Các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp Singapore trong việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á. Cùng với Indonesia và Singapore, Việt Nam hiện là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu của khu vực.


MoMo xếp thứ ba về thu hút vốn đầu tư trong các startup Fintech Đông Nam

Số vốn đầu tư vào các startup fintech của Việt Nam đã tăng vọt từ mức 0,4% trong năm 2018 lên 36% trong chín tháng đầu năm 2019. Singapore thu hút 51%, giảm từ mức 53% trong năm 2018 và Indonesia nhận được 12%, so với 37% của năm ngoái.

Ông Wong Wanyi, Trưởng nhóm FinTech tại PwC Singapore, đồng tác giả của Báo cáo về các công ty FinTech Đông Nam Á được thực hiện bởi United Overseas Bank và Hiệp hội FinTech Singapore cho biết: “Thị trường thanh toán tại Việt Nam hiện xếp hàng đầu và đây cũng là lĩnh vực hút nhiều vốn đầu tư ở các nền kinh tế đang phát triển nhờ số lượng người tiêu dùng rất lớn tại đây.”Được thúc đẩy bởi sự nền kinh tế tăng trưởng hai con số hàng năm, thanh toán kỹ thuật số dự kiến ​​sẽ trở thành phương thức thanh toán được lựa chọn cho gần một nửa các giao dịch vào năm 2025, vượt qua mốc 1 nghìn tỷ đô la khi các công ty FinTech tập trung khai thác 300 triệu người dùng trên khắp Đông Nam Á hiện chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được các tổ chức tín dụng, đầu tư và bảo hiểm.

Năm năm qua đã chứng kiến sự bùng nổ về tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup khu vực Đông Nam Á, từ mức 35 triệu đô la năm 2014 lên đến 679 triệu đô la trong năm 2018, riêng lĩnh vực FinTech trong khu vực đã đạt 1,14 tỷ đô la trong năm nay.

Singapore vẫn là cơ sở của các startup FinTech với 45% các công ty hiện có trụ sở tại đây. Các công ty FinTech có trụ sở tại Singapore cũng được phân phối đồng đều hơn trên nhiều lĩnh vực, dẫn đầu là công nghệ bảo hiểm, thanh toán và tài chính cá nhân.

Đứng hàng đầu trong việc thu hút vốn tại ASEAN là giải pháp thanh toán điện tử của VNPay với 300 triệu đô la đầu tư mạo hiểm trong năm nay. Nhà cung cấp bảo hiểm Singapore Life đứng thứ hai với 110,3 triệu đô la giao dịch, và MOMO Pay của Việt Nam ở vị trí thứ ba với 100 triệu đô la.

Nền tảng thanh toán điện tử đa quốc gia Akulaku hàng đầu của Indonesia xếp vị trí thứ năm cùng với công ty tài chính kế toán Singapore Deskera với 40 triệu đô la tài trợ. Tất cả 10 Fintech nhận được số vốn đầu tư lớn nhất đều được đặt tại Singapore, Việt Nam và Indonesia.

Thái Lan, Malaysia và Philippines cùng nhau chiếm chưa đến 2% nguồn tài trợ Fintech của khu vực, giảm mạnh từ khoảng 10% vào năm 2018. Báo cáo cho thấy sự thu hút của các công ty có trụ sở tại Việt Nam, Singapore và Indonesia đối với các nhà đầu tư.

Tại Indonesia, tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng vì ngay cả những người không có tài khoản ngân hàng cũng có thể đăng ký dịch vụ tiền điện tử bằng điện thoại thông minh và các công ty cạnh tranh để được giảm giá.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Indonesia, người dân nước này đã chi tiêu 69 nghìn tỷ rupiah tiền điện tử (tương đương với 4,9 tỷ đô la) trong bảy tháng đầu năm nay, tăng 180% so với một năm trước đó, với hai ông lớn  dẫn đầu hệ thống thanh toán điện tử là Go-Pay (của Go-Jek) và Ovo (của Lippo Group)

Dana, được hỗ trợ bởi Ant Financial, đơn vị thanh toán thương mại điện tử khổng lồ của Tập đoàn Alibaba Group Holding, cũng đang gia tăng sự hiện diện của mình như một người chơi số 3.

Hàn Mai