Từ ngày 1 tháng 4, Shopee sẽ thu phí cho mỗi đơn hàng thành công sau một thời gian dài miễn phí. Từ khi Shopee thông báo, cộng đồng bán hàng đã xôn xao và dự báo sẽ tạo ra một sự biến động không nhỏ trong cộng đồng thương mại điện tử thuộc dạng lớn nhất Việt Nam này.

Mức phí Shopee quyết định thu không nhiều, 1% giá trị cho mỗi đơn hàng (2% nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng), vẫn thấp hơn mặt bằng phí của các trang thương mại điện tử khác như Lazada hay Tiki. Nhưng họ ngay lập tức vấp phải phản ứng khá mạnh từ các tiểu thương đang bán hàng trên Shopee.

Nhiều cửa hàng nói sẽ tăng giá bán, đẩy mức phí về phía khách hàng, chịu rủi ro mất khách. Một số đe dọa sẽ chuyển gian hàng của mình sang các nền tảng khác, làm sụt giảm số lượng cửa hàng trên Shopee. Một quyết định có thể gây ra mất cả khách mua lẫn người bán. Vậy Shopee toan tính điều gì với chiến lược thu phí rủi ro này?

Thứ nhất, Shopee sẽ có được một khoản doanh thu bù bớt lỗ. Shopee vào Việt Nam khá muộn, đến tận tháng 8/2016 mới chính thức ra mắt, khi thị trường Việt đã có hàng loạt ông lớn đang ngồi án ngữ sẵn như Lazada, Tike, Sendo. Và để giành giật thị phần, họ dùng bài “miễn phí bán hàng trên Shopee”.

Với chiêu này, Shopee chỉ sau 3 năm đã dẫn đầu Việt Nam về lượng truy cập. Trong quý 3/2018, Shopee trung bình đã có hơn 34,5 triệu lượt, bỏ xa vị trí thứ hai của Lazada với hơn 30,2 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Đổi lại, mỗi năm Shopee lỗ vài trăm tỉ đồng.

Đến thời điểm này, có thể thấy Shopee đã chiếm lĩnh được một thị phần khá lớn và bắt đầu phải thu phí để tăng doanh thu, bớt lỗ. Tuy nhiên, nếu so với hàng chục loại phí của Lazada hay Tiki thì mức 1% của Shopee vẫn còn là thấp. Trong khi Lazada, Tiki vẫn còn lỗ triền miên thì Shopee khó thể hi vọng có lãi với khoản thu này. Nhưng quan trọng, cái 1% đó sẽ giúp Shopee giải quyết được vấn đề thứ hai: Thanh lọc người bán hàng trên Shopee.

Đây là một ‘chiêu’ không mới của các nhà quản lý khi muốn thanh lọc các nhà cung cấp, người bán hàng trên nền tảng của mình. Cách đây khoảng gần 20 năm, Meetup là một nền tảng thông tin sự kiện đang nổi. Các nhà tổ chức đăng thông tin sự kiện lên Meetup, người dùng vào tìm kiếm những sự kiện hay ho để tham dự. Tất cả đều miễn phí.

Ban đầu, các nhà tổ chức rất hăng hái đăng tin, người dùng cũng chịu khó vào và Meetup cũng phát triển. Một thời gian sau, cùng với mức tăng trưởng của số sự kiện là các sự kiện ‘rác’, các sự kiện không nghiêm túc bắt đầu tràn lan. Các nhà tổ chức tử tế bị lấn át, người dùng chán nản vì thấy quá nhiều thông tin lung tung. Meetup có nguy cơ khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Meetup ra quyết định: Thu phí đăng tin sự kiện. Ngay lập tức, mọi người phản ứng. Các nhà tổ chức sự kiện tuyên bố bỏ Meetup. Các bài báo tiên đoán Meetup sẽ sụp đổ.

Nhưng mọi chuyện lại diễn ra ngược lại. Trước đây vì miễn phí nên mọi người tha hồ đăng tin vô tội vạ, giờ phải đóng phí nên chỉ những người tổ chức thực sự nghiêm túc mới bỏ tiền ra để đăng tin, làm cho các tin trên Meetup chất lượng hơn hẳn, lôi kéo được người dùng trung thành, tạo ra một cộng đồng bền vững đến tận bây giờ.

Tình cảnh của Shopee hiện tại cũng khá giống Meetup. Ba năm miễn phí mang lại thị phần nhưng cũng gây ra khá nhiều hệ lụy không tốt cho Shopee. Vì miễn phí nên tiểu thương mở shop tràn lan với mọi mặt hàng từ chính hãng tới nhái, từ giao dịch chính thức đến thỏa thuận mặc cả riêng khiến Shopee dường như không đủ sức để kiểm soát mọi tình huống. Đã bắt đầu có những lời phàn nàn về việc shop trên Shopee bán hàng giả, hàng nhái, giao hàng không như cam kết. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh và giá trị thương hiệu của Shopee. Đã đến lúc Shopee phải hành động.

Cũng giống như Meetup, việc thu phí vô hình trung sẽ lọc bớt những tiểu thương làm ăn chộp giật, dùng giá rẻ để lòe khách hàng. Và giữ lại được những tiểu thương làm ăn có uy tín, và đã có lượng khách hàng truyền thống ổn định, đủ doanh thu để ‘bao’ được mức phí, tồn tại được trên Shopee.

Vì thế, đây là động thái cần thiết để Shopee từng bước hoàn thiện và xây dựng uy tín, thương hiệu một cách bền vững, chắc chắn, sau một thời gian dài thả lỏng ‘loạn lạc’. Điều này chỉ thêm lợi cho người tiêu dùng của Shopee.

Hồng An (Theo Enternews)