Thay vì sử dụng đồng hồ điện, hóa đơn giấy, một nhóm bạn trẻ đã tạo ra ứng dụng “quản gia ảo” có thể giúp người dùng tiết kiệm điện, thanh toán hóa đơn nhanh chóng, chính xác.

Ý tưởng rất thực tế này đã giúp nhóm Ami (TP.HCM) giành giải nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2017 do Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức mới đây.

Lê Hoàng Nhật (29 tuổi), Giám đốc đồng sáng lập Công ty cổ phần trí tuệ nhân tạo Ami, cho biết trước khi thành công với dự án khởi nghiệp này, Nhật đã gặp không ít thất bại do khó khăn về nguồn vốn, nhân lực… Nhật phải vừa đi làm, vừa đi dạy thêm để “nuôi” giấc mơ khởi nghiệp.

“Ý tưởng xây dựng phần mềm quản gia ảo đến rất tình cờ, khi tôi thấy những người quản lý nhà cho thuê và người thuê nhà gặp khó khăn trong tính toán số lượng điện năng tiêu thụ. Người thuê nhà không biết số điện mình dùng bao nhiêu, dùng có tiết kiệm, an toàn hay không.

Dưới góc nhìn của một người làm phần mềm, tôi nghĩ mình có thể giải quyết vấn đề này. Trong quá trình bắt tay vào làm, tôi nhận thấy nhiều cơ hội mở ra, giúp việc quản lý nhà thuê hiệu quả hơn”, Nhật chia sẻ.

Cùng những bạn trẻ thế hệ cuối 8X, đầu 9X đồng chí hướng, đam mê công nghệ, Nhật đã lập dự án Ami – ngôi nhà thông minh dành cho người Việt. Đây là xu hướng mới ở VN và được đánh giá rất tiềm năng.

Những công nghệ mà nhóm nghiên cứu và phát triển như: các thiết bị kết nối internet để thu thập và kiểm soát thông tin về điện; trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu lớn, trích xuất và tạo ra những thông tin có giá trị cao; chuỗi khối để thực hiện những giao dịch hợp đồng thông minh, nhanh và bảo mật tuyệt đối.

Nhật cho hay Ami giúp ứng dụng công nghệ vào đời sống một cách thực tế hơn. Chỉ cần cài phần mềm, ứng dụng sẽ kết nối trực tiếp người thuê với chủ nhà. Hệ thống này cho phép người dùng theo dõi, quản lý các thiết bị điện, kiểm soát lượng tiêu thụ điện năng. Đặc biệt, ứng dụng còn có chức năng cảnh báo rủi ro sự cố điện hướng tới sử dụng điện an toàn.

Nhật cho biết: “Hầu hết sự cố cháy nổ là do hành vi dùng điện không đúng liên quan đến tắt điện, rò rỉ hoặc chập cháy điện… Nếu kiểm soát được điện liên tục, chúng ta có thể báo cho chủ nhà biết tránh những rủi ro về điện. Cũng giống như quản gia, ứng dụng còn giúp người dùng quản lý tài chính, tính toán tiền điện dùng trong tháng hoặc tự cài đặt mục tiêu dùng điện”.

Ngoài những ưu điểm trên, thay vì sử dụng hóa đơn giấy, ứng dụng còn giúp nhận hóa đơn điện tử và đặt lịch thanh toán để nhắc người dùng không trễ hẹn.

“Sản phẩm này có thể thay thế đồng hồ điện hiện tại, tương lai đồng hồ cơ sẽ được thay thế bằng đồng hồ điện tử thông minh kết nối internet giúp người dân sử dụng điện tiết kiệm hơn”, Nhật cho biết.

Hiện tại nhiều đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài quan tâm, muốn hỗ trợ để Ami tiếp cận với nguồn vốn và thương mại hóa sản phẩm.

“Hiện sản phẩm trong quá trình hoàn thiện, giá sản xuất ước chừng 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Để triển khai thực hiện cần nguồn vốn khá cao, tôi dự trù khoảng 4 tỉ đồng. Trong năm 2018, chúng tôi sẽ đăng ký bảo hộ trí tuệ ở trong nước và nước ngoài; đăng ký tem chứng nhận sản phẩm của bên điện lực”, Nhật nói.

Chia sẻ bí kíp khởi nghiệp, Nhật bộc bạch: “Khởi nghiệp không đơn giản là mở ra một điều gì đó để làm, để kinh doanh, mà phải làm theo cách khác biệt, khả năng tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, giúp con người và thế giới phát triển. Nếu các bạn đang ấp ủ ý tưởng nào đó và tin có thể làm được thì hãy bắt tay vào làm với một tinh thần không sợ thất bại, dám theo đuổi thành công đến cùng”.

Thu Hằng – Báo Thanh niên