Xe điện của Selex sẽ có kiểu dáng đẹp, hiệu năng cao, chất lượng tốt và mang đến cho người dùng trải nghiệm mới với các tính năng thông minh như định vị, dẫn đường tối ưu, chống trộm từ xa…

Mô hình thành phố thông minh trong tương lai, nơi các loại xe điện là phương tiện phổ biến.

Hạ tầng đô thị hạn chế và điều kiện kinh tế chưa cho phép, là hai nguyên nhân chính khiến Việt Nam và các quốc gia trong khu vực hình thành nên ‘văn hóa xe máy’. Tuy vậy, khi những công nghệ tiến bộ đang tạo nên cuộc cách mạng càn quét khắp thế giới và xu thế chuyển đổi sang dạng năng lượng sạch bền vững, xe máy dần trở nên lạc hậu và thua kém về nhiều mặt. Kỹ thuật của xe máy đã lỗi thời, sử dụng động cơ đốt nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Đó là chưa nói đến giá xăng là mối lo lắng của nhiều người.

Để thay thế được xe máy, ngoài hệ thống giao thông công cộng phủ khắp thì cần thiết hơn cả vẫn là một phương tiện giữ được nét văn hóa xe hai bánh và thân thiện với môi trường. Mặc dù xuất hiện từ hơn 10 năm trước, xe điện ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại là một phương tiện rẻ tiền, chất lượng thấp, tập trung vào thị trường sinh viên hay phụ nữ nội trợ.

Đứng trước tình hình đó, Selex – startup đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu, phát triển xe máy điện thông minh hoàn chỉnh từ A-Z, đã lên kế hoạch cho ra đời dòng sản phẩm xe điện chất lượng cao, đáp ứng được phân khúc từ tầm trung đến cao cấp. Không chỉ có kiểu dáng đẹp và bắt mắt mà loại xe này còn có hiệu năng hoạt động cao cùng hàng loạt tiện ích thông minh.

“Với đội ngũ chất lượng, có nhiều kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi làm chủ thiết kế toàn bộ chiếc xe từ kiểu dáng, cơ khí, điện-điện tử cho tới phần mềm. Các thiết kế, công nghệ của chúng tôi đều theo xu thế công nghệ mới nhất trên thế giới dựa trên nền tảng vi mạch và sẽ được đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong nước và quốc tế”, Ts. Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex, tự tin cho biết.

100 km cho mỗi lần sạc

Mối bận tâm lớn nhất của người dùng khi sử dụng xe điện, đó là thời gian vận hành không nhiều cho mỗi lần sạc, trong khi thời gian để sạc đầy pin thì quá lâu. Ngoài ra, nếu chẳng may bị hết pin khi đang lưu thông trên đường, thì người sử dụng chỉ có thể dẫn bộ về nhà hoặc sạc nhờ ở đâu đó.

Mạch hệ thống quản lý pin được thiết kế bởi Selex.

Với viên pin lithium ion dung lượng lên đến 3 Kwh, dòng xe của Selex sẽ đánh tan nỗi lo của người dùng khi xe có thể chạy liên tục đến 100 km cho mỗi lần sạc. Theo TS Nguyên, pin lithium ion là loại pin thông dụng nhất hiện nay cho các dòng xe điện trên thế giới như Tesla, Nissan, GM, Zero Motorcycles, Gogoro, Ather Energy…

Ưu điểm của pin lithium ion là có sự kết hợp tốt nhất giữa các yếu tố thường mâu thuẫn nhau đó là mật độ năng lượng, hiệu năng, tuổi thọ, độ an toàn và giá thành. Các dòng xe điện hiện tại ở Việt Nam chủ yếu sử dụng ắc quy axit chì, có công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng pin lithium ion để tiếp cận với công nghệ mới và xu thế của tương lai.

Selex cũng phát triển hệ thống quản lí pin thông minh có thể tính số lần sạc xả, lưu thông tin và phân tích thói quen của người sử dụng để tối ưu quá trình sạc xả. Ví dụ, có thể sạc nhanh khi điều kiện cho phép: nhiệt độ pin phù hợp, pin còn mới hoặc hẹn giờ sạc vào ban đêm khi giá điện rẻ.

“Ngoài ra, để tránh tình trạng người dùng phải sạc pin quá lâu trước khi có thể sử dụng tiếp tục, Selex mạnh tay xây dựng các trạm đổi pin ở dọc đường. Với 20 viên pin luôn được sạc đầy tại mỗi trạm, người dùng có thể ghé qua để đổi pin rồi tiếp tục lưu thông mà không gặp bất cứ trở ngại gì”, CEO Selex, nhấn mạnh.

