Không giống nhiều nước trong khu vực, Nhật Bản vẫn coi tiền mặt là “vua”.

Tại nhiều nước châu Á, việc thanh toán hàng hóa, bữa ăn hay các chuyến taxi đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều nhờ hình thức dùng điện thoại thông minh quét mã vạch. Thế nhưng Nhật Bản lại là trường hợp ngoại lệ nơi tiền mặt vẫn là “vua”. Chính vì vậy, một công ty khởi nghiệp ở Tokyo đã tuyên bố rằng họ có cơ hội cạnh tranh trên thị trường thanh toán với ứng dụng mã QR của mình.

Origami lần đầu giới thiệu dịch vụ thanh toán bằng mã QR vào cuối năm 2015 và kể từ đó họ đã liên kết với chuỗi đồ ăn nhanh KFC, công ty taxi lớn nhất Tokyo Nihon Kotsu và nhà điều hành cửa hàng tiện lợi Lawson. Nhà sáng lập Yoshiki Yasui cho biết tháng 9 vừa qua, họ đã huy động thành công 66 triệu USD để mở rộng mô hình trên toàn quốc và lên kế hoạch tăng gấp đôi số nhân viên lên 100 người.

Việc công ty thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản Rakuten, Line Corp (sở hữu ứng dụng nhắn tin Line) và Yahoo Japan xây dựng mô hình thanh toán di động như một phần của hệ sinh thái dịch vụ của họ là hoàn toàn dễ hiểu. Và Origami đang rất nỗ lực để tăng tính cạnh tranh với họ.

Ông Yasui chia sẻ để làm được điều đó, họ cần xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng. Ông tin rằng những cửa hàng từ trước đến nay chỉ có thông tin email của khách hàng sẽ sẵn sàng trả tiền để được tiếp cận với số điện thoại của họ. Ví dụ, một salon tóc sử dụng ứng dụng thanh toán của Origami sẽ có thể gửi tin nhắn cho khách hàng trước đây và thông báo về chương trình giảm giá cho lần làm tóc tiếp theo.

Ông nhận định: “Dường như đang diễn ra một cuộc chiến thanh toán di động, thế nhưng kẻ thù thực sự ở đây lại là tiền mặt. Nếu bản thân thị trường phát triển đủ mạnh thì ai cũng là người chiến thắng”.

Mã phản hồi nhanh QR có thể được quét bằng camera của điện thoại thông minh ra đời vào những năm 1990 bởi một đơn vị của Toyota Motor Corp với mục đích theo dõi các bộ phận của ô tô.

Gần 2 thập kỷ sau, khi người Nhật đi tiên phong trong các khoản thanh toán kỹ thuật số với thẻ tàu điện, họ lại chọn công nghệ tốn kém chi phí. Hơn nữa, ở một đất nước mà ví tiền đánh rơi thường xuyên được trả lại nguyên vẹn như Nhật Bản thì tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến nhất.

Còn ở Trung Quốc, mã QR lại là “kẻ thống trị”. Theo báo cáo của ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ tín dụng chỉ chiếm 20% tổng chi tiêu tiêu dùng ở Nhật trong năm 2016 so với 60% ở Trung Quốc và 89% ở Hàn Quốc.

Origami đang hướng tới mục tiêu 100.000 điểm bán lẻ đến tháng 3/2019 khi mở văn phòng bán hàng tại Osaka, Fukuoka, Nagoya và Sendai. Để thu hút người dùng, họ đã hợp tác với các công ty thẻ tín dụng và phát hành một bộ phát triển phần mềm cho phép những công ty khác thêm chức năng thanh toán di động vào ứng dụng của họ.

Công ty tài chính Toyota là một trong những nhà đầu tư trong vòng tài trợ vốn gần đây nhất của Origami vì họ muốn startup này ưu tiên phát triển cho ứng dụng của mình. Một số cổ đông khác đầu tư vào Origami là công ty tài chính JCB, Saison Card và Union Pay.

Gia Vũ – TTVN

Bài gốc