Kết thúc Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2017, 4 dự án xuất sắc nhất được trao giải, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp của các “Hai Lúa” trẻ tuổi dám khởi nghiệp.

Ý tưởng từ chăm sóc vườn cam nhà

Đại diện Hội đồng Ban giám khảo, PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải (Phó trưởng Khoa Kinh tế, trường Đại học Cần Thơ) hồ hởi nói: “Bản lĩnh của các chủ dự án khởi nghiệp rất…máu lửa. Hầu hết các dự án là ý tưởng mới, có nội dung rõ ràng, tính thị trường cao”. Ông Hải cho biết, kết quả những cuộc thi như thế này đang thúc đẩy trường Đại học Cần Thơ xây dựng sàn giao dịch ý tưởng để khuyến khích sinh viên sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của vùng nông nghiệp quốc gia.

Giải Nhì trao cho dự án “Kinh doanh sản xuất xe năng lượng mặt trời phục vụ nông nghiệp”, của anh Trần Trung Hiếu ở xã Vĩnh Lợi (huyện Châu  Thành, tỉnh An Giang). Anh Hiếu dáng gầy, da đen, thoạt nhìn nhận ra con “Hai Lúa”, nhưng nói năng hoạt bát, có chút hài hước và nắm rất chắc việc mình làm.

Ý tưởng sáng tạo của anh nảy sinh từ việc chăm sóc vườn cam nhà quá vất vả, nhất là việc phun thuốc trừ sâu. Phải mang cái bình xịt động cơ xăng vừa nặng vừa ồn, năng suất thấp nên anh sáng chế bình xịt dùng điện mặt trời.

Sáng chế thành công cho hiệu quả tức thì, nhẹ hơn bình xịt động cơ xăng đến 6 kg nên đựng được nhiều thuốc. Với 3 công vườn cam, trước đây cần 15 bình thì nay chỉ cần 7 bình. Đặc biệt, hoạt động êm nhẹ, không rơi vãi thuốc ra ngoài và sương phun mịn, đều nên diệt các loại rầy sâu rất nhanh.

Bà con trồng cây ăn trái, trồng lúa đã đến đặt hàng anh làm nhiều loại bình xịt trên. Sáng chế của anh cũng đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh An Giang lần X, năm 2017.

Không dừng ở đó, anh Hiếu tiếp tục nghiên cứu làm xe năng lượng mặt trời, hoạt động đa năng, giảm nhẹ hơn nữa công sức cho nông dân và nâng cao năng suất. Tuy nhiên, chiếc xe chưa hoàn thiện được như ý nên anh xây dựng dự án “Kinh doanh sản xuất xe năng lượng mặt trời phục vụ nông nghiệp” mang đến Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2017, với hy vọng nhận được sự hợp tác đầu tư sản xuất.

 Làm những cái thị trường chưa có

Giải Ba là dự án “Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh” đã giải quyết được vấn đề môi trường đang rất bức xúc của ĐBSCL. Dự án của anh Trần Phúc Hậu và chị Võ Thị Cẩm Tú ở thị trấn Bình Đại (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).

Anh Hậu kể, năm 2012, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TPHCM, về quê làm viên chức thị trấn hơn năm thì bỏ, mở cơ sở kinh doanh thuốc và thức ăn thủy sản. Kinh doanh thời gian, thấy người nuôi tôm lao đao với tình trạng môi trường bị ô nhiễm, anh quyết tâm nghiên cứu để giúp bà con.

Anh Hậu bộc bạch, lúc đó nhiều người thân bảo tốt nghiệp đại học kinh tế thì lo kinh doanh mà làm giàu, đừng mó máy việc chưa ai làm được. Nhưng anh không nản, quyết theo đuổi làm những cái thị trường chưa có. Kinh nghiệm dân gian địa phương sử dụng bột bã mía cải tạo bùn đất khá tốt, tuy nhiên, để hiệu quả cao phải nuôi cấy thêm vi sinh.

