Mặc dù không trực tiếp hoạt động tại các thị trường Đông Nam Á, song báo cáo của DealStreetAsia mới đây cho thấy hai đại gia công nghệ Trung Quốc đang nắm giữ nhiều cổ phần tại 11 ví điện tử của 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Những ví điện tử này đạt tới 150 triệu người đăng ký và đều là những thương hiệu hàng đầu tại các thị trường trong nước. Điều này giúp cho Alibaba và Tencent từng bước thâm nhập thị trường thanh toán kỹ thuật số Đông Nam Á, mà theo dự đoán của Google, Temasek và Bain & Co là tổng giá trị giao dịch sẽ nhân lên gấp hơn năm lần trong giai đoạn từ 2019 đến 2025 lên đến 114 tỷ đô la.

Trước đại dịch COVID-19, những ước tính đó có lẽ đã trở nên sai hoàn toàn. Lấy ví dụ về Grab – Siêu ứng dụng vận hành ví GrabPay trên tất cả sáu quốc gia nêu trên cho biết đã chứng kiến số lượng người dùng tiền mặt lần đầu tiên chuyển qua sử dụng GrabFood tăng lên 30% trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Trong khi Alibaba dường như có lợi thế ở Malaysia và Myanmar, Tencent lại dẫn đầu tại Việt Nam dựa trên số lượng người sử dụng ví điện tử. Cả hai đại gia có vị trí ngang ngửa ở Philippines và Thái Lan. Ở Indonesia, những người khổng lồ Trung Quốc không được ưa thích bởi siêu ứng dụng Gojek đang thống trị thị trường trong nước với ví điện tử GoPay. GoPay cũng trở nên lớn mạnh hơn với các khoản đầu tư mới từ chủ sở hữu WhatsApp Facebook và đại gia thanh toán điện tử PayPal trong tuần trước. Mặc dù Tencent cũng là nhà đầu tư vào Gojek, họ chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số và dường như có ít ảnh hưởng đến chiến lược ví điện tử của Gojek. Gojek có mối quan hệ gần gũi hơn với Facebook, đặc biệt, thúc đẩy GoPay gần với nền tảng nhắn tin WhatsApp của Facebook hơn là hệ sinh thái Tencent lên WeChat.

Trong khi đó tại Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì có 30 doanh nghiệp được cấp phép trung gian thanh toán, trong đó hầu hết là ví điện tử. Trong đó, Moca, ZaloPay và Momo chiếm hơn 90% thị phần ví điện tử ở Việt Nam.

Đầu tháng 11/2019, Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM) vào nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) của họ. Ant Financial, công ty công nghệ tài chính của Alibaba, đã âm thầm thâu tóm một lượng lớn cổ phần của ví điện tử Việt Nam eMonkey. Trước đó, sau một thương vụ mua lại hồi tháng 4/2016, Lazada – nền tảng TMĐT Top 3 Việt Nam cũng đã thuộc sở hữu của Alibaba.

Ngoài cái tên eMonkey, Tencent và Alibaba đang sở hữu cổ phần tại 5 ví điện tử khác tại thị trường Việt Nam là: AirPay, Momo, TrueMoney, ZaloPay, Grab by Moca.

Với tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam mới chỉ chiếm 14%, các startup ví điện tử vẫn đang tung các chiêu khuyến mại để thu hút thêm người dùng. Mặc dù các ví điện tử này vẫn đang hoạt động lỗ, nhưng việc các đại gia Trung Quốc không ngừng tung tiền để bước chân vào thị trường thanh toán kỹ thuật số có thể thấy những toan tính cho tương lai xa hơn.

Tú Oanh