Thực tế thời gian qua, nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể triển khai thành công do thiếu thị trường đầu ra hoặc không thu hút được nhà đầu tư chiến lược. Do vậy, kết nối cung – cầu trong khởi nghiệp là bài toán cần “hóa giải” để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững.

Bài 3: Tạo chuỗi kết nối cung – cầu

Chủ động đổi mới – kết nối với startup

Không chỉ các startup, hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng hơn đến đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, do thiếu nguồn lực, cả về kinh phí và nhân lực, nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không tự đổi mới để phát triển được.

Theo bà Nguyễn Kim Hạnh, Giám đốc Công ty quốc tế Kim & Kim, trong hoạt động đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp Việt, cần có sự thay đổi nhận thức triệt để, chuyển từ mô hình sản xuất giá rẻ sang xu hướng sản xuất sản phẩm giá trị cao. Thông qua việc ứng dụng công nghệ và đầu tư nghiên cứu mạnh cho năng lực R&D (nghiên cứu phát triển), sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có nhiều giá trị thực sự như giá trị biểu trưng, giá trị kết nối, giá trị mối quan hệ…

Với kinh nghiệm 11 năm điều hành startup, bà Nguyễn Kim Hạnh cho rằng, nếu chỉ nghĩ đến sự tồn tại thì doanh nghiệp sẽ không thể nào tăng trưởng do thiếu định hướng quản lý phù hợp, hay nếu có tăng thì cũng sẽ “đến ngưỡng” nhất định. Khi tư duy không đủ lớn theo kịp sự phát triển, người điều hành nên tính đến chuyện chuyển đổi hoặc chuyển giao doanh nghiệp sang cho đối tác có kinh nghiệm nhiều hơn. Nếu không có nền tảng công nghệ để quản lý và điều hành sản xuất thì không thể tiến xa được.

Nhằm ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất – kinh doanh, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Trí Nguyễn (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đang “đặt hàng” các kỹ sư công nghệ một phần mềm kết nối người nông dân với các nhà bán lẻ, người tiêu dùng cuối. Theo ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Trí Nguyễn, hiện người nông dân đã sản xuất được sản phẩm tốt, chất lượng cao nhưng thường bị thương lái ép giá. Điều này khiến cả người sản xuất và người tiêu dùng không được hưởng mức giá phù hợp, nên một “giải pháp” công nghệ tốt sẽ giải quyết vấn đề này.

Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty tư vấn công nghệ PAT cho rằng, đổi mới sáng tạo không phải là thứ cao siêu. Hiện nay, doanh nghiệp có thể ứng dụng các nền tảng của công nghệ thông tin để nâng cao hoạt động của mình. Từ những việc làm nhỏ như thế sẽ tạo lập tư duy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, để hoạt động của họ được tốt hơn. Doanh nghiệp có thể chủ động tìm đến các startup công nghệ để “đặt hàng”, mang lại lợi ích cho cả hai.

Tạo liên kết cung – cầu

Trước nhu cầu phát triển và tăng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh đã tìm đến các startup công nghệ. Trang trại rau sạch Tám Khỏe (quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang sử dụng chế phẩm tự nhiên như ớt, gừng… để phun diệt sâu bệnh theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh, trang trại có nhu cầu lớn về trang bị công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phạm Công Chính, Chủ trang trại Tám Khỏe, đối với những trang trại lớn, nông dân muốn có những công nghệ kiểm soát sâu bệnh tốt hơn. Có thể tính đến hệ thống cảm biến tích hợp báo cáo tình hình sâu bệnh theo mùa, loại sâu bệnh và liều lượng cần thiết để phun thuốc tự nhiên nhằm giảm bớt nhân công và theo dõi tình hình trang trại tốt hơn. Doanh nghiệp muốn liên kết với các startup công nghệ để tìm giải pháp phù hợp, có thể thí điểm ngay tại trang trại.

Chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) chia sẻ, một trong những băn khoăn hiện nay là niềm tin chưa đủ lớn giữa bên bán giải pháp (startup công nghệ) và bên mua giải pháp (doanh nghiệp), điều này tạo khoảng cách giữa đôi bên. Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn từng ngày muốn có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất của mình, tìm kiếm giải pháp mới, sáng tạo để trụ vững và bứt phá, trong khi startup công nghệ vẫn loay hoay tìm bài toán thuyết phục, thử nghiệm và bán giải pháp.

Trước nhu cầu kết nối giới khởi nghiệp công nghệ và “nhà nông”, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam (DAA), Diễn đàn Kinh tế Tư nhân và Trung tâm BSSC đã triển khai Chương trình “Business Matching – Kết nối giữa doanh nghiệp nông nghiệp và startup công nghệ”.

Theo đó, Ban tổ chức sẽ chọn ra các dự án, doanh nghiệp nông nghiệp có nhu cầu thực tế cần giải quyết về công nghệ, cùng các dự án, ý tưởng khởi nghiệp công nghệ để kết nối với nhau. Chương trình có tính thực tiễn cao, “giới nông dân” sẽ tài trợ nguồn lực cần thiết cho “giới công nghệ” tại doanh nghiệp, nông trại.

Trong khi đó, hiện Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Sihub) đã phối hợp với các đối tác quốc tế thực hiện Chương trình trao đổi startup (Runway To The World). Sihub sẽ hợp tác với các tổ chức và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các quốc gia để tuyển chọn startup nước ngoài đến tìm hiểu thị trường, nghiên cứu và kết nối giao thương tại Việt Nam, đồng thời mang startup Việt Nam ra thế giới.

Chương trình đầu tiên được Sihub triển khai cùng với sự hợp tác của Shinhan Bank (Hàn Quốc) đã giúp kết nối hai hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy sự giao thương kinh tế, kết nối thị trường giữa hai quốc gia. Đầu tháng 2/2018, Sihub và đối tác Shinhan Future’s Lab (thuộc Shinhan bank) đã tuyển chọn được 3 nhóm startup trong số 45 nhóm startup của Hàn Quốc tham gia chương trình.

Trong tháng 3/2018, các nhóm startup này sẽ sang Việt Nam tham gia các chương trình tìm hiểu thị trường, kết nối cố vấn, nhận sự hướng dẫn để hoàn thiện dự án và tiếp xúc nhà đầu tư… Đồng thời, các startup Việt Nam được tuyển chọn thời gian tới cũng sẽ được đưa sang Hàn Quốc kết nối thị trường.

Tiến Lực – Báo Dân tộc và miền núi

Bài gốc