Với kiến thức trước đây từng học trường Đại học Y Dược TPHCM 2 năm (vì đau mắt, phải nghỉ) nên anh có vốn liếng kiến thức sinh học. Bã mía anh Hậu xay ra, ủ với mật đường, nước sạch, các dòng vi khuẩn có lợi và một số nguyên liệu khác trong 72 giờ, thu được chế phẩm vi sinh như mong muốn. Anh đem rải xuống đáy ao tôm, vi khuẩn có lợi sinh sôi lấn át vi khuẩn có hại và môi trường được phục hồi tốt cho con tôm sinh sống khỏe.

Cứ 1 nghìn mét vuông ao tôm, rải 10 ký chế phẩm vi sinh bột bã mía, mỗi vụ nuôi tôm 3 tháng rải 10 lần, tổng chi phí giảm hơn 50% so với sử dụng các loại hóa chất và thuốc thủy sản. Vì không sử dụng hóa chất, kháng sinh nên tôm nuôi hoàn toàn “sạch”, được thị trường ưa chuộng.

Nghiên cứu thành công vào năm 2015, sau đó, anh Hậu mở Cty TNHH Sản xuất Thương mại Thủy sản Đại Thành để đăng ký sản xuất, lưu hành. Hiện mỗi tháng anh sản xuất gần 20 tấn cung cấp cho người nuôi tôm trong huyện và các nơi khác ở ĐBSCL. Với mong muốn hợp tác đầu tư phát triển, anh và cộng sự đem dự án “Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh” đến Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2017.

 Dám khởi nghiệp

Anh Lê Hoàn Đức có dự án “Kết nối người An Giang” từ vườn dâu của người cậu. Thấy cậu trồng dâu trĩu quả, muốn thu hút khách gần xa đến để bán mà không biết làm thế nào, Đức liền đưa lên mạng xã hội giới thiệu với bạn bè. Dần dần, nhiều người biết tìm đến vườn dâu và lan sang vườn trái cây khác của bà con xung quanh.

Còn anh Nguyễn Nhật Luân, ở phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Giồng Trôm (Bến Tre) nghiên cứu “Đầu tư máy móc thiết bị sản xuất nguyên liệu thô gáo dừa thành gạch ốp tường phục vụ trang trí nội thất”, khai thác tiềm năng của xứ Dừa. Anh Trương Minh Trung ở tỉnh Vĩnh Long nghiên cứu “Quy trình nuôi trùn quế kết hợp với nuôi nhốt bò vỗ béo và nuôi lươn không bùn” để đa dạng sản phẩm nông nghiệp…

Các ý tưởng khởi nghiệp của các “Hai Lúa” trẻ tuổi này đều xuất phát từ chính những đòi hỏi thực tế ở quê hương. Có đến 100 dự án của các bạn trẻ khắp ĐBSCL tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp 2017. Cuộc thi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ chủ trì phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ cùng thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL tổ chức. Theo đánh giá của Ban tổ chức, đông đảo “Hai Lúa” trẻ tuổi tham gia cuộc thi đã phát đi thông điệp: “Dám khởi nghiệp”.

Vấn đề còn lại là các cấp, các ngành hỗ trợ để bản lĩnh “dám khởi nghiệp” đơm hoa kết trái. Các bạn trẻ ở Cần Thơ đã làm ra đất sạch TAHO và tranh gạo Tấn Bửu, nhờ Thành Đoàn giúp chỗ trưng bày giới thiệu miễn phí để tiếp cận được thị trường. Tranh gạo Tấn Bửu còn được các đoàn thể quảng bá và hiện nhiều người có nhu cầu tìm đến.

Tuy nhiên, vẫn còn ở đâu đó chưa quan tâm đúng mức tới tuổi trẻ khởi nghiệp. Như anh Trần Phúc Hậu bộc bạch: “Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rất khó khăn, phải nhờ dịch vụ mới xong. Còn làm thủ tục lưu hành sản phẩm mất cả năm trời…”.

Ngọc Duyên – Báo Tiền Phong

 Bài gốc