Dù có ý tưởng sáng tạo, sản phẩm độc đáo nhưng đa số các nhóm khởi nghiệp không thể hiện được thành kế hoạch kinh doanh cụ thể để thuyết phục được các nhà đầu tư.

Giỏi chuyên môn là chưa đủ

Có ý tưởng và kiến thức thực tế về trồng nấm sạch trên phụ phẩm nông nghiệp như cây lục bình nhưng Đặng Sâm Xuân Trung và các cộng sự trong nhóm sinh viên trường ĐH Nông Lâm không biết làm sao để có thể biến ý tưởng của mình thành dự án kinh doanh hoàn chỉnh. Không có kiến thức về kinh doanh khiến cho việc lập kế hoạch trở thành nhiệm vụ bất khả thi các bạn sinh viên Nông Lâm này.

Những trường hợp gặp khó khăn do thiếu kiến thức, nhân sự về kinh doanh, phát triển thị trường như nhóm của Xuân Trung gặp phải không phải là cá biệt.

Quan sát các cuộc thi khởi nghiệp trong thời gian qua có thể nhận thấy một điểm yếu chung của nhiều nhóm khởi nghiệp. Dù có ý tưởng sáng tạo, sản phẩm độc đáo nhưng đa số các nhóm không thể hiện được thành kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường để thuyết phục được các nhà đầu tư.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia đề xuất các đơn vị ươm tạo, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cần tập trung nâng cao các kỹ năng này cho các bạn trẻ.

Tại buổi lễ tổng kết chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2017 Khu vực phía Nam của Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp khu vực phía Nam (gọi tắt là Hội đồng) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng, cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp, giảng viên trong hội đồng luôn tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm, động lực và kiến thức về khởi nghiệp cho sinh viên. Đặc biệt là các sinh viên kỹ thuật, không học về kinh tế, gặp khó trong viết và trình bày dự án.”

Trở lại với câu chuyện về dự án “Trồng nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp”, Xuân Trung đại diện nhóm chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải trong quá trình triển khai dự án là việc lập kế hoạch kinh doanh, nhất là kế hoạch tài chính. May mắn là nhóm đã được các thầy cô trong hội đồng nhiệt tình chỉ bảo hướng dẫn”.

Tại buổi giao lưu và đào tạo khởi nghiệp của Hội đồng tại trường ĐH Nông Lâm tháng 5.2017, ý tưởng của nhóm đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong Hội đồng. Trong 6 tháng tiếp theo, nhóm đã được các thầy cô, chuyên gia trong Hội đồng đào tạo những kiến thức về kinh doanh. Những kiến thức đó góp phần quan trọng trong kết quả đem đến cho nhóm của  Xuân Trung giải ba tại cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017 do VCCI tổ chức.

“Chết” vì chỉ tập trung vào sản phẩm

Lucky Telecom là một dự án nhận được hỗ trợ từ chương trình Speedup 2017 của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Sản phẩm “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” của công ty cũng đã được triển khai ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Quản trị – Hành chính của công ty Lucky Telecom, chia sẻ: “Công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công việc mà nguyên nhân do phần lớn nhân sự đều là dân kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm và kiến thức về quản lý, hành chính”. Quá trình lập hồ sơ để tham gia chương trình Speedup, Lucky Telecom cũng phải dựa rất nhiều vào sự hỗ trợ của đơn vị ươm tạo.

Anh Phan Đình Tuấn Anh là đồng sáng lập của Fail Smart, chương trình về những câu chuyện, kinh nghiệm thất bại trong khởi nghiệp nên anh hiểu rõ những hạn chế của đa số các startup Việt. Anh Tuấn Anh nhận định: “Nhiều startup “chết” vì “chỉ tập trung đưa ra sản phẩm mà không thăm dò được thị trường”.

Là một doanh nghiệp đã có thành công trong thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường, Nguyễn Thuần Phác, Giám đốc công ty sản xuất đồ chơi thông minh thực tế ảo EKID cũng nhận xét, các startup vẫn đang loay hoay tìm cách đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách riêng lẻ và khó tiếp cận thị trường lớn.

Bởi vậy, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về những kiến thức trên. Anh Nguyễn Khoa Tuấn Anh, Giám đốc Lucky Telecom đề nghị các cơ quan nhà nước, đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp “phát huy hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp startup đặc biệt về mặt pháp lý, sở hữu trí tuệ cũng như các phương diện hành chính quản trị doanh nghiệp (kế toán, điều hành, tài chính…). Bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp thường sẽ không thể mạnh toàn diện nên nếu có được sự hỗ trợ mọi mặt thì cơ hội thành công sẽ cao hơn”.

Phạm Sơn – Báo Khám phá