thế gì. Khi bắt đầu nghĩ tới ý tưởng kinh doanh, phải biết rất rõ là mình giải quyết vấn đề gì.

Có người hỏi tôi startup quan trọng nhất là ý tưởng, vậy làm sao để có ý tưởng? Nếu một người thực sự nhìn thấy xã hội có một vấn đề chưa được giải quyết, rồi nghĩ ra giải pháp – đó là ý tưởng.

Có bạn bảo em startup vì em không hợp làm thuê, trong khi đã làm thuê ngày nào đâu mà biết. Nhiều bạn trẻ lại bắt đầu startup chỉ vì em muốn startup, em muốn làm cái gì đó vĩ đại mà không biết đó là cái gì. Tâm thế đó chưa đúng.

* Quay lại một câu hỏi cũ: chị có khuyên các bạn trẻ nên làm thuê rồi hãy startup? Khi nào thì nên startup?

– Theo góc nhìn của tôi, làm thuê hay chưa không quan trọng. Khi quyết định nhảy xổ ra để làm, nếu muốn thành công thì nói nôm na là phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhân hòa là kiến thức của mình, hiểu biết, năng lực của mình và cộng sự có đủ để doanh nghiệp thành hình hay chưa. Thiên thời, địa lợi là mối quan hệ, các nguồn lực, thị trường tại thời điểm đó có nhu cầu hay không?

Tôi thừa nhận thời điểm bắt đầu tôi cũng không nhìn được hết nhưng tôi nhìn ra được rằng mình đã làm 6 tháng, một năm, làm chung với co-founder thấy có vẻ làm được, sản phẩm được khách hàng tiếp nhận và giới thiệu. Sau vài tháng có khách hàng ổn định, thấy trong vòng một năm thấy sống cũng được.

Mỗi người có xuất phát điểm khác nhau. Nếu bạn chỉ như tờ giấy trắng, thời sinh viên chỉ biết cắm đầu học, hãy đi làm thuê. Bạn có thể startup nếu thời đi học có va chạm, hoặc khi bắt đầu startup bạn có mối quan hệ, có người đi trước giúp bạn hiểu rõ hơn những gì đang làm.

Câu chuyện vẫn quay về bạn đã có cái gì, giỏi cái gì. Bắt đầu sớm, thất bại sớm, nhận ra sớm cũng không có gì sai.

* Vậy làm thế nào để có trải nghiệm hay là biết mình muốn cái gì, giỏi cái gì?

– Có nhiều cách trải nghiệm. Thời của tôi không có mỹ từ startup. Khi mở công ty, tôi đặt những câu hỏi rất căn bản: lý do tồn tại, lợi thế cạnh tranh, giá trị mà sản phẩm của tôi mang lại cho khách hàng.

Nhưng tôi may mắn là bởi trong quá trình cố hết sức để trả lời những câu hỏi đó, tôi dần đi vào con đường tạo ra được những cái mới.

Trước khi mở công ty bản thân tôi chưa bao giờ làm thuê đàng hoàng, nhưng từ trước đó đã có làm, có va chạm, từ những dự án kinh doanh nho nhỏ, rồi dự án tham gia cùng các anh chị, và học từ đó, va chạm từ những cái đó.

* Nếu startup không phải chìa khóa thành công, bạn trẻ còn có những lựa chọn nào?

– Xã hội có những người có thể đưa ra những ý tưởng đột phá giải quyết cái này cái kia, lại có người thuần túy về sáng tạo, có người chỉ giỏi chuyên môn… Người làm startup có năng lực nhìn ra vấn đề của xã hội, biết cách kết nối những vấn đề và nguồn lực lại, tạo thành giải pháp cho một vấn đề nhất định.

Nhưng không phải ai cũng biết làm sao cho ra được sản phẩm. Người làm ra sản phẩm rồi chưa chắc biết làm sao bán, lại phải có người nghĩ ra mô hình vận hành. Lúc đó, phải có người chuyên làm sản phẩm, người vận hành… Nhưng những người như thế đâu ra nếu cả làng kéo nhau đi startup?

* Vậy thì nên hay không nên khuyến khích người trẻ startup?

– Những năm tháng tuổi trẻ, khi ngồi với nhau, họ chỉ nói mình có ý tưởng này hay quá, vui quá, mình làm đi. Chuyện đó không sai, nhưng sau khi thử vài lần phải nhận ra cuối cùng mình hợp cái gì, nên làm gì.

Tuổi trẻ phải có ước mơ, dám mơ lớn, chưa bị bỏ vào cái hộp kinh nghiệm. Nhưng lãng mạn, chân phải chạm đất. Muốn làm chơi cho vui, trải nghiệm thì cứ làm tới, chơi tới, nhưng muốn làm thành công thì chân phải chạm đất. Giống như con diều, bạn muốn bay cao bao nhiêu cũng được nhưng phải có sợi dây níu.

Elon Musk (CEO của SpaceX) mơ lớn, mơ làm du lịch vũ trụ, nhưng không phải chỉ mơ mà ông ta biết mình có nguồn lực. Tại thời điểm mơ có thể họ chưa biết cách làm, nhưng họ biết họ có nguồn lực nhất định để đi tới chỗ đó. Lãng mạn mà chân chạm đất là vậy. Phải biết mình mơ cái gì, mình có làm được không?

Startup giống như yêu một người, nói nôm na là bạn phải yêu người có khả năng yêu lại bạn, chứ nếu theo người ta cả đời mà người ta không yêu bạn, sẽ khổ lắm.

Vũ Thủy – Báo Tuổi trẻ

Bài gốc