Một số quy định đưa ra tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang lấy ý kiến được chuyên gia đánh giá là sẽ gây khó khăn cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vốn trên 300 tỷ đồng mới được phát hành trái phiếu?

Liên quan tới điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 12 Dự thảo Luật Chứng khoán đang lấy ý kiến, Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng, việc đặt ra điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu ra công chúng sẽ làm cho các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn không có cơ hội huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu ra công chúng.

“Bởi vậy, chúng tôi cho rằng nên cho phép các doanh nghiệp có vốn điều lệ thực góp từ 50 tỷ đồng trở lên là được phép chào bán trái phiếu ra công chúng”, VnDirect kiến nghị.

Bình luận về vấn đề này, TS. Vũ Bằng, nguyên chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, yêu cầu doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu là quá lớn, gây khó khăn cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Vũ Bằng cho biết, hiện nay chủ trương của Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, do chúng ta chưa đủ điều kiện nên cần có những bước cải cách và tăng cường tính minh bạch để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Ban soạn thảo nên đề cao tính minh bạch thay vì chỉ tập trung vào các điều kiện kiểm soát. Trên thị trường, có trường hợp doanh nghiệp huy động vốn nhưng sử dụng sai mục đích, tuy nhiên đây chỉ là trường hợp số ít. Nếu quy định siết chặt vấn đề này có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp”, ông Bằng nói.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo khảo sát, số doanh nghiệp quy mô vốn trên 500 tỷ đồng chiếm 1,1%, từ 200 – 500 tỷ đồng chiếm 1,2%, dưới 200 tỷ đồng chiếm 97,7%.

“Như vậy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Đây là đối tượng vẫn gặp vướng mắc về chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn. Vậy nên, quy định vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu là quá cao và thiếu cơ sở”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Siết quy định chào bán chứng khoán

Ngoài ra, Dự thảo lần này cũng siết quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, đối với các đơn vị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dự thảo luật yêu cầu mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên (cao hơn mức 10 tỷ đồng theo luật chứng khoán 2006 sửa đổi 2010) tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về tính đại chúng, tỷ lệ tối thiểu 20% vốn điều lệ được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư. Đồng thời dự thảo luật nâng yêu cầu về thời gian hoạt động có lãi của doanh nghiệp trước thời điểm chào bán cổ phiếu từ 1 năm lên 2 năm; bổ sung nội dung yêu cầu cam kết nắm giữ 2 năm đối với cổ đông lớn.

Đối với quy định này, ông Vũ Bằng cho rằng, Luật đang thắt quy định đại chúng và điều kiện phát hành riêng lẻ như vậy doanh nghiệp sẽ “không có cửa” huy động vốn.

“Nhiều doanh nghiệp muốn chào bán riêng lẻ, nhưng phạm vi chào bán riêng lẻ quá hẹp. Hiện nay, chúng ta đã mở thêm ra một số đối tượng nhưng quy định vẫn khác xa với thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp không đủ điều kiện, thua lỗ nhưng vẫn nên được phép chào bán chứng khoán để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn”, ông Vũ Bằng đề xuất.

Bổ sung cho ý kiến của TS. Vũ Bằng, TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng một trường hợp xảy ra trong thực tế đối với một doanh nghiệp Việt Nam.

“Chúng ta yêu cầu doanh nghiệp hoạt động phải có lãi. Nhưng nhiều doanh nghiệp startup có thể sẽ lỗ trong 2, 3 năm đầu hoạt động, nhưng tiềm năng cực kỳ lớn. Ví dụ VinFast, trong 5 – 10 năm đầu họ có thể chịu lỗ, nhưng về lâu dài, với tiềm năng lớn, họ có thể có lãi. Không cho phép họ huy động vốn, chào bán ra công chúng thì làm như thế nào?”, ông Lực đặt câu hỏi.

Theo Xaluan.com

Bài gốc