Thị trường chia sẻ không gian làm việc tại khu vực Đông Nam Á đã nóng lên trong vài năm gần đây với sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp dịch vụ, các khoản đầu tư lớn và hoạt động M&A.

Thông tin mới nhất làm cho không khí thị trường càng sôi động là nhà cung cấp dịch vụ không gian làm việc chung JustCo của Singapore thông báo hợp tác với quỹ đầu tư quốc gia GIC và nhà phát triển bất động sản Frasers Property. Cả ba công ty này sẽ dành khoản đầu tư lớn lên đến 177 triệu USD để phát triển các không gian làm việc chung trên khắp khu vực.

Thông cáo chung cho biết ít nhất một phần của thương vụ này liên quan đến đầu tư chiến lược của hai tập đoàn còn lại cho JustCo nhằm hỗ trợ công ty này trong giai đoạn phát triển kế tiếp ra ngoài lãnh thổ Singapore. Khoản đầu tư này cũng được sử dụng để “phát triển một nền tảng ứng dụng chia sẻ không gian làm việc” trên khắp châu Á.

JustCo đã mở những không gian làm việc chung tại Singapore, Indonesia và Thái Lan. Công ty này cho biết nguồn vốn mới cho phép họ mở rộng sự hiện diện ra khắp khu vực cũng như tăng cường các giải pháp công nghệ và cơ hội gắn kết cộng đồng cho người dùng ứng dụng.

JustCo cũng có kế hoạch mở rộng đến những thị trường xa hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc. Trong năm nay, họ đặt mục tiêu mở 30 không gian làm việc chung với những địa điểm dự kiến tại Bangkok, TP. Hồ Chí Minh, Jakarta, Kuala Lumpur và Manila.

Thời gian gần đây, nhiều tên tuổi lớn đã tham gia vào thị trường Đông Nam Á. Công ty “startup” kỳ lân Ucommune của Trung Quốc đã bắt đầu hiện diện trong khu vực và chọn Singapore là điểm đến đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái, đồng thời đầu tư chiến lược vào Công ty Rework của Indonesia vài tháng sau đó. WeWork của Mỹ vào thị trường châu Á bằng cách mua lại đối thủ SpaceMob của Singapore và Naked Hub của Trung Quốc.

Đông Nam Á có những nền kinh tế đang phát triển nhanh và năng động. Sự hỗ trợ của chính phủ và nguồn vốn đổ vào khu vực này đang tiếp thêm sức mạnh cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và đẩy nhanh sự mở rộng của môi trường chia sẻ không gian làm việc. Nhiều thương hiệu đã xuất hiện trên thị trường như Dreamplex của Việt Nam, Rework – Indonesia, The Working Capitol – Singapore.

Làm việc chung tại châu Á giờ đây không chỉ là một giải pháp bất động sản mà còn là một giải pháp kinh doanh hấp dẫn cho nhiều công ty, sẽ góp phần thay đổi, cách mạng hóa thị trường bất động sản của khu vực này.

Không chỉ có các công ty khởi nghiệp, công ty nhỏ mà theo khảo sát của hãng tư vấn Cushman & Wakefield, các doanh nghiệp lớn ở châu Á cũng bắt đầu theo bước các tập đoàn Mỹ, châu Âu – sử dụng không gian làm việc chung như một cách thu hút, giữ nhân tài và đẩy mạnh phát triển kinh doanh.

Nhu cầu từ các công ty lớn là một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy sự mở rộng phát triển của không gian làm việc chung tại nhiều thành phố châu Á trong hai năm qua.

Thực tế thì vòng đời của những công ty lớn đang ngắn đi. Sự phá vỡ một cách sáng tạo sẽ đẩy các công ty ra khỏi thị trường nếu thiếu năng động và sáng tạo.

Vì lý do này, nhiều doanh nghiệp lớn hoặc là hợp tác với các không gian làm việc chung hoặc là tự tạo ra môi trường chia sẻ không gian làm việc ngay bên trong công ty nhằm mục đích nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo đổi mới. Không gian làm việc chung tạo điều kiện cho các công ty hợp tác với nhà khởi nghiệp, chuyên viên sáng tạo và những startup.

Các nhà phát triển bất động sản cũng bắt đầu nhận ra giá trị của một không gian phối hợp nhiều mục đích. Việc đón nhận các ý tưởng chia sẻ không gian làm việc sẽ tiếp thêm sức sống cho những tòa nhà. Còn các nhà tổ chức dịch vụ chia sẻ không gian thì có thể tiếp cận không gian ngoài trời, các trung tâm fitness và không gian bán lẻ.

Đối với những dự án này, thông thường, các nhà phát triển sẽ đầu tư vào bất động sản trong khi nhà tổ chức không gian làm việc sẽ cung cấp thiết kế, công nghệ và huấn luyện. Đây là một sự trao đổi về phí quản lý và một phần lợi nhuận.

Tuy nhiên, một số nhà phát triển bất động sản lại chọn cách tự phát triển thương hiệu riêng như trường hợp CoWrks của RMZ Corp (Ấn Độ), 3Q của Soho China (Trung Quốc) và Clock In của Ayala Land (Philippines).

Các công ty tổ chức không gian làm việc chung cũng đang có xu hướng sáp nhập với nhau và tìm nhà đầu tư nhằm củng cố chỗ đứng của họ tại những thị trường đang tăng trưởng nhanh. Chiến lược này giúp họ học hỏi từ những mô hình đã vận hành tốt và cung cấp dịch vụ đa dạng.

Đây cũng là cách chống đỡ trong cuộc cạnh tranh với kế hoạch mở rộng của những gã khổng lồ. Các thương hiệu địa phương cần sự hỗ trợ của đối tác lớn hơn và ngược lại những công ty này cũng cần đối tác nhỏ hơn để bảo đảm thành công khi vào một thị trường mới.

Long Hồ – Doanhnhanplus

Bài gốc