Nhiều startup khi có ý tưởng thường chia sẻ rộng rãi cho nhiều người. Điều này rất dễ dẫn tới nguy cơ bị người khác ăn cắp ý tưởng và đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ trước.

Hơn 90% startup thờ ơ với tài sản trí tuệ

Về vấn đề này, ông David Ngô, Chủ tịch IP Group, cho rằng: “Sở hữu trí tuệ (SHTT) là giá trị lõi để phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Không chuẩn bị kỹ về pháp lý với SHTT thì startup dễ thất bại”.

Trường hợp của GotIt! là một ví dụ điển hình cho vấn đề này. Ứng dụng giáo dục này giúp người dùng (sinh viên, học sinh) tìm lời giải đáp, hướng dẫn cho các bài tập một cách nhanh chóng qua smartphone. Ứng dụng từng đứng vị trí thứ 2 ở hệ thống App store tại Mỹ.

Nhưng theo Trần Việt Hùng, sáng lập viên của GotIt!, ban đầu doanh nghiệp của anh chỉ tập trung xây dựng nhân lực và quảng bá sản phẩm mà chưa tính tới việc xác lập quyền SHTT. Rất may là anh đã kịp đăng ký SHTT trước khi bị đơn vị khác đăng ký.

Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy tính đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện đăng ký SHTT lại rất ít.

Bà Phạm Thùy Liên – đại diện Trung tâm ươm tạo DNES, cho biết tại DNES, có 100 đơn đăng ký tham gia chương trình ươm tạo nhưng 97% trong số đó chưa thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Thậm chí khi có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, nhiều startup cũng không biết làm cách nào để thực hiện điều đó.

Tại hội thảo “Pháp lý khởi nghiệp và Sở hữu trí tuệ” mới đây, anh Trần Đăng Đạt, Giám đốc công ty  TNHH Đạt Butter, cho biết: “Giá trị quan trọng nhất của chúng tôi là công thức riêng để làm sản phẩm bơ đậu phộng, nhưng tôi không biết với công thức thì nên đăng ký dưới hình thức nào và thủ tục ra sao?”.

Phát triển tài sản cố định vô hình

Liên quan đến vấn đề SHTT với startup, bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ tịch hệ sinh thái khởi nghiệp WE ECO, đã cảnh báo: “Nhiều bạn startup khi có ý tưởng thường chia sẻ rộng rãi cho nhiều người. Điều này rất dễ dẫn tới nguy cơ bị người khác ăn cắp ý tưởng và đăng ký trước.”

Do đó, bà Thảo khuyến nghị các startup phải sớm thực hiện đăng ký SHTT khi có ý tưởng khởi nghiệp. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nguy cơ startup bị đánh cắp ý tưởng rất cao trong quá trình tiếp cận nhà đầu tư.

Theo ông David Ngô, khi trình bày ý tưởng, kế hoạch kinh doanh với các nhà đầu tư, startup ít kinh nghiệm không biết giữ bí mật những điểm mới, quan trọng trong ý tưởng, mô hình kinh doanh của mình. Thậm chí nguy cơ này còn đến cả từ quá trình các startup tham gia các cuộc thi khởi nghiệp.

Trả lời câu hỏi làm sao để startup vừa bảo vệ được ý tưởng của mình, vừa thuyết phục được nhà đầu tư, ông David Ngô cho rằng giải pháp là phải thực hiện việc định giá.

“Giá trị chủ yếu của các startup là ý tưởng, tức là tài sản vô hình. Cần định giá cho tài sản trí tuệ của mình để biến đó thành tài sản cố định vô hình (tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị của nó và do doanh nghiệp nắm giữ) làm cơ sở đàm phán với nhà đầu tư. Ngoài ra, chính ban tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cũng cần phải có những hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các đội trước khi tổ chức cuộc thi”, ông David Ngô cho biết.

Một vấn đề khác mà các startup thường gặp phải là việc không tìm kiếm, kiểm tra các sáng chế đã có trước khi phát triển sản phẩm của mình. Thiếu sót này dẫn đến nhiều trường hợp đến khi doanh nghiệp đã phát triển mới phát hiện ra sản phẩm của mình trùng với những sáng chế đã đăng ký trước.

Theo các chuyên gia, các startup khi có ý tưởng nên tìm hiểu về các sáng chế tương tự đã đăng ký qua hệ thống của các tổ chức uy tín về SHTT như Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Điều này sẽ giúp các startup chọn cách mô tả, trình bày ý tưởng không đụng với các sáng chế trước và tránh được những rắc rối về pháp lý có thể xảy ra sau này.

Phạm Sơn – Báo Khám phá