Không chỉ chạy điện mà còn rất thông minh

Trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xe không chỉ là phương tiện để chở người và chở hàng, mà còn là một phần trong hệ thống Internet vạn vật, kết nối mọi thứ với nhau qua mạng internet giúp cuộc sống trở nên tiện nghi và dễ dàng hơn.

Đại diện Selex giới thiệu giải pháp kỹ thuật của mình với hội đồng chuyên môn.

Được trang bị hàng loạt hệ thống thông minh như định vị, dẫn đường tối ưu, chống trộm từ xa, bảo hành thông minh…, người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với xe, nhằm quản lý tốt hơn và biết được tình trạng hiện tại của phương tiện.

Với các cảm biến điện tử thông minh và các kết cấu cơ khí đặc biệt để phát hiện việc mở pack pin tại trạm đổi pin, người dùng sẽ không lo về nguy cơ bị lộ thông tin sau mỗi lần đổi pin hoặc đổi pin giả. Pin giả sẽ không thể trà trộn vào hệ thống, và đây cũng là thách thức rất lớn mà Selex đã giải quyết được.

Ngoài lĩnh vực xe máy điện ra, các thiết kế và công nghệ của công ty còn có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như ô tô điện, hệ thống lưu trữ năng lượng mặt trời, điện gió, thiết bị IoT…

“Chiếc xe máy điện thông minh của chúng tôi về bản chất là một thiết bị IoT cho phép người dùng kết nối với internet và điện thoại. Do đó các công nghệ phát triển cho chiếc xe đều có thể áp dụng cho các lĩnh vực có ứng dụng IoT  khác trong giao thông, nhà ở, nông nghiệp…”, anh Nguyên cho biết thêm.

Hiện tại, startup này đã hoàn thiện sản phẩm mẫu phiên bản 2. Xe đã được chạy thử nghiệm ổn định ở trên đường nội thành.

Mẫu này hoàn toàn do Selex làm chủ thiết kế, chế tạo toàn bộ từ kiểu dáng, khung vỏ cơ khí, hệ thống quản lý pin, đóng gói pin, hệ thống điện tử trên xe, phần mềm quản lý, điều khiển xe. Các thành phần tiêu chuẩn khác như phanh, bánh, vành, đèn, còi..  được mua từ các hãng cung ứng khác. Các mạch điện tử nhiều lớp (4 lớp) được Selex thiết kế và đặt các công ty trong nước in.

“Bước tiếp theo, chúng tôi khảo sát phản hồi của khách hàng và nhà đầu tư về xe mẫu. Trên cơ sở các phản hồi này, chúng tôi sẽ thiết kế và chế tạo phiên bản 3 của xe, hướng tới sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối 2019”, Ts. Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO Selex, tiết lộ.

Rõ ràng, khi sự tiện lợi của xe máy vẫn còn là mối quan tâm lớn của người dân nhưng trước những xu hướng công nghệ mới, thì xe điện thông minh chính là nhân tố tiên phong mở màn cho cuộc cách mạng giao thông xanh ở Việt Nam.

Chia sẻ những khó khăn khi thực hiện dự án, anh Nguyên cho biết, công ty cần thêm nguồn vốn để phát triển nhanh hơn nữa, tuy nhiên hiện các nguồn vốn hỗ trợ cho khới nghiệp của Chính phủ (như NATIF, SMEDF) đang vướng về cơ chế giải ngân do chờ hành lang pháp lý hoàn thiện. Vay vốn từ ngân hàng thì cần tài sản thế chấp, trong khi kêu gọi đầu tư mạo hiểm thì là một quá trình lâu dài, đòi hỏi công ty đạt đến một độ chín muồi nhất định.

Ngoài ra, đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn, sẽ có nhiều đối thủ trong và ngoài nước tham gia. “Đây sẽ là một khó khăn lớn. Tuy nhiên với những lợi thế nêu trên, chúng tôi tự tin sẽ khắc phục được khó khăn này”, CEO Selex cho hay. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp còn nhỏ, chưa có tên tuổi nên việc tiếp cận với các đối tác lớn còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại dự án Selex đang hoàn tất hồ sơ đăng ký tham gia đề án “Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt” giai đoạn 2017-2020 của TP.HCM.

Phương Thảo – Khampha.vn

Bài gốc